245674526-389921662795697-1992407462771093752-n-1634475184.jpg
4 sáng kiến của ông Lê Đình Sơn đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận năm 2021

Ông Lê Đình Sơn, nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng - Chủ tịch HĐND tỉnh - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Với những cương vị đó, ai cũng biết ông là người lãnh đạo cao nhất tỉnh, công việc vô cùng bận rộn. Thế nhưng, điều ngạc nhiên là ông vừa được tỉnh Hà Tĩnh công nhận đến 4 sáng kiến cấp tỉnh.

Một cán bộ, công chức bình thường, phải vô cùng tâm huyết, gian nan vất vả mới có được 1 sáng kiến cấp tỉnh, thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình. Nhưng ông Lê Đình Sơn, lại có đến 4 sáng kiến cấp tỉnh, không thuộc chuyên môn của ông (chuyên môn của ông là lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh và lãnh đạo Đảng bộ Hà Tĩnh).

Có nhiều vấn đề cần xem xét trong “hiện tượng” nói trên. Thứ nhất, là sáng kiến ngoài chuyên môn. Ai cũng biết là sáng kiến phải gắn với chuyên môn, với công việc hàng ngày, phải hết sức am hiểu, phải lao tâm khổ tứ, qua nhiều lần thất bại, thử - sai, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, mới có được. Còn ai đó, nói có sáng kiến ngoài chuyên môn, thì người đó không hiểu gì về lao động, về sáng tạo.

Tương tự, là cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên hay sáng tạo KHKT dành cho học sinh, người lớn hồn nhiên chấp nhận các sáng kiến ngoài chuyên môn đến mức phi lý, “thần đồng”, Thánh Gióng. Học sinh, tuổi ăn tuổi chơi, chưa 1 ngày bước chân đến trường Y, kiến thức lõm bõm, đã là chủ nhân của các giải pháp chẩn đoán, điều trị ung thư, dược phẩm, mà ngay cả các chuyên gia đầu ngành, cũng phải lắc đầu, lè lưỡi.

Trẻ con, chưa bước chân ra khỏi nhà, không hiểu gì về dịch tễ, virus, đã là chủ nhân của các sáng kiến chống COVID-19, trong khi người lớn, chuyên gia vật vã không nghĩ ra cái gì hay ho, dịch bệnh hoành hành, người chết la liệt. Việc này (của đa số học sinh), gói gọn trong mấy từ: “ăn cắp, đạo nhái, mông má, xào xáo”.

Trước mắt, Hà Tĩnh và các địa phương khác, cần quán triệt nguyên tắc: nói KHÔNG với sáng kiến, giải pháp ngoài chuyên môn. Thợ hồ không thể làm sáng kiến thay cho nhà toán học; và nhà thơ không thể làm sáng kiến cho ông kĩ sư thợ mỏ. Chim không thể sáng kiến về bơi lội, cá không có sáng kiến về bay lượn. Tóm gọn như thế, cho nhanh. Đương nhiên, vẫn có ngoại lệ, cá biệt, thiên tài, nhưng cần được thẩm định, phản biện hết sức kĩ lưỡng.

Mặt khác, về nguyên tắc, sáng kiến phải mới. Chưa có ai nghĩ ra, chưa có ai làm. Nếu đã có người đề cập, người làm, thì phải làm rõ sáng kiến của anh kế thừa cái gì, phát triển cái gì, ưu việt hơn chỗ nào (gọi là lịch sử vấn đề). Nếu không có gì mới hơn, tốt hơn, hay hơn, nghỉ.

245612125-176864221283713-1529884177804119558-n-1634475067.jpg
Việc công nhận 4 sáng kiến cho 1 mình cá nhân ông Lê Đình Sơn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu ký.

Trường hợp ông Lê Đình Sơn có 4 sáng kiến, 2 cái đầu tôi không rõ, nhưng 2 cái sau, gồm: “Sắp xếp bố trí cán bộ dôi dư do sáp nhập xã”, và “Tổ chức liên kết sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị” là những vấn đề có tính chất toàn quốc, chắc chắn các địa phương khác đã làm, và để có cái mới, đòi hỏi phải có sự khảo sát, thống kê trên phạm vi toàn quốc, không rõ ông Sơn đã làm được chưa, làm đến đâu.

Trường hợp “Sắp xếp bố trí cán bộ dôi dư do sáp nhập xã”, tất cả phải theo luật, quy định, không thể có những cái trái luật, không rõ trong các giải pháp của ông Sơn, có cái gì đó mà cả nước chưa nghĩ ra? Tôi nghĩ là vô cùng khó. Đây là công tác chuyên môn của cán bộ cơ sở, nếu Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm, sẽ mất rất nhiều thời gian. Thế thời gian nào để ông làm việc chuyên môn của ông (được trả lương), là Bí thư Tỉnh ủy?

“Tổ chức liên kết sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị” cũng là việc của cán bộ chuyên môn về Nông nghiệp, thương mại, của doanh nghiệp.... Đã nghe nói rất nhiều. Đã làm nhiều. Để làm cho “ra môn, ra khoai”, không hề đơn giản.

Một nguyên tắc “vàng” của sáng kiến là phải có hiệu quả. Sáng kiến mà không có hiệu quả thì cũng bằng không. Không rõ hội đồng sáng kiến Hà Tĩnh đã kiểm nghiệm được hiệu quả của 4 sáng kiến của ông Lê Đình Sơn hay chưa. Riêng cá nhân tôi thấy sáng kiến “vườn mẫu” chỉ có tính chất đẹp về hình thức chứ hiệu quả kinh tế thì không thực sự ấn tượng. Vì cái gì làm ra tiền thì nông dân, doanh nghiệp cũng đã làm cả rồi; cái gọi là “mẫu” có hơn gì cái không “mẫu”, về mặt hiệu quả kinh tế?

“Tổ chức liên kết sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị” cũng tương tự. Ý tưởng thì hay nhưng để có hiệu quả, tóm lại là làm ra tiền dương một cách bền vững là câu chuyện vô cùng khó. Nếu quả thực Hà Tĩnh làm được thì nên công bố công khai cho toàn quốc học tập. Mà không làm được, hiệu quả chưa rõ ràng, thì chưa nên công nhận.

Một vấn đề nữa, có tính chất “hiện tượng” chung ở nhiều địa phương, ban ngành, là các vị lãnh đạo thường có rất nhiều đề tài, đề án, sáng kiến cấp tỉnh, hoặc cấp cao hơn. Các cơ sở giáo dục thì có hiện tượng lãnh đạo đứng tên chung trong các bài báo quốc tế. Đương nhiên có giỏi mới làm lãnh đạo, nhưng sáng kiến phải gắn với chuyên môn, và lãnh đạo đứng tên nhiều sáng kiến, đề tài quá cũng khiến dư luận dị nghị.

Thế thời gian đâu để các lãnh đạo làm chuyên môn, trong khi nhiều vị, đi họp và tiếp khách đã mệt mỏi rồi? Trong khi chuyên môn của lãnh đạo lại không có sáng kiến gì? Chả hiểu vì sao?

Trân trọng!

Cre: Quang Đại