VKSND Tối cao truy tố 54 bị can về 5 tội: Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối hộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan trong vụ “chuyến bay giải cứu”.

Liên quan trong Đại án “chuyến bay giải cứu”, Bộ Ngoại giao đã phân công đơn vị, cá nhân thực hiện việc tham mưu cấp phép các chuyến bay theo quy trình: Tại nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tập hợp công dân Việt Nam có nhu câu đăng ký về nước, báo cáo về Phòng Bảo hộ công dân ở trong nước để lập kế hoạch tổ chức đón về; hỗ trợ công dân ở nước ngoài về thông tin, thủ tục mua vé máy bay về nước, làm thủ tục xuất cảnh tại nước sở tại…

y-1682747016.jpg
Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng.

Quá trình được giao thực hiện nhiệm vụ trên, một số cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi phạm tội.

Trong số này, ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao. Cục Lãnh sự là đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong thời gian dịch Covid - 19, ký văn bản xin ý kiến 4 Bộ (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải) và ký đề xuất gửi Lãnh đạo Chính phũ phê duyệt kế hoạch đưa công dân về nước.

Biết được vai trò của Tô Anh Dũng, từ tháng 5/2020 đến tháng 01/2022, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tiếp cận, đặt vấn đề nhờ Tô Anh Dũng giải quyết cấp phép chuyến bay và được Tô Anh Dũng đồng ý. Trong quá trình thực hiện, Tô Anh Dũng 37 lần nhận tiền của 13 doanh nghiệp, với tổng số tiền 21,5 tỷ đồng.

Quá trình điều tra vụ án, Tô Anh Dũng và gia đình đã tự nguyện nộp 2 tỷ đồng cho Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả vụ án.

Tiếp đến, từ năm 2016 đến tháng 7/2021, Nguyễn Thị Hương Lan là Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, đến tháng 7/2021 được bổ nhiệm làm Cục trưởng được giao quản lý, phụ trách chung toàn bộ công việc của Cục Lãnh sự, xét duyệt danh sách các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay; trực tiếp báo cáo Tô Anh Dũng, Thứ trưởng duyệt, ký công văn gửi Tổ 4 Bộ/5 Bộ về việc đề xuất cho các doanh nghiệp tham gia tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước.

Theo cáo buộc, từ tháng 5/2020 đến tháng 01/2022, 08 cá nhân đại diện các doanh nghiệp đã đặt vấn đề nhờ và được Lan đồng ý tạo điều kiện giúp đỡ trong việc cấp phép chuyến bay, trong quá trình giải quyết cấp phép các chuyến bay, Nguyễn Thị Hương Lan đã nhiều lần nhận tiền của đại diện các doanh nghiệp.

Cụ thể, từ tháng 12/2020 đến tháng 01/2022, Nguyễn Thị Hương Lan đã nhận hối lộ 32 lần của 08 cá nhân đại diện doanh nghiệp, tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng.

Ngày 17/4/2023 gia đình Nguyễn Thị Hương Lan nộp 900 triệu đồng cho Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.

Theo Tư Viễn - doisongphapluat.nguoiduatin.vn