Câu 3 trong đề kiểm tra này có nội dung như sau:

"Làng Vân thuộc thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Bắc Giang là nơi có truyền thống nấu rượu từ lâu đời. Cùng với thời gian, cái tên làng Vân lại trở thành thương hiệu của một loại rượu nổi tiếng khắp cả nước: Rượu làng Vân. Không giống với các loại rượu khác, rượu làng Vân uống êm, vị đậm, uống xong có cảm giác lâm li hương vị đặc biệt trong họng và không đau đầu.

Trên nhãn của các chai rượu đều ghi số 35 độ.

a. Hãy giải thích ý nghĩa của số trên?

b. Tính thể tích rượu etylic nguyên chất có trong 500ml rượu 35 độ."

Trên các diễn đàn, một số phụ huynh bày tỏ sự không hài lòng, bức xúc về cách ra đề của nhà trường vì cho rằng đây giống như một hình thức "quảng cáo" rượu, thậm chí có thể kích thích tính tò mò của học sinh, gây hệ lụy xấu.

4-de-hoa-quang-cao-ruou-1652768855-1652772249.jpg
Đề kiểm tra học kỳ II môn Hóa đang được bàn luận rất nhiều trên các diễn đàn (Ảnh: VietNamNet)

Trao đổi với Dân trí, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hóa ở Hà Nội nhận định, đây là đề thi chưa tốt về mặt chuyên môn.

Thứ nhất, trong đề thi đã sai một thông tin cơ bản là "huyện Bắc Giang". Đáng ra, thông tin đúng phải là "huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang".

Thứ hai, về nguyên tắc, khi xây dựng một đề thi có câu hỏi gắn với thực tiễn, bản thân thực tiễn đó phải gắn với nội dung câu hỏi. Ở đây, phần dẫn về rượu làng Vân không thực sự liên quan đến câu hỏi phía dưới, tức hoàn toàn có thể bỏ phần dẫn đi mà không hề làm thay đổi tính chất của câu hỏi.

Với việc nhiều phụ huynh cho rằng đề thi này "quảng cáo rượu", có thể ảnh hưởng xấu đến học sinh, theo thầy Ngọc, quan điểm trên không thực sự đúng.

Thầy Ngọc phân tích, văn hóa uống rượu ở Việt Nam đã rất phổ biến trong các gia đình, không phải vì có đề thi này mà trẻ mới biết đến việc uống rượu của người lớn, hoặc trong cuộc sống xung quanh. Bên cạnh đó, nội dung của trích dẫn có ca ngợi một đặc sản mang tính địa phương là rượu làng Vân. Nếu suy diễn theo hướng quảng cáo thì cần hiểu đây là quảng cáo rượu làng Vân, không phải ca ngợi việc uống rượu nói chung. Ở địa phương có đề thi này là Đồng Nai, việc tìm mua được rượu làng Vân cũng không dễ.

"Thử giả định rằng đề kiểm tra này khiến học sinh tò mò về rượu làng Vân, các con cũng đâu dễ mua được rượu làng Vân để uống? Và từ việc đọc được đề thi cho đến hành vi tìm mua rượu làng Vân, uống rượu hay nghiện rượu làng Vân sẽ là câu chuyện rất xa. Chúng ta không nên cường điệu hóa, suy diễn như vậy", thầy Ngọc chia sẻ.

Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, hiện nay, không chỉ với môn Hóa mà trong rất nhiều môn học, nguyện vọng của xã hội vẫn là gắn chủ đề học tập của các con với thực tiễn. Người ra đề bởi vậy cũng cố gắng đưa thông tin thực tiễn vào để đề thi gần gũi hơn.

Với đề thi Hóa có câu hỏi về rượu làng Vân nói trên, phần trích dẫn cũng trang bị thêm cho học sinh kiến thức, hiểu biết về một loại đặc sản địa phương. Vấn đề chỉ ở chỗ, người ra đề chưa đủ khéo để thông tin thực tiễn gắn với nội dung câu hỏi phía dưới.

Để đề thi tốt hơn, thầy Ngọc cho rằng người ra đề có thể giảm bớt những tính từ mang tính chất mô tả rượu làng Vân, vì bản thân những tính từ này cũng không có nhiều ý nghĩa đối với câu hỏi. Hoặc đơn giản hơn, có thể phần dẫn chỉ cần một ảnh chụp chai rượu làng Vân, trên đó ghi nhãn 35 độ, hoặc chí ít là "Một loại rượu làng Vân có ghi trên nhãn là 35 độ" rồi tới câu hỏi thì sẽ trọn vẹn hơn./.