ks-nghe-an-1634213020.jpg
Cơ quan chức năng dừng phương tiện tại điểm chốt cầu Bến Thủy I, kiểm tra thủ tục trước khi cho vào địa bàn Nghệ An. Ảnh: QĐ

1. Đến chiều 14/10, người Nghệ An qua các địa phương của Hà Tĩnh để làm việc thì vẫn bị "hành". Ví như khi đi qua chốt kiểm tra tại thị trấn Xuân An để vào huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thì vẫn bị yêu cầu xuất trình giấy xét nghiệm âm tính hoặc chứng nhận tiêm vắc xin đủ 2 mũi. 

Ngược lại, người Hà Tĩnh sang các địa phương của Nghệ An (đặc biệt là vào TP Vinh) cũng bị "tra cẩn thận". Theo đó, tại chốt kiểm soát cầu Bến Thủy (tỉnh Nghệ An), cán bộ cũng yêu cầu người ngoại tỉnh Hà Tĩnh phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc xét nghiệm COVID-19 âm tính còn hiệu lực.

2. Dù là lý do "bảo vệ vùng xanh" nhưng với cách làm của Nghệ An và Hà Tĩnh đã và đang gây khó cho rất nhiều người dân. 

Thứ nhất, số người được tiêm vắc xin một mũi của hai tỉnh này đang chiếm tỷ lệ quá "khiếm tốn". Mũi 1 đã vậy thì người tiêm vắc xin đủ 2 mũi sẽ "khan hiếm" đến như thế nào. Số chưa tiêm mũi nào hay mới chỉ được 1 mũi lý do không phải vì họ chống đối không tiêm mà là chưa đến lượt tiêm vì chưa có thuốc. Lỗi này đâu thuộc về họ! 

Thứ hai khi mà "điều kiện" tiêm đủ 2 mũi lúc này và có thể trong thời gian sớm nhất là bất khả kháng thì người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh lại đang "mắc kẹt" bởi quy định tét nhanh. Nếu không có "bùa hộ mệnh" này thì họ không thể qua Hà Tĩnh hay sang Nghệ An để làm việc. Mà nếu đáp ứng đủ điều kiện này thì họ lại bị "áp lực" bởi tiền. Tét nhanh giá của hai tỉnh này dao động từ 150 ngàn đồng đến 180 ngàn đồng "1 nhát" ngoáy mũi nhưng cũng chỉ có giá trị 72 giờ. Vậy là nếu muốn làm ăn thì người dân cứ 3 ngày lại tét 1 lần chỉ mấy giây mất đứt hơn 1 yến gạo bình thường. Một tháng họ qua lại làm việc Nghệ An và Hà Tĩnh thì mất gần "10 quả tét", vị chi mất đứt hơn 1 tạ gạo. 

Phải đi lại để phục vụ cho nhu cầu làm việc, dịch dã đã khó khăn, việc làm không có, thu nhập bị cắt giảm giờ thêm khoản "tét trời ơi" nữa đang khiến người dân lại khổ bội phần. "Đi làm được bao nhiêu thì lại phải chi nuôi tiền tét. Thôi thì ở nhà", một người lao động tâm sự.

3. Trong khi đến nay ngày 14/10 Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn đang còn có những "quy định" trên thì trước đó ngày 11/10 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128,  tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Mà cụ thể nhất là các địa phương cả nước tạm thời không áp dụng chỉ thị 15, 16, 19, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Nghị quyết này cũng quy định: Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định cách ly y tế vùng (phong tỏa ổ dịch) nhanh nhất, ở phạm vi hẹp nhất có thể và triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, tiếp cận dịch vụ y tế để người dân yên tâm tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.

4. Nghị quyết 128 được ban hành có thể nói đã tạo được sự đồng thuận của rất nhiều bộ phận người dân. Trong khi đó điều lạ là trả lời báo chí những người có trách nhiệm của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn "thản nhiên" là đang họp, đang chỉ đạo xây dựng kế hoạch, đang chờ phê duyệt.

Xin hãy bớt "đang" đi ạ! Nghị quyết ban hành là "cấp tốc" như bình ô xi cứu cánh cho người sắp chết. Chậm phút giây nào không quyết để tiếp ô xi là bệnh nhân chết. Hệt như Nghị quyết Chính phủ chậm đi vào "cuộc sống" chừng nào thì dân còn khổ ngày đó.

5. "Không biết Trưởng Ban chỉ đạo Nghệ An và Hà Tĩnh đã đọc "Nghị quyết Covid-19" của Chính phủ chưa?", một người dân băn khoăn.

Người khác thì "kính bẩm": Tóm lại, với Nghị quyết 128, cả nước đều là vùng xanh (trừ một số vùng phong tỏa), người dân được tự do đi lại. Các địa phương lân cận, có mối quan hệ đặc biệt, gần gũi về nhiều mặt như Nghệ An - Hà Tĩnh; Nghệ An - Thanh Hóa… nên có quy chế phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân. 

Nói ra quy trình có vẻ lôi thôi, nhưng chỉ cần một cú điện thoại của hai ông Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh, là xong, dân đỡ khổ rất nhiều"./.

Trọng Đức