Ngày 18/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết vừa ghi nhận thêm 1 ca tử vong do bệnh dại.
Nạn nhân là bà Đ.T.C (67 tuổi, trú thôn Đà Bắc, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông). Bà C. là trường hợp thứ 6 tử vong vì bệnh dại tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Qua xác minh, hồi tháng 10/2022, bà C. bị con chó nhà mình nuôi cắn vào chân. Sau khi bị chó cắn, bà C. tự rửa qua vết thương bằng nước mà không đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị. Bà C. cũng không tiêm vaccine dại hay huyết thanh kháng dại. Còn con chó cắn bà C. sau đó bị bệnh và chết.
Đến ngày 12/4, bà C. được người nhà đưa vào Bệnh viện Quân Y 15 với triệu chứng sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, mệt mỏi. Sáng 13/4, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Đến chiều tối cùng ngày, người nhà xin đưa bệnh nhân về địa phương để chăm sóc và bà C. tử vong sau đó.
Sau khi ghi nhận ca tử vong do bệnh dại trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện Chư Prông đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến cộng đồng dân cư về sự nguy hiểm của bệnh dại, khuyến cáo người dân việc tiêm phòng vaccine sau khi bị chó cắn hoặc đến cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, cào, liếm của con vật mắc bệnh dại lên vùng da tổn thương. Bệnh trên người có thể dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh 100%.
Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật. Đặc thù của bệnh dại là thời gian ủ bệnh dài và phát hiện bệnh muộn tùy tình trạng vết cắn, thường sau vài tuần, có khi hàng năm, như bệnh nhân này phát dại sau 18 tháng. Khi đó, vết thương do chó cắn đã liền sẹo, thậm chí nhiều người đã quên mất từng bị chó cắn.
Để phòng ngừa, người dân cần thực hiện các biện pháp quản lý và phòng bệnh trên đàn chó nuôi như tiêm vaccine phòng bệnh dại đầy đủ và đúng lịch, không thả rông chó, mèo. Nếu cho chó, mèo ra đường phải được đeo rọ mõm theo quy định. Khi bị động vật cắn hoặc cào, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm phòng dại kịp thời, tuyệt đối không dùng thuốc nam, tự chữa tại nhà.
Theo Hiền Mai - vtc.vn