Trở về quê hương với 2 bàn tay trắng, sức khỏe suy kiệt sau 5 năm ròng rã bị giam cầm, trong những giấc ngủ, anh Hạ vẫn giật mình hoảng hốt, ám ảnh tiếng súng của bọn cướp biển Somalia.
 
Gia cảnh éo le
 
Chúng tôi có dịp trở lại căn nhà của anh Nguyễn Văn Hạ (SN 1981), trú thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh – 1 trong 2 thuyền viên quê Hà Tĩnh bị bọn cướp biển Somalia bắt cóc, giam cầm 4 năm về trước. Sau mấy năm, ngôi nhà vẫn thế - tuềnh toàng, không có vật dụng gì đáng giá.
 
Bà Nguyễn Thị Thủy (63 tuổi) - mẹ anh Hạ - cho hay, gần nửa năm nay, anh Hạ xin ra làm việc ở công ty Nhiệt điện Nghi Sơn (Thanh Hóa). Trải qua ca phẫu thuật tim, sức khỏe của anh Hạ yếu hơn rất nhiều, không thể làm được việc nặng.
 
Những hỏi han thân tình của chúng tôi như chạm vào nỗi lòng người mẹ, khóe mắt đỏ hoe, bà Thủy kể về những oan nghiệt của gia đình. Bà sinh được 4 người con, anh Hạ là con thứ 2. Người con gái đầu là chị Nguyễn Thị Xuân ( SN 1978). Cuộc sống khó khăn nơi quê nghèo, chị Xuân quyết định xuất khẩu lao động sang Angola để mong có một tương lai tươi sáng.
 
Đầu năm 2009, chị Xuân được một số người môi giới đưa sang Angola làm việc. Vào một ngày mưa giữa tháng 10/2009, trong lúc đi chợ, bà Thủy chết lặng nhận được tin con gái đã bị sát hại.
 
Sau cái chết tức tưởi của chị gái, đầu tháng 3/2010, qua một công ty xuất khẩu lao động, anh Hạ lên đường, làm việc trên tàu FV Naham 3, tại vùng biển Ấn Độ Dương. Hy vọng trở thành lao động chính có thu nhập gửi về cho cha mẹ già, cho vợ và 4 đứa con ở nhà chưa thành thì tháng 3/2012, anh Hạ cùng 28 người khác đang làm việc trên tàu bất ngờ bị tàu của bọn cướp biển Somalia bắt giữ, giam cầm, đòi tiền chuộc.
 
Con tàu của bọn cướp lênh đênh trên biển khoảng 1 năm thì bị vỡ neo. Sau đó, chúng phải tấp vào một khu rừng, anh Hạ cùng những con tin bị bắt cóc đã trải qua gần 3 năm tối tăm, bị giam cầm trong phòng, tách biệt thế giới bên ngoài, đói và khát trên hòn đảo ấy.
 
Những ngày sống trong địa ngục đó diễn ra ròng rã 5 năm trời, chỉ đến khi được giải cứu, bọn cướp biển mới thả cho anh Hạ cùng các con tin trở về vào ngày 25/10/2016.
 
Gạt nước mắt, bà Thủy tiếp lời, ngày anh Hạ được giải cứu trở về, cũng là ngày gia đình bà khánh kiệt. Mảnh đất cha ông để lại bà cũng đã lần lượt bán để lấy tiền đi cầu cứu khắp nơi ròng rã 4 năm mong cứu con trai khỏi tay bọn cướp biển. Với 2 bàn tay trắng, sức khỏe kiệt quệ, khoản nợ ngân hàng đè nặng đôi vai anh Hạ và gia đình ngày trở về.
 
Nỗi đau chồng chất nỗi đau
 
Những tưởng bao oan nghiệt mà gia đình bà Thủy phải chịu đã kết thúc nhưng liên tiếp người con rể bà là chồng của chị Xuân cũng bị đột tử rồi người con gái của chị Xuân là cháu Lê Thị Quỳnh Như (SN 2006) lại bị chết đuối vào tháng 4/2015.
 
