Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp mở đầu cuộc đối thoại với Báo Nông nghiệp Việt Nam xung quanh câu chuyện đức tài của người cán bộ, công chức trong một Đảng cầm quyền.

Ông Hợp có 43 năm công tác, kinh qua 18 vị trí lãnh đạo, từng giữ cương vị Phó Bí thư Thành ủy Vinh khi mới 38 tuổi rồi đảm đương các vị trí chủ chốt của tỉnh Nghệ An (Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy) và trước khi nghỉ hưu, ông đã có một nhiệm kỳ làm Bộ trưởng. Gặp ông lần này, tôi nghe ông luận bàn về vấn đề xây dựng Đảng với mong muốn Đảng ta thực sự, vững mạnh; cán bộ, công chức không bị tha hóa, biến chất; dân chúng tin yêu Đảng, ra sức làm giàu chính đáng.

Văn hóa lãnh đạo là không làm phiền cấp dưới

Thưa ông, Đảng cần có những người cán bộ, công chức tốt để đảm đương sứ mệnh của dân tộc. Chứ cán bộ bất tài, lại thiếu đức thì vừa làm tổn hại đến thanh danh của Đảng, xói mòn lòng tin của nhân dân và nguy cơ phá hoại thành trì cha ông đã dày công xây dựng. Vì thế, theo ông, cán bộ, công chức thời nay cần những tiêu chuẩn nào để gánh vác việc dân, việc nước?

Trong điều kiện hiện nay theo tôi, tiêu chuẩn cán bộ, bao gồm đạo đức, tài năng và bản lĩnh. Nhìn lại lịch sử, thời nào thịnh vượng nhất vì thời đó tôn vinh đạo đức và chọn cán bộ có đức có tài tốt nhất.

Thời Vua Lê Thánh Tông có 5 tiêu chuẩn để chọn Lý trưởng (cấp gần dân nhất) bao hàm cảđức và tài, là: “Học lực sinh đồ. Gia tư hảo túc. Vật lực khả kham. Đức hạnh ôn hòa. Ngôn ngữ khả tín”. Nhờ đó đất nước có giai đoạn phát triển hưng thịnh (1460-1497).

Vua Minh Mạng và nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ có 5 chính sách bảo liêm là làm quan không được làm nơi bản xứ; đi đâu vợ con cùng đi, ở nhà công sở; ba năm luân chuyển một lần; lương đủ sống, khó khăn trợ cấp tức thời; mãn quan về quê; có nhà và đất vườn do triều đình làm sẵn. Suốt cuộc đời quan chức lo cống hiến, kết thúc có nhà ở. Vì thế muốn quan thanh liêm thì phải có chính sách phù hợp.

1-1696311358.jpg
 

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu khái quát: “Có đức mà không có tài thì dễ trì trệ. Có tài mà không có đức thì dễ hỗn loạn. Thực tiễn ở đời hỗn loạn còn khổ hơn trì trệ”. Bác Hồ kính yêu thì nói dứt khoát: “Người có đức mà không có tài thì làm gì cũng khó. Người có tài mà không có đức thì vô dụng”.

Có người đặt câu hỏi trọng đức hay trọng tài, tôi cho rằng phải trọng cả hai. Đức là điều kiện cần, tài là điều kiện đủ. Đức là mảnh đất màu mỡ, tài là hạt giống tốt. Hạt giống tốt gặp mảnh đất màu mở mới phát triển tốt.

Thưa ông, hệ thống giáo dục hiện hành đặt nội dung giáo dục đạo đức từ những bậc học đầu tiên, môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân, đến các cấp học cao hơn đều có Triết học, Khoa học chính trị... Học để có kiến thức, học để làm người có ích cho xã hội. Nhưng cứ nhìn vào xã hội chúng ta đang sống, hiện tượng tha hóa đạo đức không hiếm, thậm chí là vô văn hóa.

