Vụ nổ đường ống tháp xử lý khí Công ty TNHH Seojin Auto (KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn, thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh) xảy ra sáng ngày 30/8 khiến 34 công nhân bị thương.
TS, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đây là một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến nhiều người bị thương, cho thấy nguy cơ mất an toàn trong lao động ở doanh nghiệp này. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn để có kết luận hướng xử lý theo quy định pháp luật.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ quy trình hoạt động của các loại máy móc thiết bị này như thế nào, những quy định về tiêu chuẩn an toàn, quy trình sử dụng được thực hiện. Đồng thời, làm rõ các công nhân làm việc có được tập huấn về an toàn lao động, có đòi hỏi phải có chứng chỉ tập huấn về an toàn lao động đối với những loại máy móc thiết bị mà họ sử dụng trong quá trình lao động hay không...để xác định doanh nghiệp này có đảm bảo điều kiện về an toàn lao động.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy đã có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn lao động theo quy định tại điều 295 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy việc sử dụng các máy móc thiết bị ở công ty này là tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn lao động, vụ việc tai nạn xảy ra là ngoài ý muốn, không có lỗi trong công tác quản lý thì cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự.
Theo luật sư Cường, dù có xử lý hình sự hay không, vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không thì thiệt hại về sức khỏe cho người lao động đã xảy ra. Do đó, doanh nghiệp này cần phải có những chính sách và hoạt động cụ thể để hỗ trợ cho người lao động gặp tai nạn.
Theo quy định, người sử dụng lao động phải chi trả toàn bộ chi phí y tế để điều trị, trả toàn bộ tiền lương cho người lao động trong thời gian nghỉ việc điều trị và có trách nhiệm giám định sức khỏe cho người lao động. Căn cứ tỷ lệ mất sức lao động để bồi thường một khoản tiền, người lao động cũng được trợ cấp tai nạn lao động, tùy vào mức độ tổn hại sức khỏe, nếu dưới 31% thì trợ cấp 1 lần, trên 31% thì chi trả hằng tháng.
Trong trường hợp người lao động có đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì chi phí cứu chữa sẽ do bảo hiểm chi trả.
Pháp luật cũng quy định người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau: Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.
Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức áp dụng đối với trường hợp không có lỗi được nêu ở trên.
Theo Điều 48, Điều 49 Luật An toàn vệ sinh lao động thì quyền lợi của người lao động khi suy giảm khả năng lao động được bồi thường, hỗ trợ quyền lợi như sau:
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
“Người lao động có thể liên hệ với công đoàn của doanh nghiệp, đại diện của doanh nghiệp để yêu cầu đảm bảo quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp nếu các bên không thoả thuận được với nhau về các mức bồi thường, hỗ trợ, các quyền lợi chế độ theo quy định thì có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Công an tỉnh Bắc Ninh khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ TNLĐ:
Vào cuộc điều tra vụ tai nạn lao động tại Công ty TNHH Seojin Auto (Hàn Quốc) khiến 34 người bị thương, Cơ quan Công an xác định đây là vụ nổ cơ học, do áp suất khí lớn dẫn đến bị nổ. Vụ nổ làm vỡ cửa kính, đổ cửa khiến cho các nạn nhân bị thương do văng kính, đổ cửa vào người và các công nhân xô đẩy, giẫm đạp lên nhau trong lúc bỏ chạy dẫn đến bị thương.
Được biết, xưởng sản xuất của Công ty Seojin Auto tại KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn được đầu tư 100% vồn FDI Hàn Quốc. Tại đây chủ yếu sản xuất, gia công các sản phẩm, linh kiện bằng kim loại./.