Mức án đề nghị 4-5 năm tù được đại diện VKSND Hà Nội đề nghị trong bản luận tội, công bố sáng 18/4, sau một ngày xét hỏi các bị cáo. Cùng bị xét xử về tội Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, 11 đồng phạm khác bị VKS đề nghị từ 24 tháng tù treo đến 4 năm tù.

Bản luận tội nêu, ông Tuấn, 56 tuổi, khi đương chức Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, do có quan hệ từ trước với hai doanh nghiệp kinh doanh vật tư y tế, Công ty Hoàng Nga và Kim Hoà Phát, đã tạo điều kiện để ký gửi vật tư cho bệnh viện sử dụng trước. Ông sau đó chỉ đạo cấp dưới dùng các hình thức gian lận đấu thầu để hợp thức hóa, thanh toán theo hình thức trúng thầu. Giá của các vật tư được hai doanh nghiệp ấn định, chênh nhiều lần so giá thị trường.

fd-1681801961.jpg
Ông Nguyễn Quang Tuấn tại toà ngày 18/4. Ảnh: Danh Lam

Ông Tuấn bị cơ quan công tố xác định "chủ mưu, giữ vai trò chính, quyết định, chỉ đạo". Ông hiểu biết pháp luật song vẫn có sai phạm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Ông được đánh giá trong quá trình điều tra và tại phiên toà đã thành khẩn, "đặc biệt ăn năn", trả lại 10.000 USD nhận của Công ty Hoàng Nga và 6 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

VKS ghi nhận ông Tuấn "có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, là Thầy thuốc Nhân dân", có đóng góp cho sự phát triển đất nước nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

VKS đánh giá Công ty AIC chỉ là đơn vị lập chứng thư thẩm định giá, nhận tiền công theo hợp đồng, không gây thiệt hại trực tiếp cho bệnh viện và không hưởng lợi từ việc đấu thầu nên không buộc ba bị cáo là nhân viên AIC bồi thường thiệt hại.

Bị cáo Phan Tuấn Đạt, Chủ tịch công ty Kim Hoà Phát, đã nộp toàn bộ số tiền hưởng lợi, 6,6 tỷ đồng. Công ty Hoàng Nga được hưởng lợi nhiều nhất, 47 tỷ đồng, do đó ba bị cáo thuộc công ty này có trách nhiệm bồi thường cao hơn những người khác.

Mức án VKS đề nghị với 12 bị cáo

22-1681801997.jpg
Kiểm sát viên Nguyễn Thị Thuý Hằng công bố bản luận tội, sáng 18/4. Ảnh: Danh Lam

Trong phiên xét hỏi chiều qua tại TAND Hà Nội, ông Tuấn phân trần lý do đấu thầu sai do không còn cách nào khác. Bệnh viện Tim Hà Nội khi đó rất thiếu thốn vật tư, bệnh nhân đông, nếu đấu thầu theo phương thức truyền thống đến cuối năm vẫn chưa xong, bệnh viện "có nguy cơ phải đóng cửa".

Ông Tuấn thừa nhận can thiệp đấu thầu trái phép; hiểu dù trong "hoàn cảnh cấp bách" việc mượn vật tư của doanh nghiệp để dùng trước "vẫn là sai". Ông vì thế xin chịu trách nhiệm.

Ông Tuấn và các bị cáo là cựu cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội đều khẳng định không tư lợi song nộp tiền khắc phục vì thấy "có trách nhiệm với thiệt hại". Trước phiên toà, các bị cáo đã nộp 21 tỷ đồng khắc phục hậu quả, riêng ông Tuấn hơn 6,2 tỷ đồng.

"Tôi liên quan vụ án trong 15 tháng với vai trò Phó phòng vật tư, nhận thấy sai phạm ảnh hưởng đến bệnh viện nên nộp lại toàn bộ lương được hưởng trong thời gian đó, mỗi tháng 20 triệu đồng", bị cáo Đoàn Trọng Bình, 63 tuổi khai.

Cáo trạng xác định, để hợp thức hồ sơ mua vật tư y tế, ông Tuấn cùng cấp dưới can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, từ khâu lập hồ sơ thầu, đơn giá, chủng loại đến việc ban hành chứng thư thẩm định giá. Giá các vật tư cung cấp cho bệnh viện bị tăng 2-20 triệu đồng, trong đó cao nhất là stent do Hoàng Nga cung cấp, bị đội từ 17 lên 37 triệu đồng mỗi chiếc. Tổng thiệt hại hơn 53,6 tỷ đồng, là số tiền chênh lệch hai công ty được hưởng.

Công ty Hoàng Nga hàng năm hỗ trợ bệnh viện 300 triệu đồng, Công ty Hòa Phát 60 triệu đồng. Vào các dịp Tết âm lịch năm 2016, 2017, ông Tuấn được công ty Hoàng Nga biếu tổng 10.000 USD để cảm ơn đã tạo điều kiện trúng thầu.

Theo Thanh Lam - vnexpress.net