Bộ Tư pháp đã có thông báo về hồ sơ thẩm định dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Trong đó, ban soạn thảo đề xuất tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng 70% các khoản thu nhập của người lao động, theo TTXVN.
Lý do đưa ra đề xuất này là để tránh được tình trạng trốn đóng, đóng không đủ bảo hiểm xã hội, góp phần làm giảm ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động.
Trên thực tế, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2022 của người lao động là 5,73 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 75% thu nhập bình quân của người lao động làm công, hưởng lương.
Do vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng của vùng cao nhất do Chính phủ công bố. Mức cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng của vùng cao nhất.
TTXVN đưa tin, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đây là cơ sở để đóng bảo hiểm xã hội đối với những nhóm người không hưởng tiền lương như chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp. Đây cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm tham gia đối với những người lao động làm việc không trọn thời gian.
Dự thảo luật còn quy định cụ thể về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương. Theo đó, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội này là tiền lương tháng gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Phương án 1: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Phương án 2: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
Theo T.Đào - thesaigontimes.vn