yoegbgkmp5jldknc5t274dezju-1635231111475-1635234329.jpg
Ảnh minh họa Reuters. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Trung Quốc đã báo cáo 21 trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H5N6 ở người vào năm 2021, trong khi năm ngoái chỉ ghi nhận 5 ca.

Mặc dù con số này thấp hơn nhiều so với hàng trăm người bị nhiễm H7N9 trong năm 2017, tuy nhiên, các ca nhiễm đều nghiêm trọng hơn, gây biến chứng nặng và ít nhất 6 ca đã tử vong.

Thijs Kuiken, giáo sư về bệnh học đối chiếu tại Trung tâm Y tế Đại học Erasmus ở Rotterdam, cho biết “sự gia tăng các ca lây nhiễm ở người trong năm nay là điều đáng lo ngại vì đây là một loại virus gây tử vong cao”.

Hầu hết các ca nhiễm được báo cáo đều có tiếp xúc với gia cầm, chưa có ca nhiễm nào được ghi nhận là từ người sang người, WHO cho biết trong một báo cáo được công bố ngày 4/10.

Mới đây, một phụ nữ 60 tuổi ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, đã nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì cúm H5N6 vào ngày 13/10.

Trong khi các trường hợp nhiễm H5N6 ở người đã được báo cáo, đến nay chưa có vụ bùng phát H5N6 nào được ghi nhận trên gia cầm ở Trung Quốc kể từ tháng 2/2020.

Trung Quốc là nước sản xuất gia cầm lớn nhất thế giới, đây cũng là nước có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.

Một nghiên cứu được công bố trên trang web của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) vào tháng trước khẳng định “sự đa dạng di truyền ngày càng cao và sự phân bố địa lý của H5N6 gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngành chăn nuôi gia cầm và sức khỏe con người”.

Virus cúm gia cầm liên tục lưu hành trong các loài chim hoang dã hoặc nuôi nhưng hiếm khi lây nhiễm sang người. Tuy nhiên, sự tiến hóa của các loại virus, gia tăng khi các quần thể gia cầm phát triển, đang trở thành mối quan tâm của giới chuyên gia vì chúng có thể biến đổi thành một loại virus dễ lây lan giữa người với người và gây ra đại dịch./.