Theo nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Allergy, "siêu vắc-xin" này được phát triển dựa trên một protein dung hợp có cấu trúc gấp lại, bao gồm 2 miền liên kết thụ thể (RBD) của virus SARS-CoV-2 và kháng nguyên PreS từ bệnh viêm gan siêu vi B.

Dường như kết hợp này - như một kiểu phối hợp giữa vắc-xin Covid-19 và vắc-xin viêm gan siêu vi B - đã tạo ra phản ứng miễn dịch chéo mạnh mẽ, từ đó tăng cường phản ứng miễn dịch.

vaccine-6-1649216842098923661535-1649227595.jpg
"Siêu vắc-xin" mới chống được Omicron và mọi biến chủng, có tác dụng ngay cả ở người không đáp ứng tốt khi tiêm chủng các vắc-xin trước. Ảnh: Pixabay/CC0 Public Domain

Các vắc-xin Covid-19 hiện có chủ yếu tạo ra phản ứng IgG1 thoáng qua, trong khi "siêu vắc-xin" mới tạo được các kháng thể IgG4 đặc hiệu RBD, tồn tại lâu dài. Phản ứng của "siêu vắc-xin" tác động mạnh hơn đến thụ thể ACE2, được biết như "cổng xâm nhập" của SARS-CoV-2 vào cơ thể người.

Những yếu tố trên giúp "siêu vắc-xin" mạnh tới nỗi đã tạo được phản ứng miễn dịch ngay cả đối với những người không đáp ứng các vắc-xin Covid-19 trước đó, đồng thời chống lại mạnh mẽ cả những biến thể mang nhiều đột biến thoát miễn dịch như Omicron.

Dữ liệu tiền lâm sàng cũng cho thấy phản ứng rất tốt của "siêu vắc-xin" trên mọi biến thể khác lưu hành trước đây.

"Vắc-xin này có thể được sử dụng như mũi tiêm nhắc lại nhằm xây dựng khả năng miễn dịch bền vững và phù hợp cho mọi lứa tuổi, bao gồm nhóm nguy cơ. Nó có vẻ vượt trội hơn các vắc-xin hiện có về khả năng tạo ra kháng thể trung hòa" - tờ Medical Xpress dẫn lời tiến sĩ Rudolf Valenta từ Trung tâm Sinh lý bệnh, nhiễm trùng và miễn dịch học của Trường ĐH Y khoa Vienna, trưởng nhóm nghiên cứu./.