Tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 hiện nay tại Indonesia được đánh giá là tàn khốc với những câu chuyện người dân phải chạy khắp nơi để tìm giường bệnh, oxy, thuốc men cho người thân mắc Covid-19.
Ngày 23/7, Indonesia đã vượt mốc 80.000 ca tử vong do Covid-19 sau khi ghi nhận 1.566 ca tử vong trong ngày. Tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này cũng vượt mốc 3 triệu ca
Mặt khác, mới chỉ hơn 1 tuần sau khi Indonesia trở thành tâm dịch mới tại châu Á, Tổng thống Joko Widodo bày tỏ các biện pháp hạn chế có thể được nới lỏng từ đầu tuần tới nếu số ca mắc mới bắt đầu giảm.
Chuyên gia y tế cảnh báo “vẫn còn quá sớm”
Các chuyên gia y tế cho rằng, việc nới lỏng hạn chế ở thời điểm này sẽ là một bước đi nguy hiểm.
Dù số ca mắc Covid-19 đã giảm, từ mức 56.000 ca giữa tháng 7 xuống 49.000 ca ngày 23/7, các nhà dịch tễ học cho rằng tỷ lệ xét nghiệm trong cùng khoảng thời gian này cũng giảm, và rất khó xác định số ca mắc mới đã thực sự giảm hay chưa.
Cho dù đồ thị số ca mắc mới bắt đầu “đi ngang”, việc nới lỏng các hạn chế là bước đi không phù hợp trong bối cảnh tỷ lệ nhập viện và tử vong do Covid-19 vẫn còn cao.
Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Indonesia hiện nay cao gấp 3 lần trung bình toàn cầu, theo dữ liệu của Our World. Trong khi đó, theo LaporCovid-19, từ tháng 6 tới nay, có gần 2.500 người đã tử vong trong quá trình cách ly hoặc chờ đợi bên ngoài các bệnh viện.
Các biện pháp hạn chế được thực hiện từ 3/7 như làm việc tại nhà, đóng cửa các trung tâm mua sẵm hiện chỉ áp dụng ở Java và Bali cũng như các khu vực nằm trong danh sách “vùng đỏ” trên cả nước.
Bộ trưởng phụ trách ứng phó với dịch Covid-19 ở Indonesia, ông Luhut Pandjaitan cho biết, các biện pháp này có thể được nới lỏng từ ngày 26/7 tới nếu số ca mắc mới tiếp tục giảm và các chỉ số khác được cải thiện. Ông cũng nói rằng, “điều kiện xã hội học của người dân” cũng là yếu tố được cân nhắc.
Theo nguồn tin chính phủ cũng như các nhà phân tích, những lo ngại về đời sống của người nghèo cũng như một loạt cuộc biểu tình nhỏ xảy ra trong tuần qua đã dấy lên lo ngại về nguy cơ bất ổn xã hội.
Những rủi ro tiềm tàng khi nới lỏng hạn chế
Dù Indonesia đã rất tích cực để khởi động chương trình tiêm chủng từ sớm, nhưng những khó khăn trong khâu hậu cần, nguồn cung hạn chế và việc người dân ngần ngại tiêm vaccine khiến nước này chưa đạt được mục tiêu. Cho tới nay, mới chỉ khoảng 6% dân số Indonesia được tiêm chủng đầy đủ.
Cam kết xét nghiệm 400.000 mẫu/ngày và tăng cường theo dõi tiếp xúc cũng không đạt được mục tiêu đề ra.
Chính phủ Indonesia đang phải đối mặt với sự cân bằng khó khăn trong việc đưa ra chiến lược vừa vảo vệ sức khỏe của 270 triệu dân vừa phải đảm bảo nền kinh tế.
Tuy nhiên, khi số ca mắc tăng cao, các nghĩa trang kín chỗ, chính phủ cũng phải đối mặt với chỉ trích rằng họ ưu tiên kinh tế hơn sức khỏe của người dân.
Trong khi đó, nếu không mở cửa trở lại, nền kinh tế sẽ gặp nhiều rủi ro.
Các nhóm sử dụng lao động đã cảnh báo về việc sa thải hàng loạt nếu các hạn chế không được được nới lỏng vào tuần tới. Các tổ chức xếp hạng tín dụng cho rằng các biện pháp hạn chế có thể làm suy yếu xếp hạng và đem lại nhiều thách thức cho mục tiêu của chính phủ trong việc giảm thâm hụt tài chính.
Các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo, việc dỡ bỏ hạn chế quá sớm có thể khiến biến thể Delta lan rộng đến các vùng xa xôi, và điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những vùng có hệ thống y tế yếu kém, không được trang bị đầy đủ để đối phó với một cuộc khủng hoảng sức khỏe./.