Cửa Lò có một hệ thống di sản văn hóa đa dạng và phong phú, gắn với đặc trưng văn hóa cộng đồng vùng biển và là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch văn hóa. Để phát huy nguồn lực này cần phải nhận diện và tìm được ý tưởng nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch phù hợp.
Nhận diện đặc trưng văn hóa Cửa Lò qua hệ thống di sản
Nói đến đặc trưng văn hóa của Cửa Lò thì trước hết cần phải nói đến vai trò của các dòng họ đã đến đây khai mở ra vùng đất này. Và các dòng họ hiện nay cũng là một nhân tố văn hóa quan trọng của làng. Chỉ riêng câu chuyện về việc các dòng họ đầu tiên đến khai phá ra làng Mai Bảng (trung tâm phường Nghi Thủy hiện nay) đã giàu sức cuốn hút. Chuyện được ghi lại là giữa thế kỷ XVIII, có 6 người gồm các ông Trần Liệt, Hoàng Đức Thực, Võ Chính Đạo, Lê Viết Lệ, Nguyễn Văn Đò, Phạm Công Huấn ở Hà Tĩnh, kết nghĩa anh em và cùng nhau đưa gia đình đi tìm đường khai khẩn cuộc sống mới. Các ông dùng thuyền nan dọc sông ra lạch Sót (nay là Cửa Sót) rồi dọc ven biển ra phía Bắc. Đến lạch Hội (nay là Cửa Hội) thì dừng chân ở phía Nam sông Lam (thuộc Nghi Xuân). Nhưng vì ở đây sóng to gió lớn, khó có thể làm ăn định cư được, nên các ông tiếp tục đi về phía Bắc. Ra đến lạch Lò thì các ông lựa chọn vùng Vạn Lộc để cư trú (nay là phường Nghi Tân). Nhưng ở đây dân đã đông đúc, là phận ngụ cư mới đến nên các ông bị xua đuổi. Thế là lại tiếp tục kéo nhau đi lên vùng Đông Ngàn (nay thuộc xã Nghi Tiến) tìm cách sinh sống. Nhưng đây là bãi ngang, không phù hợp với họ nên cả đoàn lại đi về cồn Mui. Nhận thấy nơi này phù hợp, chưa ai khai phá nên cả đoàn quyết định ở lại. Đó là sự mở đầu cho việc lập ra làng Mai Bảng và 6 người chủ gia đình này cũng trở thành các ông tổ của các dòng họ lập làng hiện nay. Hiện nay, phường Nghi Thủy có 29 dòng họ cùng sinh sống và có vị thế ngang nhau. Văn hóa dòng họ cũng trở thành một nét bản sắc văn hóa Cửa Lò và có giá trị phát triển du lịch lớn. Những câu chuyện về khai hoang mở cõi của các bậc tiền nhân còn được gia phả và con cháu ghi lại đó, nếu được trình diễn lại trong các tác phẩm nghệ thuật để thu hút du khách, thì có lẽ cũng là một cơ hội thật sự cho văn hóa dòng họ tỏa sáng.
