Bà Lan cho rằng: “Xương sống” của điều trị là hệ thống bệnh viện nhưng bệnh viện hiện nay đang rất khó khăn. Cơ chế tự chủ hiện nay mới chỉ là nhà nước không cấp lương, hoặc càng lúc càng giảm nguồn ngân sách cho lương bác sỹ và nhân viên y tế. Còn bệnh viện tự chủ và thu chi nhưng chỉ tự chủ về nguồn thu nhưng rất khó vì giá cả phải theo quy định. Sau đó các nguồn quỹ lập ra về tài chính cũng phải theo quy định”.
“Về tổ chức cũng không quyết được ai làm giám đốc của bệnh viện thành ra tự chủ nhưng những cái thực sự để cho họ phát huy tính chủ động, suy nghĩ, chất xám để nâng chất lượng bệnh viện tăng chưa có. Chưa kể hiện rất nhiều y, bác sĩ sẽ lựa chọn cách an toàn là không làm gì cả, không mua sắm, không đấu thầu. Cuối cùng thiệt thòi thuộc về người bệnh. Người bệnh vào viện tự chi trả và chi trả như thế nào là vấn đề khó", bà Lan nói.
Cho nên, theo nữ ĐBQH này, cần xem xét cơ chế tài chính để làm sao chấm dứt tình trạng trong 1 bệnh viện có 2 loại giá tồn tại là giá bảo hiểm và giá dịch vụ y tế. Chuyện này là vô lý và không quốc gia nào như thế. Phải tính toán để bảo hiểm đảm bảo nguồn thu và đa dạng hoá nguồn thu. Các nước khác đã làm như vậy nhưng tại sao chúng ta làm không được? Chỉ thống nhất 1 giá trong bệnh viện công lập và Nhà nước công khai minh bạch trợ giá cho bảo hiểm như thế nào để người dân vẫn được khám chữa bệnh theo quy định nhưng bệnh viện vẫn được chi trả đúng theo giá trị chất lượng của dịch vụ đó. Cho nên nó tạo sự bất công ngay trong bệnh viện.
Cũng theo bà Lan, hiện các bệnh viện công cực kỳ khổ sở với cơ chế đấu thầu về thuốc và trang thiết bị y tế. “Ở đây đấu thầu về thuốc bao nhiêu năm nói mãi rồi vẫn theo cơ chế càng rẻ càng tốt, năm sau rẻ hơn năm trước và thậm chí có trường hợp đấu thầu, trúng thầu rồi, chọn giá rẻ nhất rồi nhưng sau đó vài tháng 1 địa phương khác trúng thầu với giá thấp hơn thì lại phải áp theo giá đó. Tôi đặt vấn đề ngược lại, nếu thị trường biến động, giá xăng tăng, giá thuốc tăng liệu bảo hiểm có thanh toán theo giá tăng hay không? Không có. Cho nên đó là cái bất cập, phải có cơ chế riêng để làm sao có thuốc và trang thiết bị cho bệnh viện và người bệnh với giá hợp lý- đó là mục tiêu cao nhất trong đấu thầu", ĐB này nói thêm.
Bà Lan cũng chỉ rõ: Hãy nhìn xuống các bệnh viện tư nhân. Họ có vấn đề về thuốc, đấu thầu trang thiết bị y tế không? đó là tiền của họ và với họ chuyện đó rất đơn giản. Hãy nhìn các nước trong khu vực và trên thế giới có nước nào đấu thầu như vậy hay không?
Đặc biệt, vị ĐB này chua xót nói về thực tế: giá rẻ nhưng thiệt hại lớn nhất là về nhân lực. Tập trung cho đấu thầu nên từng bệnh viện khó khăn khi các bác sỹ, nhân viên y tế không phải là những người được đào tạo về đấu thầu. Khi anh bận rộn với đủ chi tiết linh tinh trong đó thì anh không có thời gian tập trung cho phát triển chuyên môn kỹ thuật. Đó là thiệt hại đầu tiên về nhân lực, chưa kể làm sai sẽ bị hình sự hoá, bị bắt, mất nguồn nhân lực.
