Đê xuống cấp “cấp bách” đầu tư gần 46 tỷ đồng nâng cấp
Đê Tân Long, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có tổng chiều dài gần 20 km, được xây dựng từ những năm đầu thập kỷ 70. Hàng chục năm qua, tuyến đê như một vòng tay vững chãi che chở an toàn cho gần 4.000 hộ dân thuộc 6 xã vùng hạ huyện Hương Sơn. Ngoài ra, đê Tân Long còn là tuyến giao thông quan trọng của nhân dân địa phương để phát triển sản xuất, giao lưu buôn bán...
Tuy nhiên, do được đầu tư xây dựng từ lâu, trải qua nhiều đợt mưa lũ, sự khắc nghiệt của thời tiết nhưng không được đầu tư củng cố, nâng cấp, nên nhiều đoạn đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, đoạn quan xã Sơn Châu (từ K00 – Km3+00) có chiều dài khoảng 3 km, mặt cắt đê nhỏ hẹp, cao trình thấp, thân đê có nhiều điểm bị sạt lở, xuất hiện tổ mối, hiện hữu nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ cũng như ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của người dân địa phương.
Nhận thầy việc đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê Tân Long phục vụ công tác phòng chống lụt bão, bảo vệ an toàn cho người và tài sản nhân dân, cải thiện môi trường sinh thái cho khu vực, tạo điều kiện phát triển KT-XH là hết sức cấp bách, năm 2020 chính huyện Hương Sơn đã lập dự án để sửa chữa, nâng cấp tuyến đê đoạn qua địa bàn xã Sơn Châu.
Cụ thể, Dự án được hình thành với tên gọi Xử lý cấp bách đê Tân Long (từ K0 đến K3+00) đoạn qua xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn thuộc Dự án nhóm C, Công trình NN&PTNT - Công trình đê điều, cấp IV; Cấp quyết định đầu tư: UBND tỉnh Hà Tĩnh; Chủ đầu tư: UBND huyện Hương Sơn; Giá trị tổng mức đầu tư lên đến 45.998.000.000 đồng.
Dự án sử dụng Nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách Trung ương hỗ trợ Giai đoạn 2020-2025 (đã được bố trí 20.000 triệu đồng tại Quyết định số 107/QĐ-TTg ngày 31/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2019); ngân sách tỉnh và ngân sách huyện giai đoạn 2021-2025.
Về quy mô đầu tư, tổng chiều dài tuyến đê củng cố, nâng cấp là 2.980m; sửa chữa, nâng cấp 1 cống tưới, 8 cống tiêu cũ dưới đê đã hư hỏng xuống cấp, xây dựng mới 1 cống tiêu dưới đê; xử lý đấu nối tuyến đê với các tuyến đường giao thông hiện trạng.
Cụ thể, tuyến đê có chiều dài tuyến 2.980m, từ Thôn Đình đến đường Tỉnh lộ 8B (Thôn Nam Đoài), xã Sơn Châu; đắp áp trúc hoàn thiện thân đê bằng đất đồng chất, độ chặt yêu cầu K ≥ 0,95, dung trọng khô thiết kế γ=1,77 T/m3; Mặt đê: Chiều rộng mặt đường đỉnh đê B=5,0m, kết cấu mặt đường bằng BTXM M250 dày 20 cm, phía dưới lót bạt xác rắn, tiếp đến lớp cấp phối đá dăm dày 15 cm và phía dưới cùng là lớp đất đầm chặt K98, dày 30cm, cứ 5m bố trí 1 khe co dãn; khóa mái đê và gờ chắn bánh bằng bê tông M250.
Mái đê phía sông m=2,5; các đoạn xung yếu dài 2.321,00m (đoạn từ K0+428 ÷ K1+250 và K1+480 ÷ K2+979,00) mái đê được gia cố bằng đá lát khan dày 30cm trong khung BTCT M200 đá dăm (1×2)cm loại 1, phía dưới lót đá dăm (2×4)cm dày 10cm và dưới cùng là lớp vải địa kỹ thuật. Mái đê phía đồng có hệ số mái khoảng m=2,5, được trồng cỏ bảo vệ; Chân đê phía sông (theo chiều dài các đoạn gia cố mái đê): Cao độ theo địa hình hiện trạng; khóa mái chân đê bằng dầm BTCT M200 kích thước (0,3×0,4)m....
Trúng thầu “dễ dàng” thi công “đẳng cấp”?
Không lâu sau, gói thầu xây lắp được BQL Dự án huyện Hương Sơn mời thầu với giá hơn 35,547 tỷ đồng, “bất ngờ” đã diễn ra khi gói thầu này dù đã được bố trí vốn 20 tỷ đồng nhưng chỉ có liên danh Công ty CP Xây lắp Thành Vinh và Công ty CP Xây dựng 68 Hà Tĩnh dự thầu rồi “nghiễm nhiên” trúng thầu với tỷ lệ giảm giá ngót nghét hơn 20 triệu đồng.
