Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều 8/9, ông Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (đại biểu tỉnh Bình Định) đã góp ý vào "điều khoản quan trọng nhất và cũng đang vướng nhất" trong dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) về hợp tác công tư trong y tế.

nguyen-lan-hieu-1662650004423-1662693531.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Phạm Thắng).

"Chỗ này tôi ngược lại với Ủy ban Xã hội (cơ quan thẩm tra dự án luật), tôi đề xuất bỏ từ "xã hội hóa y tế" đi, vì thật ra trong lịch sử của ngành y ở Việt Nam hay trên thế giới không thấy định nghĩa thế nào là xã hội hóa y tế, không biết ai nghĩ ra từ này mà chúng ta cứ dùng. Chúng ta không thể xã hội hóa bằng cách là tư nhân bỏ tiền ra chung với bệnh viện mua một máy đặt ở trong bệnh viện để sử dụng, rồi chia nhau lợi nhuận ở trong bệnh viện công. Xã hội hóa y tế không phải là như thế"- đại biểu Nguyễn Lân Hiếu thẳng thắn.

Theo ông, chúng ta nên quy định có 3 hình thức hợp tác công - tư trong y tế.

Thứ nhất, đó là hình thức cho vay; có ưu đãi cho các bệnh viện vay để mua sắm đầu tư, nhưng cụ thể hóa điều này, khuyến khích điều này để các bệnh viện có tư cách pháp nhân vay tiền của các tổ chức tín dụng cũng như của những tổ chức quốc tế. "Chúng ta đầu tư bằng nguồn tiền vay đấy và bệnh viện có trách nhiệm bảo vệ vốn vay như một doanh nghiệp để bảo đảm trách nhiệm của mình khi vay tiền đầu tư cho y tế"- ông nói.

Hình thức thứ hai ông Hiếu đề xuất là hình thức thuê. Hình thức thuê đã có nhưng hiện nay chưa rõ ràng và cần quy định đây là một hình thức để các bệnh viện, cơ sở y tế có thể thực hiện.

"Chúng ta có thuê 2 chiều: Thứ nhất là bệnh viện công thuê các phương tiện, trang thiết bị của bệnh viện tư nhân như là các máy móc, những máy đắt tiền, những phương tiện không có đủ điều kiện mua thì thuê và bệnh viện phải chịu trách nhiệm việc thuê để hoạt động hiệu quả. Chiều thứ hai của thuê đấy chính là tư nhân thuê bệnh viện công, chiều này rất khó. Tuy nhiên, tôi nghĩ trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), chúng ta đặt ra một hướng để dần dần các luật khác sẽ hỗ trợ cho định hướng đấy trở thành hiện thực"- ông Hiếu phân tích.

Ông dẫn ví dụ các thương hiệu lớn trên thế giới như Tập đoàn Accor có các thương hiệu Metropole, Novotel hay Mercure không trực tiếp xây dựng khách sạn, nhưng lấy thương hiệu đó để vận hành cho khách sạn và đang rất hiệu quả.

"Y tế công có thương hiệu, có hiểu biết, có nguồn chất xám rất lớn nhưng lại không đủ khả năng để bỏ tiền ra xây dựng những bệnh viện và kém nhất chính là vận hành bệnh viện về mặt quản trị. Chúng ta lấy cái mạnh của y tế công đó là thương hiệu, là niềm tin của người dân cộng với chất xám của các bác sĩ, điều dưỡng, nhà khoa học vận hành bệnh viện đấy, tư nhân người ta thuê lại thương hiệu. Tất nhiên, chúng ta rất khó vì định giá thương hiệu các bệnh viện cũng như các tài sản công hiện nay đang rất khó khăn nhưng chúng ta cần có hướng đi này"- Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nêu quan điểm.

Thứ ba là hợp tác công - tư phi lợi nhuận. Đây là hướng mà trên thế giới người ta triển khai từ rất lâu và rất thành công. Chúng ta đã có những bệnh viện tư nhân phi lợi nhuận, tuy nhiên chưa có một bệnh viện nào hợp tác công - tư phi lợi nhuận. Nghĩa là các nhà hảo tâm, các quỹ xây dựng bệnh viện và cho các bệnh viện công vận hành bệnh viện đó. Lợi nhuận nếu có không chia cho nhau mà tiếp tục giữ lại đầu tư phát triển bệnh viện rộng hơn, nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên bệnh viện cũng như cho các trường hợp bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

"Đây là mô hình theo tôi nghĩ chúng ta nên khuyến khích. Tôi chắc chắn sẽ rất nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện với thương hiệu nhà nước để phục vụ người bệnh, để lại một tiếng thơm cho chính tổ chức, cá nhân đấy.

Nhìn sang các nước bên cạnh như Hàn Quốc, tất cả các bệnh viện lớn nhất Hàn Quốc đều là tư nhân xây dựng và vận hành phi lợi nhuận, hiện nay thành thương hiệu quốc gia của người ta. Cũng như các bệnh viện ở châu Âu, ở Mỹ có những bệnh viện mỗi năm các tập đoàn chuyển tiền cho để vận hành, lấy thương hiệu của bệnh viện đó để người dân đến chữa bệnh"- đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu lý lẽ.

Cuối cùng, ông Hiếu bày tỏ sự băn khoăn khi đây là một luật cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân nhưng lại tính lùi thêm một kỳ họp Quốc hội nữa.

"Tâm lý của các đại biểu là nếu còn kỳ họp sau để lùi thì chúng ta lại bàn đi bàn lại để kỳ sau ta bàn tiếp và sẽ không thay đổi gì nhiều so với kỳ trước. Chúng ta đã có một kỳ rồi, đã có sự tâm huyết của rất nhiều đại biểu nên tôi xin phép đề nghị chúng ta tiếp tục cố gắng bàn đến phút cuối cùng, đến tận trong kỳ họp. Nếu chúng ta thông qua được thì rất mừng. Ngành y chúng tôi rất mong muốn chúng ta thông qua được luật này để gỡ rối rất nhiều vấn đề vướng mắc trong y tế hiện nay"- ông Hiếu tâm tư.

Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định rất mong muốn các đại biểu Quốc hội hãy dồn tâm sức vào để Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có thể được thông qua ở kỳ họp tới đây.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng bày tỏ quan tâm về vấn đề xã hội hóa. "Chỗ này thì đại biểu Nguyễn Lân Hiếu và các đại biểu phát biểu nhiều. Vấn đề cụ thể xã hội hóa là gì thì chúng ta lại không làm rõ được, nó là thuê máy, thuê nhân sự, hợp tác trong việc xây dựng giữa công và tư, xây dựng các cơ sở khám, chữa bệnh. Tôi đề nghị phải làm cụ thể thêm điều này"- vị đại biểu nói.