Ngày 28/4, Công an huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đang tạm giữ N.T.H. (23 tuổi, trú tại thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên) có hành vi bạo hành cháu gái ruột là L.Q.T. (sinh năm 2018, tạm trú tại thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên) gây thương tích nặng tại nhiều vùng trên cơ thể.
Bước đầu N.T.H. khai nhận, do mẹ cháu T. là chị N.T.Q. (30 tuổi, trú tại thị trấn Thiên Cầm) là chị gái ruột của H. đi làm ăn xa nên từ tháng 11/2020 đến nay đã gửi con gái để H. chăm sóc. Trong 2 ngày 24 và 25/4, do cháu T. không chịu ăn nên H. đã sử dụng móc áo, cán chổi lau nhà đánh cháu T. khiến nạn nhân phải nhập viện cấp cứu.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo thông tin ban đầu của sự việc thì vụ việc có dấu hiệu của hành vi bạo hành, xâm phạm đến sức khỏe của trẻ em bởi vậy cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ sự việc và rất có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội hành hạ người khác.
Luật sư Cường cho biết thêm, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi đánh đập cháu bé được diễn ra từ bao giờ, diễn ra như thế nào và hậu quả mức độ thương tích, tổn thương cơ thể của cháu bé ra sao để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Trong trường hợp có tỷ lệ thương tích do hành vi cố Ý gây thương tích gây ra thì người phụ nữ này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo điều 134 bộ luật hình sự với tình tiết là hành vi có tính chất côn đồ và phạm tội với người dưới 16 tuổi.
"Trường hợp chưa đủ căn cứ để xử lý về hành vi cố ý gây thương tích thì hành vi hành hạ người khác gây tổn thương nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của nạn nhân như vậy thì cơ quan điều tra cũng có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người phụ nữ này về tội hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 bộ luật hình sự hiện hành.
Như vậy, trường hợp chưa đủ căn cứ về thương tích để xử lý về tội cố ý gây thương tích theo điều 134 bộ luật hình sự thì người phụ nữ này có thể bị xử lý hình sự về tội hành hạ người khác với mức chế tài có thể tới 3 năm tù. Còn trường hợp nạn nhân có thương tích và hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành của tội cố ý gây thương tích theo điều 134 bộ luật hình sự thì mức hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn. Mức hình phạt cao nhất của tội danh này có thể tới 20 năm tù hoặc tù chung thân nếu hậu quả là đặc biệt nghiêm trọng", luật sư Cường chia sẻ.
Cũng trao đổi với PV, luật sư Hoàng Văn Tùng - Trưởng văn phòng luật sư Trung Hoà (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, hành vi người dì đánh đập bé gái 4 tuổi được xác định là hành vi bạo hành trẻ em, xâm phạm trực tiếp tới quyền trẻ em. Hành vi này không chỉ gây tổn hại về cả thể chất và tinh thần mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của cháu bé.
"Theo Điều 37 Hiên pháp 2013, khoản 3 Điều 6 Luật trẻ em, hành vi bạo hành trẻ em bị pháp luật nghiêm cấm. Đối với hành vi bạo hành trẻ em tùy tính chất mức độ có thể bị xử phạt hành chính, thâm trí phải chịu trách nhiệm hình sự. Căn cứ khoản 2 Điều 3 Luật hôn nhân gia đình, quan hệ nuôi dưỡng thực tế, người dì ruột của cháu bé được xác định là thành viên gia đình. Theo điểm a Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính Phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chay, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình, người dì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho cháu bé.
Khi xem xét vụ việc này để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi bạo hành cháu bé của người dì có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự phải được thông báo bằng văn bản cho người dì", luật sư Hoàng Văn Tùng phân tích.
Theo luật sư Hoàng Văn Tùng, tội phạm bạo hành trẻ em được xác định là Tội phạm xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình. Theo đó, người dì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 185 Bộ Luật hình sự 2015. Đối với vụ việc này cần xác minh nhân thân người dì, cũng như làm rõ hành vi người dì bạo hành cháu bé có diễn ra thường xuyên hay không?
Bởi lẽ hành vi đánh đạp cháu bé của người dì thỏa mãn điều kiện cấu thành tội phạm khi diễn ra với thường xuyên làm cho cháu bé đau đớn về thể chất, tinh thần. Hoặc người dì đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người nuôi dưỡng mình mà còn vi phạm. Đối với tội danh, hình phạt cao nhất là hình phạt tù lên tới 5 năm tù./.