"Thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm"

Theo ý kiến thẩm tra bước đầu của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, năm 2022, số lượng các vụ án hành chính đã thụ lý 11.433 vụ (tăng 941 vụ so với cùng kỳ năm 2021); đã giải quyết đạt 49% (tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021).
Báo cáo cũng nhấn mạnh, tỷ lệ giải quyết vụ án hành chính mới đạt 49%, chưa đạt chỉ tiêu do Quốc hội giao (60% trở lên).

Tỷ lệ án bị hủy do nguyên nhân chủ quan là 3,08%, bị sửa do nguyên nhân chủ quan là 2,77%, chưa đạt yêu cầu của Quốc hội (không vượt quá 1,5%).

Riêng với 32 bản án, quyết định người phải thi hành là UBND, chủ tịch UBND được giám sát năm 2018, đến nay đã thi hành xong 26 việc.

Chính phủ cũng đánh giá, số bản án, quyết định hành chính tăng mạnh trong 2 năm gần đây, nhưng hiệu quả công tác thi hành án hành chính chưa cao.

Đáng lưu ý, một số chủ tịch UBND các cấp chưa đề cao trách nhiệm, chưa gương mẫu trong việc chấp hành bản án hành chính; chưa quyết liệt trong đôn đốc, kiểm tra, xử lý trách nhiệm với người phải thi hành thuộc thẩm quyền quản lý.

Còn trường hợp không giải quyết hoặc không thông báo kết quả giải quyết với kiến nghị về thi hành án của cơ quan có thẩm quyền.

Báo cáo của Chính phủ dẫn chứng, dù Viện KSND có 7 kiến nghị với chủ tịch UBND một số quận, huyện của TP Hà Nội đề nghị chỉ đạo các phòng, ban thực hiện bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng đều không nhận được công văn phúc đáp hoặc văn bản thông báo tình hình, kết quả thực hiện.

dan-kien-chu-tich-tinh-khong-den-toavi-sao-nen-noi-1662945560.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn.

Nêu ý kiến về vấn đề này, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn dẫn lại báo cáo của TAND tối cao cho biết "tình trạng, chủ tịch UBND, người đại diện không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, chậm cung cấp chứng cứ, tài liệu theo yêu cầu của tòa án là rất phổ biến và kéo dài nhiều năm, gây khó khăn cho tòa án trong việc giải quyết vụ án hành chính, gây bức xúc cho đương sự. Có thể nói, đó chính là sự thiếu trách nhiệm, thậm chí là sự thờ ơ, vô cảm của UBND, chủ tịch UBND ở nhiều địa phương”.

Theo ông Tuấn, người dân khiếu nại các quyết định hành chính vì không đồng tình với các quyết định này. Vì vậy, khi đến cơ quan chính quyền đề nghị giải quyết thì người dân đều rất bức xúc.

Và khi khiếu kiện mà không đạt được yêu cầu, nhiều người sẽ khởi kiện ra tòa.

Bức xúc lại được nhân lên khi chủ tịch UBND hay người đại diện trở thành người bị kiện, nhưng lại không tham gia phiên tòa. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng “khó” chất vấn chủ tịch tỉnh?

Trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo dân nguyện tháng 3/2022 của Quốc hội, về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng vẫn còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, dẫn đến đơn thư nhiều.

Từ đó, ông Cường đề xuất Ban Dân nguyện có thể đề nghị trong một phiên họp, phiên chất vấn nào đấy của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay hình thức thế nào để chất vấn bộ trưởng, trưởng ngành và thậm chí chủ tịch UBND một số tỉnh, thành có nhiều đơn thư, nhiều vụ việc không được giải quyết.

Liên quan đến đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Quyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc này sẽ khó thực hiện do không có cơ sở pháp luật.

Về nguyên tắc, Quốc hội có quyền giám sát toàn bộ hoạt động của Nhà nước, trong đó có chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật và phân cấp, phân quyền thì chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm trong hệ thống hành chính nhà nước hay nói cách khác theo kỷ luật, kỷ cương công vụ trong hệ thống các cơ quan hành pháp thống nhất từ Chính phủ đến xã, phường chứ không chịu trách nhiệm trực tiếp trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Còn toàn bộ hệ thống hành pháp và các bộ, ngành, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Do vậy, ông Quyền nhấn mạnh sẽ không có chuyện chất vấn chủ tịch UBND tỉnh, thành trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ có chất vấn với Thủ tướng, Phó thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ...

Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đề xuất, nếu tiến hành cải tiến có thể mời các chủ tịch UBND tỉnh, thành đến phiên họp, phiên chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng không phải để trả lời với tư cách trả lời chất vấn mà chỉ trình bày, làm rõ thêm những vấn đề, nội dung mà Thủ tướng, Phó thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mới đây, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cũng đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc mời thêm Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố dự các phiên chất vấn.

“Nếu làm được điều này, chất lượng phiên chất vấn sẽ tốt hơn”, đại biểu nói và mong muốn Ban Soạn thảo cân nhắc kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và TP HCM có 5 đại biểu phát biểu tại mỗi phiên thảo luận hội trường.

Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị sửa Luật Tố tụng hành chính để khắc phục mâu thuẫn khi tại Điều 60 quy định, chủ tịch UBND, người đại diện phải tham gia quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, nhưng các điều sau đó lại cho phép người bị khởi kiện có quyền làm đơn vắng mặt tại phiên tòa.

Theo ông Tuấn, dù luật quy định người bị khởi kiện là UBND, chủ tịch UBND có thể vắng mặt, song về trách nhiệm của cơ quan hành chính trong việc giải quyết khiếu nại của người dân thì “điều này rất khó chấp nhận”.

Ông cũng đề nghị sửa đổi pháp luật về giải quyết khiếu nại. Hiện Luật Khiếu nại quy định phải qua 2 cấp giải quyết khiếu nại, sau đó nếu không đồng tình người dân mới được khởi kiện ra tòa hành chính. Ông Tuấn đề nghị, sửa đổi theo hướng, sau giải quyết lần 1 thì người dân có thể khởi kiện ra tòa.

Điều này sẽ khiến công việc của tòa nhiều lên nhưng giải quyết được nhiều vấn đề phức tạp, bức xúc hiện nay. Cạnh đó, sẽ nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ tịch UBND trước khi ban hành quyết định hành chính nào đó vì nếu không đúng sẽ phải đối mặt với tòa./.