Người tu hành chưa bỏ hết được tham sân si; người kinh doanh thì vì lợi nhuận sẵn sàng huỷ hoại môi trường; người làm giáo dục thì chạy điểm, sửa điểm; người cán bộ, cả cán bộ cấp cao thì chạy theo danh vọng, tiền tài... Đó là một nền tảng xã hội không vững. Căn nguyên của vấn đề này là gì thưa ông?

Đó chính là đạo đức và văn hóa. Chưa bao giờ đạo đức xuống cấp như hiện nay. Tôi thật sự dao động trước những sự việc cha ngủ với con, thầy cô ngủ với trò. Anh em chém nhau vì 5 - 10 mét đất. Ứng xử của con người xuống cấp nghiêm trọng.

Theo tôi, đạo đức xã hội phụ thuộc vào đạo đức và kỷ cương của Đảng cầm quyền. Vì thế rất nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết là phải giải quyết từ trong Đảng ra ngoài đời. Nếu đạo đức của Đảng cầm quyền sa sút, kỷ cương phép nước không nghiêm mà đòi hỏi đạo đức xã hội lên cấp là điều không dễ. Vì thế đạo đức xã hội không thể đặt ngoài đạo đức và kỷ cương của Đảng cầm quyền.

2-1696311392.jpg
 

Giải pháp căn cơ là phải tập trung sửa thể chế. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng đã nói, Nghị quyết đã chỉ ra, vấn đề bây giờ là làm. Tôi lấy ví dụ, đấu thầu xây dựng mà chọn nhà thầu đấu giá thấp nhất thì làm sao có thể làm được để đảm bảo chất lượng và tiến độ. Cái chính là chủ công trình phải xác định giá thành, ai đấu giá sát nhất thì chọn, vì đó là người làm xây dựng cơ bản giỏi nhất.

Đảng mạnh dạn lãnh đạo tranh cử và thi cử thì lập tức chặn đứng nạn chạy chức chạy quyền. Một miếng đất ẩm thì đẻ ra nấm. Nhổ cây nấm này thì nấm khác lại đùn lên ngay. Còn sấy ở nhiệt độ khác thì sẽ hết nấm mọc. Cũng như thời bao cấp, khi nhà nước bỏ tem phiếu thì lập tức xóa được hàng loạt tiêu cực như: Sản xuất tem phiếu giả, buôn tem phiếu, cấp tem phiếu sai đối tượng, trộm cắp tem phiếu…

Khi tôi sang thăm và làm việc tại Nhật Bản, hội đàm với ngài Bộ trưởng đồng nhiệm, tôi mạnh dạn hỏi ngài Bộ trưởng Nhật rằng, ông có thể khái quát bằng mấy chữ nói lên đặc trưng văn hóa cao nhất của người Nhật Bản, để tôi về dễ triển khai ở Việt Nam.

Ngài Bộ trưởng Nhật Bản trả lời: Có thể khái quát đến mức ngắn nhất văn hóa của người Nhật là “không làm phiền người khác. Nếu làm phiền thì phải biết ghi ơn, nhớ ơn và trả ơn”.

Nghe xong, tôi nhận ra ngay, đây chính là văn hóa Hồ Chí Minh. Bác Hồ không bao giờ làm phiền cấp dưới. Đến ngày sinh nhật Bác thường đi công tác để không làm phiền cấp dưới.

3-1696311414.jpg
 

Đạo đức của Bác Hồ là không làm phiền cấp dưới. Vì thế phải học Bác. Sinh nhật mà bày biện, hay gợi ý cấp dưới mua hoa, mua quà, vàng bạc... Ông có bình luận thêm gì về điều này?

Tôi được biết nhiều người làm sai còn bắt cấp dưới làm theo. Như thế thì không những làm phiền mà còn làm hại cả cấp dưới.

Vì thế, theo tôi, đạo đức của cán bộ tại thời điểm này phải hội đủ 3 tiêu chuẩn. Trước hết cán bộ phải gương mẫu. Nghị quyết của Đảng có rồi, không gương mẫu thì không còn vai trò lãnh đạo. Không gương mẫu thì trên thực tế, quyền lãnh đạo của mình đã mất về mặt tinh thần. Có chăng vì miếng cơm manh áo mà người ta phải im lặng, chứ thực tâm họ không còn nể trọng và tôn vinh thứ lãnh đạo ấy nữa.

