Bộ trưởng GDĐT đề xuất miễn học phí THCS

Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 ngày 4/7, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết đối với học phí năm học 2022-2023.

Theo đó, Bộ trưởng GDĐT đã đề xuất thực hiện ngay việc miễn học phí cho toàn bộ (100%) học sinh hệ THCS từ năm học 2022–2023. Hiện tại, theo Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, chỉ học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập cả nước không phải đóng học phí.

img8912-1657085540020507735619-1657085637518568864924-1657097050.jpeg
Học sinh Trường THCS Mỹ Đình 1 năm học 2021-2022. Ảnh: Tào Nga

Cũng theo Bộ GDĐT, khi miễn học phí THCS, ước tính ngân sách cấp bù miễn học phí: 5,5 triệu học sinh x học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học = 11.199,8 tỷ đồng/năm học. Nếu thực hiện đề xuất này thì ngân sách nhà nước phải tăng thêm là 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 3 năm từ 2022-2024 (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81).

Như vậy, nếu đề xuất này được áp dụng thì học sinh từ lớp 1-9 trên cả nước sẽ không phải đóng học phí. Đặc biệt, lộ trình này cũng được rút ngắn thời gian thực hiện ngay từ năm học tới thay vì từ năm học 2025-2026.

Cụ thể, tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, học sinh THCS ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền được miễn học phí từ năm học 2022–2023 (được hưởng từ ngày 1/9/2022). Con học sinh THCS không thuộc đối tượng quy định trên sẽ được miễn học phí từ năm học 2025–2026 (được hưởng từ ngày 1/9/2025).

Miễn học phí THCS: "Bây giờ mới đề xuất là hơi muộn"

Liên quan đến đề xuất miễn học phí THCS từ năm học 2022-2023, trao đổi với PV báo Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay: "Đề xuất này là điều tất nhiên và đáng lẽ phải làm từ lâu rồi. Nhiều nước nghèo hơn cả Việt Nam chúng ta cũng miễn học phí đến lớp 9. Bây giờ chúng ta mới có đề xuất đến lớp 9 là hơi muộn nhưng làm ngay đến lớp 12 thì nhà nước sẽ gặp khó khăn. Vì vậy hiện tại miễn học phí đến lớp 9 là phù hợp".

29114903210064799066870466519074624313613318n-16570853308061661303503-1657097093.jpg
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Theo PGS Nguyễn Hồng Cổn, giáo dục và y tế là 2 lĩnh vực cần nhà nước đầu tư nhiều nhất. "Ngày trước dù nước ta còn nghèo nhưng học sinh từ lớp vỡ lòng đến lớp 10, thậm chí cả đại học ở 2 miền Nam, Bắc đi học không mất đồng học phí nào. Bây giờ dù chưa giàu nhưng đã có "của ăn của để" thì học sinh phổ thông cần được miễn học phí. Ít nhất là đến lớp 9. Hơn nữa, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của Liên hiệp quốc (được thông qua từ 16/12/1966 và có hiệu lực từ 3/1/1976) đã quy định giáo dục bắt buộc về nguyên tắc là giáo dục miễn phí cho tất cả mọi người, và thời lượng giáo dục bắt buộc có thể khác nhau tuỳ theo điều kiện và chính sách của từng quốc gia.

PGS Cổn cho rằng, với các khẩu hiệu thường được nhắc đi nhắc lại "Giáo dục là quốc sách", "Vì lợi ích trăm năm trồng người", Việt Nam lẽ ra phải là nước đi đầu trong việc thực hiện nguyên tắc giáo dục phổ cập, hoặc ít ra cũng phải thuộc nhóm thứ 2 thứ 3 (vì thu nhập còn tương đối thấp), nhưng đến bây giờ mới chỉ miễn học phí đến hết tiểu học và nằm trong số mấy nước miễn học phí ít nhất (5 năm) là khó chấp nhận. 

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết: "Miễn học phí cấp THCS là hợp lý, tôi ủng hộ. Trước đây chúng ta chỉ áp dụng cho học sinh tiểu học. Nếu nhà nước thấy còn gặp khó khăn thì có thể thực hiện theo lộ trình như kế hoạch. Đầu tiên là học sinh khó khăn rồi sau đó là toàn bộ học sinh cả nước. Lộ trình bao nhiêu năm, dài hay ngắn cần có sự tính toán trước khi quyết định".

PGS Nhĩ khẳng định, nâng cao dân trí là điều cần thiết. Nền kinh tế phát triển thì trình độ học vấn cần được nâng lên. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có thời gian. Bộ GDĐT phải thực hiện cả chục năm, lộ trình này thực hiện từ xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giáo viên, chuyển nơi thuận lợi đến nơi khó khăn, đưa học sinh đi học đúng độ tuổi...

mien-hoc-phi-thcs-2-16570854369531101204342-1657097164.jpeg
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: NVCC

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT nêu ý kiến: "Miễn học phí THCS là đúng". Mặc dù vậy, TS Khuyến cho rằng, giáo dục bắt buộc phải trong khả năng ngân sách của nhà nước. Đã bắt buộc thì nhà nước phải thực hiện sau đó mới cần đến xã hội hóa. Với bậc học này không nên yêu cầu quá cao như phải đảm bảo số trường lớp, phòng học, trình độ giáo viên... bởi vì yêu cầu quá cao thì nhà nước không đáp ứng được.

Trước ý kiến của nhiều người cho rằng chỉ nên miễn phí cho học sinh trong gia đình nghèo, gặp khó khăn, còn học sinh thành phố thì vẫn thu bình thường và chất lượng giáo dục cần cao hơn, TS Khuyến bày tỏ: "Tất cả mọi người đều được bình đẳng, học sinh đi học cũng bình đẳng như nhau vì đây là quyền lợi người dân được hưởng khi đóng thuế. Những gia đình nào có nhu cầu con em học nền giáo dục tốt hơn thì có thể theo các trường tư thục, quốc tế. Nhà nước cần cân đối, phân bổ ngân sách hợp lý".

Theo thống kê trên NationMaster, giáo dục bắt buộc (là số lớp/ số năm học sinh phải được đến trường và miễn học phí) các nước như Đức, Bỉ, Hà Lan... là 13 năm. Trung bình các nước khác với giáo dục bắt buộc từ 9-12 năm. Những nước nằm trong nhóm thu nhập thấp như Slovenia, Zimbabwe, Mozambique... có chính sách giáo dục bắt buộc 6-8 năm. Việt Nam xếp thứ 165/171, đồng hạng với 5 nước khác có số năm giáo dục bắt buộc ít nhất thế giới (5 năm).
mien-hoc-phi-thcs-1-16570852648641775240746-1657097204.png
Việt Nam xếp thứ 165 về số năm giáo dục bắt buộc.