Mở rộng hệ thống không gian du lịch miền Tây

UBND tỉnh, các cấp, các ngành và các địa phương cần nhận thức đúng và có quyết tâm chính trị cao để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế hỗ trợ có tính đột phá, mạnh hơn để phát triển du lịch. Trong đó, tập trung các nhóm ưu tiên như: khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch. Chú trọng xây dựng môi trường du lịch nhân văn, văn hóa, giàu bản sắc, có tính khác biệt cao; đồng thời, tăng cường liên kết, kết nối, phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá và thương hiệu du lịch…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh THÁI THANH QUÝ

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Kim Chung về giải pháp cho bài toán liên kết phát triển du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Mạnh Cường cho biết: thời gian qua, Sở Du lịch đã phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành trong cả nước kết nối xúc tiến phát triển du lịch; tuy nhiên, so với thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu… “Thời gian tới, ngành sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong, ngoài nước; nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong nước, nhất là những địa phương có nguồn khách lớn; đồng thời, mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong khu vực và các nước Nghệ An có ký kết gắn với việc mở các đường bay”, ông Cường chia sẻ.

Trước câu hỏi của đại biểu Trình Văn Nhã về định hướng, giải pháp lựa chọn loại hình trọng điểm để tạo động lực thu hút du khách, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Mạnh Cường giải trình: Nghệ An có 7 loại hình, ngành du lịch chọn 3 trụ cột về du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch sinh thái mạo hiểm gắn với du lịch cộng đồng… “Hiện nay, khách nước ngoài đến với Nghệ An đang chọn hình thức du lịch cộng đồng; theo đó, ngành sẽ tiếp tục xây dựng mô hình này. Ngoài ra, tỉnh cũng đang hướng tới phát triển du lịch miền Tây, mở rộng hệ thống không gian du lịch miền Tây ngày càng phát huy tốt hơn tiềm năng lợi thế của các địa phương”, ông Cường cho biết.

Thừa nhận sản phẩm quà tặng du lịch chưa sắc nét, chưa mang dấu ấn đặc trưng vùng, miền đang là trăn trở của lãnh đạo tỉnh, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: đây là bài toán tỉnh cần tiếp tục phải giải trong thời gian tới.

ytt-1702629905.jpg
Đại biểu Trình Văn Nhã chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: H. Phong

Liên quan đến chất vấn của các đại biểu về xây dựng các sản phẩm quà tặng, lưu niệm đặc trưng, Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Hóa thông tin: hiện, toàn tỉnh có hơn 600 sản phẩm hàng hóa phục vụ làm quà tặng, lưu niệm và tổ chức 6 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm… “Dù số lượng hàng hóa lớn, đa dạng và phong phú về chủng loại, phẩm cấp; nhưng chưa có nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ, có giá trị văn hóa, lịch sử, đặc biệt chưa có sản phẩm đặc trưng xứ Nghệ”, ông Hóa thừa nhận.

Khắc phục tình trạng này, ông Phạm Văn Hóa cho biết: sẽ tiếp tục rà soát để có các cơ chế, chính sách. Bởi các sản phẩm, hàng hóa lưu niệm, quà tặng thuộc nhóm hàng hóa đặc biệt, nên cần có phương pháp, cách thức, cơ chế đặc biệt mới thúc đẩy được… Cùng với đó, quan tâm phát huy tính sáng tạo của toàn xã hội, tranh thủ sự tham gia, đóng góp của các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh...

Thay đổi tư duy, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng

Trả lời chất vấn của đại biểu Lục Thị Liên về giải pháp khai thác, phát huy bề dày truyền thống văn hóa và di tích, di sản, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh cho rằng: trong 7 loại hình du lịch, du lịch văn hóa - lịch sử và tâm linh là loại hình quan trọng. Hiện, Nghệ An có hệ thống di tích và danh thắng lớn với tổng 2.062 di tích được kiểm kê, trong đó có 480 di tích đã được xếp hạng, gồm 6 di tích quốc gia đặc biệt, 145 di tích quốc gia và 329 di tích cấp tỉnh… Tuy nhiên, việc khai thác, phát triển du lịch loại hình này chưa tương xứng với tiềm năng và khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn lực.

“Hiện, ngành đã xây dựng và triển khai 7 vùng di sản với các sản phẩm đặc sắc. Ngoài lễ hội Làng Sen và Festival Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, tỉnh tiếp tục khai thác các di sản liên quan đến Xô viết Nghệ Tĩnh… Cùng với đó, quan tâm phát triển du lịch tâm linh (các di tích, di sản mang yếu tố tâm linh chiếm khoảng 95%). Trong đó, có những di tích nổi bật như đền thờ Hoàng đế Quang Trung, đền ông Hoàng Mười, đền Cờn, đền Bạch Mã…”, bà Hạnh cho biết.

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc về giải pháp bảo tồn, khai thác các bản sắc văn hóa, đặc biệt là văn hóa nhà sàn truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: thời gian qua, ngành đã phối hợp cùng chính quyền các địa phương triển khai nhiều giải pháp, trong đó, các huyện đều xây dựng Đề án bảo tồn, phát huy các giá trị và không gian văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch thông qua các mô hình du lịch cộng đồng… “Thời gian tới, ngành tiếp tục rà soát, kiểm kê, phân loại các ngôi nhà sàn, nhà cổ để xem xét, xếp hạng theo Luật Di sản để bảo tồn, phát huy hiệu quả các di sản, phục vụ phát triển du lịch…”, bà Hạnh thông tin.

Thừa nhận tình trạng thiếu và yếu về nguồn lực du lịch như phản ánh của đại biểu Phan Thị Minh Lý, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bùi Văn Hưng lý giải: nguyên nhân do đại dịch Covid-19 làm biến động cơ cấu lao động, trong đó có lĩnh vực du lịch; hoạt động du lịch là lĩnh vực lao động không thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn nhân lực gắn bó. “Thời gian qua, nhân lực tham gia đào tạo du lịch trên địa bàn tỉnh khá lớn (giai đoạn 2021 - 2023 hơn 8.100). Tuy nhiên, chất lượng đào tạo còn hạn chế (gần 70% người được đào tạo sơ cấp 3 tháng); sự gắn kết giữa cơ sở kinh doanh du lịch với Trung tâm Xúc tiến việc làm và cơ sở đào tạo còn nhiều khó khăn…”, ông Hưng cho biết.

Về giải pháp, ông Bùi Văn Hưng cho biết: thời gian tới, sẽ tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, gắn với định hướng nghề nghiệp cho người lao động; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề đáp ứng số lượng và chất lượng… Đối với các cơ sở kinh doanh du lịch, nhất là các cơ sở lưu trú cần tăng cường phối hợp, thay đổi tư duy trong đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch chất lượng, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.