Tiêu chuẩn thứ hai bao trùm của đạo đức cán bộ là thực sự dân chủ. Chúng ta biết rằng, sau ngày độc lập, cả nước có trên 90% dân số mù chữ nhưng Bác Hồ rất kính trọng dân. Bây giờ 100% dân số biết chữ và nhiều người học rộng, tài cao, thông tin đầy ắp thì không thể mất dân chủ.

Tôn trọng quần chúng, tôn trọng cấp dưới, chịu khó nghe cấp dưới để đưa ra các quyết sách hợp lòng người. Dân chủ là cách tốt nhất để tập hợp trí tuệ, thông thoáng tư tưởng và đoàn kết nội bộ; là con đường tốt nhất để không phạm sai lầm.

Tiêu chuẩn thứ ba của đạo đức là phải có tố chất văn hóa. Có thể coi văn hóa là tinh hoa của đạo đức. Người có đạo đức sẽ tỏa ra ngoài bằng văn hóa. Người có văn hóa vì họ có cốt cách bên trong là đạo đức.

4-1696311445.jpg
 

Im lặng và thủ tiêu đấu tranh là môi trường dung dưỡng cho cái xấu nảy sinh

Tôi nhớ, có lần ông nói rằng, một cán bộ có đạo đức là tận tụy để cấp dưới thương, gương mẫu để cấp dưới trọng, dân chủ cho cấp dưới tin cậy dễ gần để cung cấp thông tin, sáng tạo để cấp dưới có đủ việc làm và có thêm thu nhập chính đáng, kỉ cương để người tốt luôn có chỗ dựa và người xấu không dám thách đố, lộng quyền. Thế còn, người có tài, theo ông cần hội tụ những tiêu chuẩn nào?

Đấy là người có tầm nhìn, biết tập hợp nhân tài, có sản phẩm cụ thể.

Người tài là người có tầm nhìn xa trông rộng. Chỗ đang đứng rất quan trọng, nhưng không quan trọng bằng hướng đang đi. Đã là cán bộ chủ trì thì phải hội đủ 3 chữ chủ: Chủ thuyết rõ; chủ kiến nhanh; chủ động cao.

Năm 1945 Bác Hồ chỉ đạo, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập. Cuối năm 1967, làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân, Bác căn dặn, sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.

s-1696311506.jpg
 

Thực tế đã diễn ra như vậy. Đó chính  là tầm nhìn của Bác.

Cái tài thứ hai là tài biết phát hiện, đào tạo, sử dụng và bảo vệ người tài. Bởi cái tài của người lãnh đạo là biết tập hợp mọi cái tài của người khác. Theo tôi, Việt Nam không bao giờ thiếu người tài, có chăng là thiếu cách chọn đào tạo và tập hợp người tài.

Tiêu chuẩn thứ 3 của người có tài là phải có sản phẩmđo đếm được bằng thành quả do vai trò lãnh đạo của mình tạo ra trên 3 lĩnh vực chủ yếu: thành quả kinh tế (thu ngân sách, giá trị sản xuất tăng thêm), thành quả chính trị (đội ngũ cán bộ kế cận và tín nhiệm của dân) và các công trình phúc lợi có chất lượng để lại cho đời sau.

Thực tế tôi thấy có cán bộ đi qua nhiều chức danh nhưng chưa rõ thành quả và sản phẩm tạo ra.

Nói tóm lại sự nghiệp của một cán bộ lãnh đạo là làm 4 chữ: Nhiều tiền, yên dân. Muốn nhiều tiền phải lo phát triển kinh tế, mà nền tảng là kinh tế doanh nghiệp và kinh tế hộ gia đình. Muốn yên dân phải chăm lo các chính sách xã hội, từ thiện, nhân đạo, môi trường và tiến bộ xã hội.

