Ý nghĩa và áp dụng thực tiễn

Năm 2020, dư luận cả nước xôn xao về những vụ "thổi giá", nâng khống giá thiết bị y tế xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Hệ thống xét nghiệm PCR tự động khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2 tỷ đồng nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần giá nhập.

Vụ nâng khống giá thiết bị chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai khi hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh từ hơn 7 tỷ đồng được “thổi giá” lên gần 40 tỷ đồng cũng là một ví dụ. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là hành lang pháp lý về việc thẩm định giá, đấu thầu còn nhiều kẽ hở, thiếu minh bạch về giá trang thiết bị y tế.

Nhằm giải quyết các hạn chế, bất cập trong quản lý giá, nghị định 98/2021/NĐ-CP đã ra đời, thay thế Nghị định 36/2016/NĐ-CP của Chính phủ với việc bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế. Nghị định 98 đã bổ sung thêm các nội dung về nguyên tắc quản lý nhà nước đối với giá trang thiết bị y tế; biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế; nội dung, trách nhiệm kê khai giá trang thiết bị y tế.

cong-khai-gia-trang-thiet-bi-y-te-van-chua-the-chong-doc-quyen-1657012301.jpg
 Cuối năm 2021, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến rộng rãi nội dung của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP.

Ông Trịnh Đức Nam, chuyên viên Vụ trang thiết bị y tế - Bộ Y tế cho biết: "Theo quy định của Nghị định 98, thì quy định quản lý giá hoàn toàn theo đúng cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật."

Như vậy, Bộ Y tế không quản lý mức giá tối đa của trang thiết bị y tế mà doanh nghiệp đưa lên, pháp luật hiện hành cũng chưa có một văn bản nào quy định về định mức chi phí, định mức lợi nhuận mà hoàn toàn do doanh nghiệp chủ sở hữu sản phẩm tự định giá.

Theo ông Nam, điều này không có ý nghĩa Bộ buông lỏng cho các doanh nghiệp “muốn làm gì thì làm” về giá. Theo đó, việc kê khai giá sẽ chỉ có duy nhất chủ sở hữu số lưu hành của trang thiết bị y tế quyết định. Chủ sỡ hữu này có thể là đơn vị phân phối hay nhà sản xuất, nhưng phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm (bao gồm cả bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng và cung cấp vật tư, phụ kiện thay thế sau này).

Vẫn còn “độc quyền” về giá

Việc công khai, minh bạch về giá trang thiết bị y tế là cần thiết, thế nhưng, quá trình áp dụng Nghị định 98 vẫn còn những bất cập khi liên quan đến một số trang thiết bị y tế thuộc dạng “độc quyền”, khi mà các doanh nghiệp (chủ sở hữu số lưu hành) hoàn toàn có thể kê khai giá theo bất kỳ con số nào mong muốn.

Trong một đơn thư phản ánh của độc giả, đưa ra thông tin về việc nhiều trang thiết bị y tế của Arthrex Inc - một công ty chuyên sản xuất trang thiết bị y tế tại Mỹ, đã được “đội giá” lên gấp nhiều lần giữa giá vốn (giá nhập khẩu) và giá bán sản phẩm công bố tại website quản lý giá trang thiết bị y tế. Theo đó, tỷ lệ chênh lệch có thể từ 262% đến 1.138%.

Một số trang thiết bị được liệt kê bao gồm: vít hàng gân PEEK mã số AR-1590-PS, giá nhập khẩu 4.126.200 đồng, giá bán 15.000.000 đồng (chênh lệch 264%); Vít chỉ neo dạng xoắn toàn ren AR-1915FT, giá nhập khẩu 3.042.900 đồng, giá bán 14.000.000 đồng (chênh lệch 360%); Bộ vít neo cố định dây chằng mã số AR-8978-CP, giá nhập khẩu 3.795.000 đồng, giá bán 47.000.000 đồng (chênh lệch 1.138%)…

cong-khai-gia-trang-thiet-bi-y-te-van-chua-the-chong-doc-quyen-hinh-2-1657012342.pngCùng 1 sản phẩm của Arthrex, chỉ cần khác biệt về tên gọi, giá trị đã có sự chênh lệch đến hơn chục lần

Việc giá bán các sản phẩm của hãng Arthrex được điều chỉnh lên rất cao dẫn đến câu hỏi: Nếu không có mức trần để hợp lý giá bán tối đa, thì doanh nghiệp phân phối sản phẩm độc quyền có thể tự do thao túng thị trường? Công khai giá để làm gì, khi doanh nghiệp có thể tự định giá giá trị sản phẩm của mình lên gấp 10, thậm chí gấp 100 lần giá trị thực?

Về vấn đề này, ông Nam cho hay: “Độc quyền về sản phẩm và độc quyền về giá thuộc phạm vị khác, do mục tiêu của việc kê khai giá là công khai minh bạch, chống mua bán lòng vòng, khai khống giá trị sản phẩm, dẫn đến sản phẩm bị đội giá lên gấp nhiều lần.”

Có thể thấy, tình trạng độc quyền, liên minh độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá nhằm thu lợi nhuận không chính đáng ở một số ngành, lĩnh vực làm phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng là khó có thể kiểm soát được. Ai có thể thẩm định đầy đủ tình trạng hạch toán nếu có gian lận chi phí sản xuất, chi phí đầu tư, tài sản cố định, chi phí góp vốn, đặc biệt là nếu các doanh nghiệp độc quyền như Arthrex đặt trụ sở và hoạt động kinh doanh ở nước ngoài?

Từ vấn đề này, liệu có thể xảy ra trường hợp doanh nghiệp trong nước (chịu trách nhiệm đại diện), thay vì qua nhiều bước nâng giá trung gian, sẽ trực tiếp câu kết với doanh nghiệp nước ngoài (chịu trách nhiệm phân phối) để nâng giá các sản phẩm độc quyền trong quá trình tự định giá?

Theo nhiều chuyên gia, muốn quản lý minh bạch giá trang thiết bị y tế, chống thao túng, độc quyền thì nên mời các chuyên gia độc lập tham gia xây dựng giá trần, chuyển quản lý giá trang thiết bị y tế sang Bộ Tài chính, nghiên cứu việc đấu thầu trang thiết bị y tế tập trung, triển khai thí điểm trước tại một số tỉnh thành./.