Cùng với tư liệu lịch sử, ký ức của các nhân chứng, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (8/1945) và ngày Quốc khánh 2/9 trên quê hương Nghệ An còn được in dấu đậm nét ở hệ thống các di tích và hiện vật.
Nằm giữa thành phố Vinh, di tích đình Trung, thuộc phường Hưng Dũng được xây dựng từ năm 1843 (thời Nguyễn). Tại đây, trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh là nơi diễn ra các hoạt động đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, vào ngày 17/8, Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân làng Yên Dũng khởi nghĩa giành chính quyền và chọn đình Trung làm trụ sở làm việc. Ảnh: Đức Anh
Tháng 4/1946, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức mở lớp bồi dưỡng cán bộ Đảng tại đình Trung. Đặc biệt, tháng 11/1946, đình Trung được chọn làm nơi tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ Nghệ An lần thứ IV, với 45 đại biểu chính thức. Ảnh: Đức Anh
Di tích nhà cụ Hoàng Viện ở làng Châu Sơn, xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) từng là nơi hội họp của Xứ ủy Trung Kỳ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930- 1931). Trong thời kỳ đấu tranh dân chủ (1936- 1939) và phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1945), ngôi nhà trở thành “căn cứ” của Đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng. Ảnh: Đức Anh
Tại nhà cụ Hoàng Viện, ngày 8/8/1945, Việt Minh liên tỉnh đã triển khai hội nghị phổ biến tình hình và bàn kế hoạch tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay cách mạng. Để rồi, vài tuần sau, cùng với nhân dân khắp mọi miền đất nước, nhân dân Nghệ An vùng lên giành chính quyền, góp phần làm nên cuộc cách mạng “long trời lở đất”. Ảnh: Đức Anh
Di tích nhà cụ Hoàng Viện còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị và các loại giấy tờ chứng nhận thành tích của gia đình đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Ảnh: Đức Anh
Đặc biệt, các vật dụng ngày trước vợ chồng cụ Hoàng Viện dùng để nuôi giấu, giúp đỡ cán bộ cách mạng vẫn còn được lưu giữ. Ảnh: Đức Anh
Đình Võ Liệt thuộc xã Võ Liệt (Thanh Chương) cũng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931). Năm 1940, đình Võ Liệt chứng kiến sự kiện Chi bộ Võ Liệt được khôi phục. Năm 1945, đây là một trong những điểm tập hợp lực lượng quần chúng đấu tranh giành chính quyền và nơi làm việc của chính quyền cách mạng. Ảnh: Huy Thư
Các loại vũ khí (đao, kiếm) của các đội Tự vệ đỏ ở Nghệ An sử dụng trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ An. Ảnh: Đức Anh
Cây đa Làng Trù, thuộc xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn), nơi 75 năm trước, vào ngày 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa huyện Nghĩa Đàn, hàng ngàn người thuộc 3 dân tộc là Kinh, Thái và Thổ thuộc cùng lực lượng công nhân các đồn ở Phủ Quỳ cùng tập trung hô vang khẩu hiệu đấu tranh và giương cao cờ đỏ sao vàng. Ảnh: Công Kiên