Trong tình hình hiện nay, cán bộ có đức, có tài, cần phải có bản lĩnh. Vì hiện nay có lúc, có việc, có nơi người tốt chưa đủ tỷ lệ áp đảo người xấu. Vì thế cần người lãnh đạo có bản lĩnh để thiết lập lại trật tự kỉ cương. Vậy theo ông, một cán bộ có bản lĩnh cần hội đủ những tiêu chí nào?

Đó là dám nghĩ, dám làm, dám nói.

Dám nghĩ những điều chưa có trong sách, chưa có trong đời để làm vì sự nghiệp củng cố niềm tin của nhân dân và chấn hưng đất nước phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0. Khi đã nghĩ đúng thì dấn thân để làm, quyết tâm đưa cái đúng vào cuộc sống, lấy kết quả cuối cùng để chứng minh và bảo vệ mình. Phải tích cực đổi mới, gắn với cải tạo môi trường để ra đời cái đúng nhiều hơn.

Người đứng đầu có bản lĩnh để thiết lập kỷ cương trong những tình huống ngặt nghèo, cấp thiết nhất. Bây giờ có những việc có những lúc người tích cực chưa đủ áp đảo được người tiêu cực vì thế người đứng đầu có bản lĩnh sẽ tạo ra sự áp đặt đúng đắn nhanh hơn.

v-1696311549.jpg
 

Dám nghĩ, dám làm còn phải dám nói. Im lặng và thủ tiêu đấu tranh là môi trường dung dưỡng cho cái xấu nảy sinh và phát triển. Thực tiễn cuộc sống đã chỉ ra rằng: nhiều việc tiêu cực vừa qua, dân phát hiện khá sớm, nhưng các cơ quan chức năng lại nhận ra quá muộn nên khi buộc phải xử lý thì tổn thất lớn hơn, cái giá kinh tế chính trị phải trả nặng hơn.

Chẳng hạn như vụ việc “Vũ” nhôm ở Đà Nẵng dân nói 6 -7 năm nay rồi. Câu chuyện dầu khí, trên diễn đàn Quốc hội đã nói cách đây gần 10 năm. Ngay như vụ AVG, vừa mua bán xong, dư luận đã nổi lên rồi. Nếu nắm được lòng dân và dư luận để xử lý kịp thời thì tổn thất sẽ thấp hơn. Cán bộ sai phạm ít hơn. Uy tín của Đảng tốt hơn.

Vì thế, rất cần bản lĩnh của người cán bộ. Chỉ có bản lĩnh thì mới vượt qua được mọi cám dỗ vật chất và các sức ép không trong sáng.

vv-1696311568.jpg
 

Qua các vụ việc tiêu cực lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo quyết liệt xử lý nghiêm túc cho chúng ta một bài học. Khi cấp trên không chuẩn thì cấp dưới tìm chỗ an toàn là rất khó. Không làm theo cấp trên thì không mất chức cũng chẳng yên thân mà làm theo cấp trên thì hậu quả khó lường.

Thực ra cấp trên là giúp cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ, đào tạo, bồi dưỡng để cấp dưới tiến bộ, trưởng thành, chứ không phải đẩy cấp dưới vào con đường lao lý. Do đó, khi xử lý cấp trên sai phạm thì phải có tình tiết giảm nhẹ cho cấp dưới.

Vâng đúng và nên như thế! Tôi nhận ra rằng: cán bộ quyết đoán là đoán được mới dám quyết. Khi dân chủ thì phải mềm để thu phục nhân tâm, nhân tài nhưng khi làm thì phải cứng để đưa cái đúng vào cuộc sống nhanh hơn. Ta còn nhiều cái đúng vẫn đưa vào cuộc sống chậm. Chẳng hạn con đường sắt, đường bộ cao tốc Bắc Nam gần nửa thế kỷrồi vẫn còn tranh cãi. Nhắc đến đây, tôi nhớ đến Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông quyết định làm đường điện 500KV Bắc Nam.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong Đảng nghiêm túc với nhau là đạo đức. Nghiêm túc là giúp cho đồng chí và chính mình trưởng thành. Ngược lại, né tránh, hữu khuynh chính là tội ác. Vì thế, trở lại vấn đề, bao nhiêu vụ việc vừa đưa ra ánh sáng, nếu trước đó dám nói thì sẽ cứu nguy được cho bao nhiêu người.

