Tuyến đường Ngô Quyền (còn gọi là đường Nam cầu Cày) dài hơn 6km nối từ quốc lộ 1 đoạn qua xã Thạch Trung tới cầu Thạch Đồng, xã Đồng Môn (TP. Hà Tĩnh) được đưa vào sử dụng từ năm 2012. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, hai bên vỉa hè của tuyến đường được đầu tư 173,5 tỷ đồng này lại thường xuyên trở thành bãi tập kết rác thải xây dựng.

1-1636535416.jpg
Các đống rác thải xây dựng đổ dọc tuyến đường Ngô Quyền, TP Hà Tĩnh.

Không khó để bắt gặp các đống đất đá to nhỏ lẫn với vữa xi măng, sành, sứ nằm ngổn ngang dọc tuyến đường Ngô Quyền. Có những đống rác thải xây dựng đã được đổ lâu ngày nhưng không được dời dọn, cỏ mọc um tùm.

2-1636535446.jpg
Xã Thạch Trung phải bỏ kinh phí để dời dọn số rác thải xây dựng đổ trộm ở gần hồ điều hòa.

Bãi đất trống gần hồ điều hòa của xã Thạch Trung cũng là địa điểm “quen thuộc” của tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng. Có thời điểm tại khu vực này xuất hiện hàng chục đống gạch đá thải được tập kết tràn lan.

Hồ điều hòa là nơi mà mỗi buổi chiều có rất nhiều người đi tản bộ thể dục, thế nên, tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng khiến người dân không khỏi ái ngại. “Không hiểu họ nghĩ gì mà đổ rác thải bừa bãi khắp nơi. Chính quyền cần phải mạnh tay xử lý các trường hợp thiếu ý thức thế này”, bà Nguyễn Thị Vỵ (SN 1953, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) phản ánh.

3-1636535475.jpg
Cảnh tượng nhếch nhác ở khu tiểu thủ công nghiệp Bắc Quý, phường Thạch Quý.

Khu tiểu thủ công nghiệp Bắc Quý (phường Thạch Quý) cũng đang trở thành bãi tập kết rác thải xây dựng. Nhiều người đã cố tình đổ gạch ngói, bê tông, cửa kính vỡ và phụ phẩm trong hoạt động xây dựng ra tuyến đường, khu đất trống khiến nơi đây trở nên nhếch nhác.

4-1636535502.jpg
Đất đá, gạch ngói, phế phẩm xây dựng đổ trộm vào buổi đêm nên các địa phương khó khăn trong phát hiện, xử lý.

TP. Hà Tĩnh hiện đang trong quá trình đô thị hóa, vì thế, ngày càng có nhiều nhà ở, công trình được cải tạo, di dời, xây mới. Điều này cũng dẫn tới khối lượng rác thải xây dựng phát sinh ngày càng nhiều.

Hiện nay, TP. Hà Tĩnh chưa có khu vực đổ rác thải xây dựng tập trung. Thực trạng này cộng với sự thiếu ý thức của người dân và tổ chức nên tình trạng đổ rác gần như “mạnh ai người ấy làm”, thậm chí là nhiều người thuê chủ các xe tải để họ tự ý “xử lý” rác thải phát sinh.

“Họ thường đổ trộm rác thải xây dựng vào buổi đêm nên dù địa phương có cử lực lượng theo dõi cũng gặp khó khăn trong phát hiện, xử lý”, Chủ tịch UBND xã Thạch Trung Mai Văn Dy thông tin.

5-1636535539.jpg
Dự án xử lý rác thải xây dựng đang được triển khai ở phường Đại Nài.

Nhận thức rõ việc đổ trộm rác thải xây dựng dẫn tới ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan thành phố, thời gian qua, UBND TP. Hà Tĩnh đã chỉ đạo các phường, xã và cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý tình trạng này, song tới nay, vẫn chưa giải quyết triệt để.

Trưởng phòng TN&MT TP. Hà Tĩnh Thân Viết Văn cho hay: "Thành phố đang triển khai xây dựng dự án “Bãi xử lý bùn đất nạo vét từ hệ thống thoát nước và đất, cát, phế thải vô cơ, cành lá cây phát sinh trong quá trình vệ sinh môi trường” với quy mô gần 5ha tại khối phố 9, phường Đại Nài với tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng do Công ty CP Môi trường và đô thị Hà Tĩnh thi công.

Thời điểm này, công trình đã xây dựng được 70% khối lượng. Nếu mọi việc thuận lợi thì công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng đầu năm 2022. Khi đi vào hoạt động, công trình có thể xử lý các loại rác thải xây dựng trên địa bàn TP Hà Tĩnh như: sành sứ, thạch cao, ván gỗ, thủy tinh…".

Cũng theo ông Văn, trong lúc chờ dự án hoàn thành, bên cạnh việc các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng thì quan trọng nhất, người dân và các tổ chức cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không đổ trộm vôi vữa, gạch đá... ra môi trường./.