Người ta nói rằng sông nước, biển cả mang rất nhiều cảm hững và dư vị để tạo nên cảm xúc con người, là nguồn tài nguyên mang lại vật chất và no ấm cho người dân. Ấy vậy, không đơn giản mà hàng năm người ta cúng tế thần sông, thần biển để mưu cầu bình an, may mắn và lộc từ biển.
Cứ đến độ tháng mười âm lịch cho tới tháng giêng năm sau là mùa thu hoạch ruốc biển, mùa của cá trích, mùa của những ngày gồng gánh, nhộn nhịp và “mùa lễ hội” cả làng cùng nhau làm nước mắm, làm ruốc chua, ruốc mặn.
Những con ruốc đỏ hồng nhảy múa trong những cái khay, cái giỏ của ngư dân mang theo. Người dân quên gọi là đi “đánh ruốc” hay gọi là “Đi te”. Đây là một phương thức đánh bắt của người đi biển, một mẻ lưới được thả xuống, ngư dân có lúc kéo lên hàng tạ ruốc. Công đoạn kéo lên khá mất sức vì ruốc nặng nên cần đòi hỏi sự đoàn kết hợp của anh em. Phấn khởi, vui tươi vì được mùa đã làm cho những mệt nhọc kia tan biến.
Có thể nhìn thấy những con thuyền dạt vào bến từ tảng sáng và hàng người đã đợi chờ mua bán tấp nập, cũng có những buổi chiều tối dạo bộ trên biển Cửa Lò sẽ thấy những con thuyền hay chiếc múng nhỏ của người đi biển đang thả lưới săn ruốc.
Mùa ruốc đem đến cho Cửa Lò có thêm những ngày tháng nhộn nhịp sau một mùa hè đầy sôi động.
Sau quá trình người mua kẻ bán được diễn ra, nhà ai về nhà nấy, công đoạn sơ chế ruốc để làm mắm cũng bắt đầu. Những khay ruốc đưa về còn tươi ngon được người dân xóc đều với muối biển với tỉ lệ phù hợp, khoảng một tạ ruốc tươi tương đương với 15kg muối. Với cách làm mắm mặn thì sau khi trộn muối, người ta cho vào những chiếc thùng ép thật chặt phơi nắng và chờ cho chín là dùng được. Còn với mắm ruốc chua thì cần thêm hai gia vị chính nữa là bột ngô và ớt cay xay nhuyễn cùng trộn đều. Mắm chua khi chín có màu đỏ của ớt pha lẫn màu vàng của ngô nhìn trông rất hấp dẫn. Ánh nắng chính là chất xúc tác làm cho mắm được chín cho nên mỗi khi có ánh nắng mặt trời người dân mở nắp thùng ra phơi.
Mắm ngon thường do người làm có “mát tay” hay không. Vừa phải đảm bảo tính thẫm mỹ về màu sắc vừa phải đòi hỏi độ vừa của nêm nếm. Khi cho thêm một lát chanh, ớt tươi, chút đường, vài tép tỏi vào bát mắm ruốc thì các món như thịt luộc, rau luộc trong mỗi bữa cơm gia đình thêm đậm đà hơn. Rất có ý nghĩa cho du khách khi đem một chai mắm ruốc Cửa Lò về làm quà cho bạn bè, anh em, bà con nội ngoại.
Những con ruốc còn được phơi khô dưới ánh nắng, vào những ngày không có nắng để phơi, người dân lại sấy bằng than, công đoạn phơi khô cũng khá vất vả, để đảm bảo cho con ruốc vừa ngon vừa đẹp màu sau khi phơi thì khi cho chúng ra những chiếc xìa làm bằng lưới thì người phơi phải dùng bàn tay khéo léo của mình bốc từng nắm ruốc sao cho không bị nhão, con ruốc phải được rời rạc, không được vón cục. Người phụ nữ dưới trời nắng chang chang vẫn phải nghiêng mình để “trở” những con ruốc được khô đều. Khi đã đủ nắng, họ lại đóng vào túi bóng bảo quản hợp vệ sinh để đem đi bán hoặc cất cẩn thận để phục vụ cho du khách khi đến Cửa Lò tham quan du lịch.
Ruốc giúp ngọt lòng món canh rau vặt, đậm đà bên những món gói bánh đa với khế, mang tình quê xứ biển, góp cho Cửa Lò có một hương vị đặc sản riêng mà ai ở quê đi xa vẫn nhớ dáng cha ngắm nhìn lá cờ đỏ rực trên nóc thuyền tung bay đón gió biển. Ngẫm mà thấy rằng không dễ gì ông cha truyền nhau lời dạy: “Con về sắm thuyền to lưới rộng/ Mở lớn mắt ra cho xứng biển nhà”./.