Bà Lan cho rằng, chúng ta đừng nên tỉ mẩn chỉ ngồi xem trên danh mục thuốc trên mạng và cố gắng kéo giá thấp xuống. Thực ra tiết kiệm không được bao nhiêu. Cái khoản chi lớn nhất khi cần thì vẫn phải chi là những thuốc độc quyền. Cái này ở mức độ quốc gia chúng ta phải có thương lượng giá như các quốc gia khác đang làm. Bán vào thị trường khác với bán vào các bệnh viện với số lượng lớn, có bệnh nhân nặng và có sự chỉ định của bác sĩ.
"Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể thương lượng được vì đó là chính sách của các hãng dược đa quốc gia đối với các nước. Khi chúng tôi có dịp làm việc, người ta rất muốn nhưng chúng ta không có cơ chế đó nên cái đó lại là cái dở. Đó mới là cái chúng ta có thể tiết kiệm được", bà Lan nói.
Bà Lan cho rằng: "Nên để cho bệnh viện có quyền tự chủ. Đó là tính theo định suất, ví dụ mỗi bệnh viện 1 năm khám chữa bao nhiêu bệnh nhân định suất là bao nhiêu. Quỹ đó chúng ta có quyền lựa chọn trên thị trường, thuốc nào bệnh viện cho rằng tốt nhất cho bệnh nhân và công khai minh bạch, bàn bạc và giá cả mua trên thị trường vì thuốc cũng là mặt hàng được điều chỉnh giá rồi, được kiểm soát về giá và chúng ta không tốn thời gian. Tính ra nó còn có lợi hơn và các bác sỹ được chuẩn bị tốt hơn về mặt tâm lý. Chứ như tình trạng hiện nay tôi thấy rất là khổ".
Bà Lan cũng chỉ rõ, thiệt hại khi thuốc quá rẻ thì dẫn đến chất lượng không đảm bảo, trong khi chúng ta không có đánh giá nào chỉ ra liệu có ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng điều trị của các bác sĩ hay không? Tôi biết nhiều người có thẻ bảo hiểm y tế nhưng vào bệnh viện nếu không phải trường hợp bệnh nan y và giá quá đắt tiền sẽ “giấu” thẻ bảo hiểm đi để khám chữa bệnh dịch vụ.
Về trang thiết bị, bà Lan cho biết, ngành y tế luôn ở hướng “trăm dâu đổ đầu tằm”. Vì lúc bệnh nhân cần đặt máy nhưng sau đó khi xảy ra chuyện thì bảo hiểm y tế không thanh toán các dịch vụ đối với đặt máy; bệnh nhân bị mất quyền lợi và phải tự chi trả tiền túi. Cái gì không quản được thì cấm như vậy là không được. Cho nên về cơ chế tài chính chúng ta cần khẩn trương thay đổi, nếu không chúng ta sẽ phải tiếp tục trả giá. Cái trả giá đầu tiên là mất cán bộ y tế ở tất cả các cấp.
Bà Lan nói: "Tôi không ủng hộ tiêu cực, tiêu cực ai nhận tiền, vụ lợi thì phải chịu trách nhiệm nhưng ccần xem xét xem, chúng ta tạo môi trường để cho người ta phát huy y đức hay chưa?".
Riêng về nhân lực, các bệnh viện hiện nay tại TP Hồ Chí Minh đang có tình trạng các nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt trong hệ thống y tế cơ sở và điều trị. Nguyên nhân là do đãi ngộ.
“Để có 1 bác sĩ giỏi thì phải đầu tư nhiều từ gia đình vì học ngành y, dược lâu hơn và thi đầu vào khó hơn. Học căng thẳng, tôi có nhiều người bạn trong quá trình học chịu áp lực không nổi phải bỏ cuộc”, bà Lan chia sẻ./.