Tại cuộc họp thường trực an toàn giao thông (ATGT) tháng 8/2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đã hoàn thành công tác thu phí điện tử không dừng từ ngày 1/8/2022 trên 10 tuyến cao tốc (chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy) theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT.
3.774.000 xe dán thẻ đầu cuối, đạt 82,5%
Tuy nhiên, việc tổ chức thu phí vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: Một số trạm thu phí, trong quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng còn phát sinh các lỗi kỹ thuật liên quan đến nhận diện thẻ đầu, cuối trên phương tiện dẫn đến bức xúc cho chủ phương tiện.
Ngoài ra, theo ghi nhận tại các trạm thu phí, trường hợp phương tiện chưa dán thẻ hoặc đã dán thẻ nhưng không đủ điều kiện đi vào làn thu phí điện tử không dừng xảy ra khá thường xuyên; gây ùn, tắc giao thông đối với một số trạm thu phí có lưu lượng phương tiện qua trạm cao.
Để khắc phục tình trạng trên, Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo các nhà đầu tư BOT, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí rà soát, khắc phục triệt để các lỗi phát sinh của hệ thống thu phí điện tử không dừng bảo đảm vận hành đồng bộ tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, hạn chế tối đa các lỗi phát sinh.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác dán thẻ; tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân dán thẻ tham gia dịch vụ thu phí điện tử không dừng để phát huy hiệu quả của dự án.
Đặc biệt, Tổng cục Đường bộ cho rằng, thời gian tổ chức vận hành thu phí điện tử không dừng toàn bộ trên cao tốc đã được 1 tháng, do đó, đề nghị Cục Cảnh sát giao thông bắt đầu thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các phương tiện chưa dán thẻ hoặc đã dán thẻ nhưng không đủ điều kiện đi vào làn thu phí điện tử không dừng theo quy định.
Chất lượng nhà cung cấp dịch vụ thấp
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, đại diện Công ty Quản lý khai thác đường cao tốc ô tô Hà Nội-Hải Phòng, đơn vị trực thuộc Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết, sau 2 tháng thí điểm chỉ thu phí tự động không dừng trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đa số chủ phương tiện chấp hành quy định, phương tiện lưu thông qua trạm nhanh hơn, giảm tải trong đổi tiền lẻ, quản lý tiền mặt tại trạm.
So với tháng 6, số xe chưa dán thẻ đi vào cao tốc giảm hơn 43% (từ 13.200 lượt xuống còn hơn 7.400 lượt).
Số xe chưa nạp tiền vào tài khoản giao thông và số xe có tài khoản giao thông không đủ số dư thanh toán tại làn ra giảm không đáng kể, từ 9,6% xuống 6,8% so với tháng 6.
Tuy nhiên, tình trạng xe chưa dán thẻ, chưa nạp tiền, không đủ số dư trong tài khoản còn nhiều. Trung bình mỗi ngày có gần 1.300 xe chưa dán thẻ, lưu thông lần đầu, chưa nạp tiền để kích hoạt tài khoản hoặc không đủ tiền đi vào trạm thu phí.
Trong tháng 7 có đến gần 100 trường hợp phương tiện dán từ 2 thẻ trở lên. Khi những xe này đi vào cao tốc, thiết bị làn vào hoặc làn ra không đọc được thẻ, hoặc làn vào đọc 1 thẻ, làn ra đọc 1 thẻ khác, dẫn đến phải dừng phương tiện để xử lý thủ công.
Công ty Quản lý khai thác đường cao tốc ô tô Hà Nội-Hải Phòng cho rằng, nếu tình trạng này không được xử lý triệt để thì các xe này phải tiếp tục dừng lại khi lưu thông ở lần sau, gây mất thời gian chờ đợi, tăng nguy cơ va chạm giao thông tại làn ETC.
Thông tin thêm, VIDIFI cho biết, tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đang tạm áp dụng hạn mức đầu vào ở mức 40.000 đồng đối với phương tiện dán thẻ eTag do Công ty TNHH thu phí tự động VETC cung cấp.
Tuy nhiên, các phương tiện dán thẻ thu phí không dừng ePass do Công ty cổ phần giao thông số VDTC cung cấp không cần tài khoản có đủ hạn mức đầu vào, dẫn đến VIDIFI không thể phân loại, xử lý, nhắc nhở các phương tiện không có, không đủ tiền trong tài khoản ngay tại làn vào.
"Ở trạm thu phí đầu ra, xe không có, không đủ tiền trong tài khoản giao thông vẫn đi vào làn thu phí ETC phải dừng lại, trả tiền mặt, gây cản trở giao thông và gây hiểu lầm, bức xúc cho các khách hàng lưu thông phía sau thậm chí có nguy cơ va chạm với barie", đại diện VIDIFI nói.
Cần cải thiện chất lượng chăm sóc khách hàng
Việc cung cấp dữ liệu thông tin xe của khách hàng cũng gặp nhiều khó khăn, VIDIFI chưa được quyền truy cập vào hồ sơ định danh loại xe, việc tra cứu thông tin giấy tờ đăng kiểm do VETC, VDTC định danh được các nhà cung cấp dịch vụ gửi qua các mạng xã hội gây nhiều bất cập. Hồ sơ định danh loại xe không được cung cấp ngay tại thời điểm VIDIFI cần để hậu kiểm và định danh xe ETC. Trong bối cảnh các tuyến cao tốc đang triển khai chỉ có thu phí không dừng, việc nhận được phản hồi của 2 nhà cung cấp dịch vụ ngày càng khó khăn.
Ngoài ra, nhân sự của nhà cung cấp dịch vụ chưa ổn định. Trong tháng 7, VETC chỉ có 1 nhân viên trực tại trạm thu phí đầu tuyến và cuối tuyến thực hiện việc dán thẻ, các trạm còn lại không có nhân viên. Công ty VDTC không có nhân viên trực tại các trạm thu phí.
Thêm nữa, từ tháng 6, VIDIFI đã phản ánh các lỗi số điện thoại đường dây nóng của 2 nhà cung cấp dịch vụ không liên lạc được, đồng bộ nâng cấp phần mềm, thay đổi số dư tối thiểu đối với tài khoản ePass, tắt tính năng tự khóa thẻ trên phần mềm. Tổng cục Đường bộ cũng đã yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ khắc phục các lỗi này, cải thiện chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, đến nay các lỗi và bất cập vẫn chưa được cải thiện.
Từ thực tế trên, VIDIFI kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục bố trí nhân viên tại trạm, kịp thời xử lý các lỗi không có, không đủ tiền trong tài khoản và các tình huống phát sinh. Bên cạnh đó sớm ban hành quy định số tiền tối thiểu phải có trong tài khoản giao thông trước khi vào cao tốc. Đồng thời, có hành lang pháp lý cho việc trả sau để tiến tới bỏ barie tại trạm thu phí./.