 Khi lợi ích nhóm chi phối thì không còn văn hóa, kỷ cương, khoa học và đạo đức

Nhân bàn đến tài, đức và bản lĩnh của cán bộ, có ý kiến cho rằng, điều căn cốt trong việc thu phục người tài, hình thành nếp văn hóa cơ quan đơn vị thì người đứng đầu là quan trọng. Thậm chí có người đưa ra nhận định, văn hóa của một doanh nghiệp, của một công sở nó chiếm 70% văn hóa của người đứng đầu. Ý kiến của ông thì sao về vấn đề này?

Văn hóa của người đứng đầu chính là văn hóa của Đảng cầm quyền. Người ta hiểu Đảng qua đội ngũ lãnh đạo và công chức của Đảng.

Cấp dưới bao giờ cũng uốn mình theo cấp trên. Cho nên cấp trên chuẩn họ sẽ uốn chuẩn, cấp trên không chuẩn thì sẽ không biết họ uốn kiểu gì. Vì thế, Đảng chọn sai cấp trên để cho cơ quan, đơn vị đổ vỡ là Đảng phải chịu một phần trách nhiệm.

Theo tôi trong công tác quy hoạch cán bộ, Trung ương nên tập trung vào các chức danh chủ chốt như Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Bộ trưởng và tương đương trở lên. Lo tốt các chức danh đó là có trọng tâm, trọng điểm, dễ nhớ, dễ làm và chắc chắn mọi việc sẽ tiến bộ rất nhanh.

Tôi cho rằng, cần sớm có cơ chế thực hiện tranh cử trong Đảng thì người tài mới dễ xuất hiện và có đủ thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân lựa chọn để bầu.

d-1696311644.jpg
 
x-1696311672.jpg
 

Khi chưa làm được tranh cử thì phải thực hiện việc xử lý nghiêm khắc đối với tổ chức cá nhân trong việc đề cử, giới thiệu người không tốt. Có làm được như thế thì mới tìm được người có đủ tài đức phụng sự đất nước và nhân dân; mới nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tham mưu về công tác cán bộ.

Cần tính đến nhân sự toàn cầu để mình vươn tầm quốc tế. Nếu một số chức danh chưa có người đủ đức tài để đảm đương ngay thì Đảng và Nhà nước nên thuê người nước ngoài kể cả tạo cơ hội cho Việt kiều có tài năng trở về phụng sự quê hương đất nước. Đồng thời chọn cử cán bộ trong quy hoạch còn trẻ tiếp cận học hỏi, sẽ được cả hiện tại và tương lai, cả trước mắt và lâu dài.

Đạo đức và liêm sỉ là những yếu tố một người có trách nhiệm công vụ cần phải có. Là người đi qua thực tế địa phương, kinh qua quản lý nhà nước cấp Bộ, ngành ông hẳn có nhìn nhận sâu sắc về khả năng giữ sự liêm chính của cán bộ?

Lợi ích nhóm là vấn đề của con người. Khi lợi ích nhóm chi phối thì không còn văn hóa, kỷ cương, khoa học và đạo đức.

Làm quan cùng lắm là hưởng lộc nhờ sự tín nhiệm của dân mà có. Chống tham nhũng phải bắt nguồn từ cơ chế chính sách. Tôi được biết, đất nước Singapore có cơ chế 3 không: Không cần tham nhũng vì lương đủ sống; không dám tham nhũng vì sai phạm bị xử rất nghiêm; không thể tham nhũng vì cơ chế chặt chẽ.

Sự liêm chính của cán bộ phải bằng cơ chế chính sách đúng, lợi ích minh bạch, pháp luật nghiêm minh để đạo đức mỗi con người được tôn vinh và hoàn thiện, coi việc phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc là bổng lộc to lớn của người làm quan rồi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!