Các dòng họ lớn ở Cửa Lò đều gắn với các hoạt động hướng biển nên nó cũng là nhân tố tạo ra nhiều nét văn hóa mang đặc trưng vùng biển khác. Trong đó đáng kể nhất là hệ thống các di tích lịch sử và các hoạt động gắn liền với nó. Đó là các đền thờ, miếu thờ gắn với các lễ hội dân gian liên quan đến văn hóa của người dân vùng biển. Trong đó phải kể đến một số ngôi đền như: Đền làng Hiếu (Nghi Hải) thờ cá Ông, đền Yên Lương (Nghi Thủy) thờ Tứ vị Thánh Nương và một số hải thần khác, đền Vạn Lộc (Nghi Tân) thờ Phó mã Thái úy Quận công Đô đốc trấn thủ thập nhị hải môn Nguyễn Sư Hồi - Người có công chiêu dân, lập ấp, xây dựng nên làng Vạn Lộc. Đền Mai Bảng (Nghi Thủy) thờ Đức Thánh Lê Khôi và một số người có công sáng lập ra vùng đất Nghi Thủy. Nhìn chung, các ngôi đền nổi tiếng này đều liên quan đến các nghi lễ văn hóa của cư dân vùng biển. Chủ yếu thờ các vị thần biển và một số nhân thần có công xây dựng, bảo vệ những vùng đất này trong lịch sử và có nhiều đóng góp to lớn được người dân địa phương ghi nhớ như Nguyễn Sư Hồi, Hoàng Tá Thốn, Lê Khôi… Bên cạnh đó còn môt số ngôi đền nổi tiếng khác ngay gần trung tâm thị xã Cửa Lò như đền Cửa (Nghi Khánh) thờ Quốc mẫu Âu Cơ, Cao Sơn, Cao Các, Tam tòa Thánh Mẫu và một số anh hùng có công trong sự nghiệp đánh giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, đền Nguyễn Xí (Nghi Hợp) thờ Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí - bậc khai quốc công thần thời Hậu Lê, người có công lao lớn trong sự nghiệp bình Ngô của vua Lê Thái Tổ… Gắn liền với các đền thờ là các lễ hội dân gian được người dân địa phương coi trọng và có sức hấp dẫn thu hút nhiều du khách đến tham quan vào các dịp diễn ra lễ hội.
Một di sản văn hóa quan trọng của Cửa Lò là các làng nghề truyền thống, chủ yếu là các làng nghề liên quan đến nghề biển và gắn với văn hóa biển. Cửa Lò không có quá nhiều làng nghề lớn, nhưng không vì vậy mà coi nhẹ vai trò của các làng nghề ở đây. Có 3 làng nghề truyền thống lớn nhất hiện nay là Làng nghề đánh bắt và chế biến hải sản ở phường Nghi Thủy, Làng nghề bảo quản, chế biến hải sản ở phường Nghi Tân, Làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 ở phường Nghi Hải. Các làng nghề này mang trên mình đặc sắc văn hóa Cửa Lò và lịch sử văn hóa của địa phương. Họ chính là những chủ nhân đích thực của vùng biển Cửa Lò. Các làng nghề trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn chứng tỏ được sức sống mãnh liệt bởi nó gắn với biển, với văn hóa biển và góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của Cửa Lò.
Để di sản văn hóa định hướng cho du khách tham quan
Di sản văn hóa giữ một vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Nếu đưa di sản văn hóa làm điểm nhấn và định hướng cho du khách tham quan, thì khi đó, du khách sẽ được mách bảo rằng:
Hãy đi dọc bờ biển, hãy ngắm nhìn mặt biển xa khơi nhưng cũng đừng quên ngắm cả bãi biển ngay dưới chân mình. Chiều dọc bờ biển cả chục cây số vậy, nhưng lại có một Bãi Ngọc được đặt tên riêng. Còn thời gian, hãy tìm hiểu thêm về sự kỳ lạ đó. Hãy đi dọc các trục đường chính và ngắm nghía những tuyến phố phù hoa, nhưng cũng đừng quên tự chất vấn những tên đường. Bởi mỗi con đường, mỗi con phố đều có một tên gọi với những sự tích, những câu chuyện lịch sử và văn hóa. Đi chợ hôm mua sắm, rồi đến chợ điện tử rong chơi, nhưng cũng trò chuyện để biết thêm về nó, những chứng tích của lịch sử kinh tế vùng biển này. Mỗi đoạn đường, mỗi ngôi nhà hay đơn giản là một chiếc thuyền ở nơi đây cũng luôn gắn với những câu chuyện đẹp, luôn chờ người khám phá.
