Ông cũng cho rằng sự thất vọng của Pháp không phải vì mất hợp đồng đóng tàu ngầm cho Australia. Trong cuộc họp báo ngắn với truyền thông Australia ngày 18/9, ông Jean-Pierre Thebault nói ông ước có cỗ máy thời gian để mọi thứ không rơi vào tình huống mà ông cho là "vụng về đến khó tin". "Tôi rất buồn khi bị buộc phải rời đi", ông Thebault bộc bạch.
"Tôi nghĩ rằng đây là một sai lầm lớn, một cách xử lý rất, rất tệ đối với đối tác. Chuyện ở đây không phải chỉ là một hợp đồng. Đó còn là một quan hệ đối tác dựa trên sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau và chân thành", đại sứ Pháp phát biểu trước giờ rời khỏi Australia.
Theo cơ chế AUKUS vừa được thành lập, Australia sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân nhờ sự hỗ trợ công nghệ của Mỹ và Anh. Bộ Quốc phòng Australia xác nhận điều này đồng nghĩa Canberra sẽ không mua các tàu ngầm thông thường từ Pháp.
Trong động thái nhằm thể hiện sự thất vọng, Paris đã quyết định triệu hồi đại sứ tại Australia và Mỹ về nước. Giới chức ngoại giao Pháp gọi việc Mỹ, Anh và Australia bắt tay nhau là "một cú đâm sau lưng".
Theo giới quan sát, việc bị mất hợp đồng trị giá hàng chục tỉ USD rõ ràng là một thiệt hại lớn cho Pháp. Tuy nhiên, điều khiến Paris thất vọng hơn cả là nước này không được đồng minh Mỹ báo trước.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi việc Australia hủy bỏ thỏa thuận hợp đồng đóng tàu ngầm là "hành vi không thể chấp nhận được giữa các đồng minh và đối tác".
Vì sao Australia lại quyết định hủy thỏa thuận đóng tàu ngầm thông thường với Pháp và tiến thẳng lên tàu ngầm hạt nhân?
Theo tờ Politico bản châu Âu, quyết định của Australia xuất phát từ nhiều lý do trong quá khứ. Đầu tiên là vấn đề bảo mật của Naval Group, nơi sẽ chế tạo 12 tàu ngầm Shortfin Barracuda Block 1A cho Australia.
Một vụ rò rỉ hơn 22.000 trang tài liệu liên quan đến tàu ngầm Scorpene xảy ra vào tháng 8/2016 làm dấy lên lo ngại dự án tàu ngầm của Australia cũng có thể trở thành mục tiêu. Mặc dù đã có sự phản đối trong nước, chính quyền Australia khi đó vẫn quyết định ký hợp đồng với Naval Group sau khi được cam đoan về tính bảo mật.
Tuy nhiên, Canberra đã nhanh chóng thất vọng vì chi phí chế tạo liên tục tăng. Vào thời điểm ký kết, Australia dự kiến chỉ tốn khoảng 50 tỉ đôla Australia (AUD) (khoảng 36 tỉ USD) cho dự án. Nhưng khoảng 3 năm sau, số tiền ước tính lên tới 90 tỉ AUD (khoảng 65 tỉ USD).
Vào tháng 11/2019, Bộ Quốc phòng Australia tính toán sẽ cần tới 145 tỉ AUD (khoảng 105 tỉ USD) để mua và vận hành, bảo dưỡng toàn bộ hạm đội 12 chiếc tàu ngầm từ Pháp.
Theo Politico, những phiền hà còn đến từ thời gian giao hàng của Pháp. Australia cần gấp những tàu ngầm mới để thay thế 6 chiếc tàu ngầm lớp Collins dự kiến nghỉ hưu vào năm 2026.
Tuy nhiên, Pháp không thể giao chiếc tàu ngầm đầu tiên trước mốc thời gian này, sớm nhất là vào năm 2035 và hợp đồng chỉ có thể hoàn tất vào giữa thế kỷ này.
Để tránh việc không có tàu ngầm, Chính phủ Australia quyết định đóng 6 tàu ngầm Collins mới hoàn toàn với chi phí hàng tỉ USD. Điều này khiến dự án tàu ngầm Australia tiếp tục đội giá và vấp phải sự chỉ trích của báo giới.
Một vấn đề quan trọng khác là địa điểm chế tạo. Theo thỏa thuận ban đầu, các tàu ngầm sẽ được chế tạo khoảng 90% tại Australia, tạo ra hàng ngàn việc làm ở địa phương.
Tuy nhiên vào đầu năm 2020, Naval Group giảm tỉ lệ chế tạo tại Australia xuống còn 60% và đến năm nay thì tuyên bố việc chế tạo tại Australia là không thể vì ngành công nghiệp địa phương chưa phát triển kịp.
Điều này trái ngược với những gì đã được Mỹ và Anh cam kết trong AUKUS. Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố it nhất 8 tàu ngầm hạt nhân sẽ được chế tạo tại thành phố Adelaide thuộc bang Nam Australia./.