Trải qua quá trình thi công “khẩn cấp” theo đúng nghĩa tên gọi của dự án này, công trình về cơ bản đã xong những hạng mục chính, tuy nhiên theo quan sát, con đê này dường như bị “chặt ngang” vì có thể (chưa giải phóng xong mặt bằng, nếu có).
Có thông tin cho rằng, từ cung đầu Km0 đến (đoạn cụt chưa GPMB) do Công ty CP Xây dựng 68 Hà Tĩnh thi công chưa nghiệm thu đã xuất hiện nhiều điểm có dấu hiệu kém chất lượng từ mái đê đến mặt đê. Công ty CP Xây dựng 68 Hà Tĩnh hoạt động từ năm 2007 do ông Trần Xuân Đình làm giám đốc, có trụ sở tại xóm Tiền Tiến, xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Qua quan sát bằng mắt thường, phần mái đê (đoạn đắp đất) xuất hiện chi chít lỗ hổng phần tiếp giáp phần khóa mái với phần nền đất, mái đê, mặt đê bê tông hóa (đổ dày 20cm) có nhiều vết nứt chằng chịt, loằn ngoằn từ bên này qua bên khác. Tại tuyến đê, đơn vị thi công (hoặc có thể là ai đó đam mê) cắt, đục mặt đê với đủ loại hình thù, có vị trí được cắt như hình “cung tên”. Đặc biệt, có vị trí vẫn xuất hiện vết rạn nứt cho dù đã đổ “vựa bê tông” trám lại.
Người dân sống gần bờ đê đoạn thôn Đình nói nôm na rằng, từ hồi họ “mần” đoạn đê ni nỏ có lần mô lụt ngập mái đê cả. Vậy nhưng, những gì nhìn thấy thật “trớ trêu" bởi mái đê đoạn đắp đất (không kè đá) xuất hiện cơ man là lỗ hổng, lộ hàm ếch lộng từ trong ra ngoài như thể bị “một lũ chuột siêu to khổng lồ gặm nhấm, đục khoét làm chỗ ở”.
Không những thi công có dấu hiệu kém chất lượng, trước đó vào tháng 6/2021, trong quá trình thi công, xe chở đất, vật liệu xây dựng di chuyển nhiều, lượng đất cát rơi vãi trên các tuyến đường và trên mặt đê rất nhiều, bụi bặm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày và cảnh quan môi trường của các hộ sinh sống gần các công trình thi công. Dù đã nhiều lần “phản ánh” đến 2 đơn vị thi công nhưng chưa có hướng khắc phục khiến dư luận bức xúc.
“Cực chẳng đã” UBND xã Sơn Châu đã phải “cầu cứu” Chủ đầu tư là UBND huyện Hương Sơn và BQL dự án huyện này “Đề nghị UBND huyện chỉ đạo các nhà thầu thực hiện các biện pháp đảm bảo môi trường trong thi công các công trình xây dựng Đê Tân Long và đường công vụ thôn Nam Đoài” chỉ đạo 2 đơn vị thi công nói trên có các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường để đảm bảo người dân sinh hoạt bình thường và ổn định dự luận trong nhân dân để người dân yên tâm sinh hoạt và làm việc.
Khảo sát cho thấy, dưới sự điều hành của ông Trần Xuân Đình, những năm qua Công ty CP Xây dựng 68 Hà Tĩnh đã tham dự và trúng nhiều công trình có giá trị lớn trên khắp các tỉnh thành. Vậy nhưng những gì nhìn thấy tại công trình Kè chống sạt lở khẩn cấp con đê ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) khiến dư luận nghi ngờ về năng lực thực sự của đơn vị này so với bản “CV hoành tráng” mà họ thường mang theo “xin việc” mỗi khi có tin “tuyển dụng” nhà thầu.
Có thể thấy, Đấu thầu là quá trình lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ, mua sắm hàng hóa, xây lắp… thỏa mãn các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, đảm bảo sự cạnh tranh, công bằng, minh bạch và mang lại lợi ích cho chủ đầu tư cũng như tiết kiệm tối đa ngân sách cho Nhà nước. Việt Nam đã có Luật Đấu thầu và hệ thống các văn bản hướng dẫn chi tiết.
Trước những hình ảnh được ghi nhận tại công trình tiền tỷ cung đoạn do Công ty CP Xây dựng 68 Hà Tĩnh thi công, câu hỏi đặt ra là, vai trò của đơn vị tư vấn giám sát công trình ở đâu? Đề nghị Cơ quan chức năng Hà Tĩnh, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Hà Tĩnh… cần sớm vào cuộc để làm rõ có những bất thường và kịp thời xử lý nghiêm nếu có sai phạm, tránh dư luận xấu, ngăn chặn nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước (nếu có) cũng như không để những gói thầu được phê duyệt dễ dàng, ảnh hưởng tiến độ, chất lượng công trình khi đi vào sử dụng.
Còn tiếp.... Đơn vị giám sát thi công: Anh là ai?