Hãy đến với các di tích lịch sử để hiểu về văn hóa nơi này. Từ đền thờ Nguyễn Xí ở phía Bắc thị xã đến đền Vạn Lộc ở Nghi Tân thờ Nguyễn Sư Hồi để được nghe những câu chuyện về hai cha con, hai danh nhân lịch sử lớn của dân tộc và chiêm ngưỡng những nét kiến trúc kỳ diệu của những ngôi đền được xây dựng từ thời Lê. Rồi đến đền Mai Bảng ngay giữa phường Nghi Thủy nghe các sự tích về Lê Khôi, một công thần giúp Lê Lợi đại phá quân Minh, cùng với những câu chuyện về bà Nguyễn Thị Bích Châu - một Quý Phi đoan hậu được suy tôn là nữ thần biển… Đền thờ các vị thần là một trong những điểm đến quan trọng của du lịch Cửa Lò. Các đền đều có kiến trúc độc đáo hấp dẫn du khách. Không chỉ vậy, gắn với nó là những sự tích, những câu chuyện liên quan đến lịch sử, văn hóa của vùng biển này. Những di tích lịch sử văn hóa là những kho tư liệu kể chuyện ngàn năm cho du khách.
Hãy đi vào các làng, các phố để nghe người dân kể chuyện về cuộc đời, về những thân phận của những con người đã gắn với biển từ nhiều thế hệ. Đó là chuyện về những dòng họ đầu tiên đến đây khai phá vùng biển để lập làng. Quá trình khai phá vùng biển vô cùng khó khăn, cần sự đoàn kết và chia sẻ nên quan hệ họ hàng trở thành một điểm nhấn bởi tính liên kết chặt chẽ của nó. Vì vậy mà lịch sử dòng họ cũng là một phần vô cùng quan trọng của lịch sử địa phương. Đó là khám phá những cái giếng làng đặc biệt và nghe những người già kể về một cuộc chiến gian nan khác: công cuộc tìm kiếm nguồn nước ngọt ở ngay gần bờ biển từ các thế hệ cha ông trước đây đến nay. Vì sự gian truân quá lớn mà nước giếng trở nên thiêng liêng với các gia đình trong làng và họ thường lấy nước để thờ cúng hay phục vụ các nghi lễ thiết yếu cũng như để giặt các đồ dùng quan trọng trong nghề biển.
Hãy đi vào làng để hiểu người trong làng hiện nay sinh sống bằng nghề gì và như thế nào. Qua họ sẽ biết thêm về những nghề truyền thống vốn là kế sinh nhai từ bao thế hệ cha ông để lại. Đó là làng nghề sản xuất nước mắm, làng nghề sản xuất ruốc, làng nghề sản xuất mắm tôm hay nghề đánh bắt và chế biến cá thủ công. Sẽ có nhiều mùi lạ và không dễ chịu. Nhưng đừng sợ mà dừng lại. Đó mà mùi vị của biển. Với người dân nơi đây, mùi nước mắm, mùi mắm tôm, mùi ruốc hay là mùi tanh của cá là mùi biển, mùi cuộc sống, là mùi đặc trưng của chính mình. Đảm bảo khi quen và thích nó rồi, bạn sẽ nghiện nó thay vì khó chịu. Những người dân nơi đây mến khách. Dù lạ hay quen, bạn vẫn được nghe họ chia sẻ những câu chuyện cuộc sống của chính họ. Nếu bạn muốn trải nghiệm một vài công đoạn, người dân sẵn sàng hướng dẫn. Nếu bạn muốn tự nướng những miếng cá để mang về hay để thưởng thức tại chỗ, người dân cũng rất hoan nghênh. Hãy lắng nghe họ kể. Tin rằng khi nghe về chuyện đời của họ, bạn sẽ thay đổi và có nhiều cảm xúc khác khi cầm chai nước mắm hay chấm một mẩu thức ăn vào bát mắm, bát ruốc.
Và “hãy” cuối cùng là hãy dành cho mình một khoảng thời gian để cho chuyến đi du lịch có nhiều giá trị hơn bên cạnh ăn và nghỉ. Đó là khám phá con người và văn hóa nơi đây. Khi du khách đến rồi biết và hiểu về Cửa Lò, thì tình cảm sẽ lớn dần và trở thành một động lực thôi thúc người ta quay lại./.