Sáng nay 29-1, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an) đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ".

4-1706517943.PNG
Hội thảo được diễn ra trong sáng nay

Tại Hội thảo, theo thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục CSGT, tác hại của việc sử dụng rượu, bia là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, y tế, giáo dục, giao thông và làm gia tăng các vấn đề xã hội. Ngay từ khi có hiệu lực, Nghị định 100 đã tạo được hiệu ứng, lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT cả nước đã đồng loạt thực hiện quyết liệt việc kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có ngày nghỉ"; qua đó bước đầu đã hình thành thói quen của người tham gia giao thông "đã uống rượu, bia không lái xe".

Tuy nhiên, thiếu tướng Nguyễn Văn Minh chỉ ra rằng vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông trong cơ thể có nồng độ cồn. Trong đó, cá biệt vẫn xuất hiện những vụ tai nạn liên hoàn, làm chết và bị thương nhiều người, gây tai nạn rồi bỏ chạy, chống lại người thi hành công vụ… xuất phát từ nguyên nhân người lái xe có nồng độ cồn trong cơ thể.

"Loại bỏ những nếp nghĩ cũ, thói quen xấu, trong đó có hành vi điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia là điều rất cần thiết. Đây là tiền đề để hình thành thói quen tốt của người tham gia giao thông và tiến tới xây dựng văn hóa giao thông"- Phó Cục trưởng CSGT nói.

1Cũng đóng góp tham luận tại Hội thảo, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGT), cho biết hiện nay, các quy định xử lý nồng độ đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ. Tuy nhiên, qua phân tích các quy định hiện nay, UBATGT thấy rằng vẫn có thể sửa đổi, bổ sung để làm tốt hơn.

Theo ông Trần Hữu Minh, hiện nay, mức xử phạt hành chính nồng độ cồn đã ở mức tương đối cao, tạo được sức răn đe tốt. Tuy nhiên, trên thực tế người uống 5 cốc hay 30 cốc đều có thể bị xử phạt hành chính như nhau, ở mức 3 (cao nhất trên 80 mg/100 ml máu, phạt 30-40 triệu đồng, tước bằng 22 tháng-24 tháng đối với ôtô).

"Điều này chưa phù hợp với quy định xử phạt hành chính, tương xứng với mức độ vi phạm. Theo chúng tôi nếu vượt qua mức 3 hoàn toàn có thể tách ra để xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, kể cả chưa gây hậu quả"- Chánh Văn phòng UBATGT nêu rõ.

Để thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn đặc biệt nghiêm trọng, theo ông Minh, việc này cơ quan chuyên môn ngành y tế cần có văn bản khuyến cáo nồng độ cồn ở mức nào là đặc biệt nghiêm trọng, khi nào người điều khiển sẽ mất kiểm soát hoàn toàn thì sẽ chuyển sang xử lý hình sự. Từ đó, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sẽ ra các văn bản hướng dẫn để cơ quan chức năng phía dưới thực thi.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, cho biết việc tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông khá phức tạp, công tác này gặp nhiều khó khăn, áp lực đối với đội ngũ y, bác sĩ. Ngoài ra, một số bệnh nhân và gia đình người bệnh bị gặp tai nạn giao thông khi vào viện không hợp tác khi thực hiện xét nghiệm ma túy và nồng độ cồn trong máu.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT), cho biết năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 770.679 trường hợp người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ mà trong cơ thể có nồng độ cồn. Trung bình mỗi ngày CSGT phát hiện, xử lý hơn 2.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Gần đây nhất, trong 15 ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Giáp Thìn 2024, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 40.806 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (trung bình mỗi ngày xử lý hơn 2.700 trường hợp vi phạm).

"Nguyên nhân chủ yếu là do hiểu biết của người dân về các tác hại của lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và đời sống còn chưa đầy đủ, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, đặc biệt tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, do việc tiếp cận với thông tin về mối nguy cơ này còn hạn chế; do phong tục, tập quán, nếp sống gắn liền với bia, rượu"- đại tá Nguyễn Quang Nhật đánh giá.