Nỗi đau chồng chất, tang tóc, kinh tế khánh kiệt, gia đình bà Thủy luẩn quẩn trong vòng tròn oan nghiệt. Chưa dừng lại ở đó, cách đây 1 năm, anh Hạ lên cơn đau tim. Ca phẫu thuật cứu mạng anh Hạ cũng 1 lần nữa đẩy số nợ của gia đình thêm nhiều con số 0.


 
Kinh tế gia đình dựa vào những vồng khoai và 3 sào ruộng do 2 vợ chồng bà Thủy gánh vác.
 
Sức khỏe yếu nhưng không còn sự lựa chọn nào, anh Hạ xin vào làm công nhân tại nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn. Vợ và 4 người con sống nhờ nhà ngoại ở Bắc Ninh. Cơm áo, gạo tiền sau ngày từ cõi chết trở về khiến ước mơ đoàn tụ của anh vẫn thật xa vời.
 
Cuộc sống đầy oan nghiệt của gia đình bà Thủy khiến người con trai thứ 3 của bà là Nguyễn Văn Hiếu (SN 1992, là em trai của anh Hạ) sinh ra u uất. Anh Hiếu đã xuống tóc đi tu để mong hóa giải kiếp nạn cho cả gia đình.
 
Kể đến đây, bà Thủy nấc lên nghẹn ngào: “Thương con, thương cháu mà không biết làm gì. Vợ chồng tôi giờ đã già yếu nhưng vẫn phải làm việc để nuôi cháu. Từng cân gạo vợ chồng tôi cũng phải gửi ra Bắc để nuôi 4 đứa con thằng Hạ. Khổ cực không biết đến bao giờ mới hết được”.
 
Kết nối điện thoại nhiều lần, chúng tôi mới trò chuyện được với anh Hạ trong giờ cơm trưa. Nhắc lại chuyện bị bọn cướp biển Somalia bắt cóc, anh Hạ cho biết, đến tận bây giờ, hình ảnh những tên cướp biển hung tợn, người trang bị đầy súng ống và cảm giác sống trong nơm nớp lo sợ có thể bị giết bất cứ lúc nào vẫn ám ảnh trong từng giấc ngủ của anh. Đến nỗi, chỉ cần 1 tiếng động to đã làm anh hoảng loạn.
 
Sức khỏe yếu, cộng với bệnh tim, anh không kham được việc nặng, chỉ làm công việc dọn dẹp trong nhà máy. Số tiền công 300 ngàn đồng/ngày của anh không đủ mua thuốc điều trị bệnh tim và gửi cho 4 đứa con ăn học.
 
“Hồi đó về, tôi được hỗ trợ 79 triệu đồng, không đủ tiền trang trải thuốc thang và trả nợ. Giờ sức khỏe yếu, tôi khao khát được về quê để sống lắm. Ước đưa được vợ con về quê để sống cảnh gia đình đông đủ. Nhưng, giờ về quê không biết làm gì, không việc làm, không vốn liếng nên buộc phải chồng Nam, vợ Bắc, kiếm sống qua ngày vậy thôi”, anh Hạ buồn bã nói trong điện thoại.
 
Nói về hoàn cảnh của gia đình anh Hạ, ông Hồ Xuân Trính, Chủ tịch UBND xã Kỳ Khang cho biết:" Từ ngày trở về, sức khỏe anh Hạ rất yếu. Thời gian sau khi mổ tim, anh Hạ đã đi làm ăn xa, còn vợ con phải về ngoài Bắc sống nương nhờ nhà ông bà ngoại. Đây là gia đình có hoàn cảnh rất éo le trên địa bàn". Cũng theo ông Trính, xã Kỳ Khang là một trong những địa phương có số lượng người xuất khẩu lao động nước ngoài lớn, với hơn 1.300 lao động tính đến thời điểm hiện tại./.