Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố thêm tài liệu sẽ trình đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Đại hội tổ chức vào ngày 20/4 tới đây.
Trong đó có tờ trình Đại hội cổ đông về cơ cấu, số lượng nhân sự và bầu thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027.
Theo đó, số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ này gồm 7 thành viên và Ban kiểm soát gồm 3 thành viên, không thay đổi so với trước kia.
Tại Hội đồng quản trị, 4 người sẽ tiếp tục gắn bó với SHB gồm Chủ tịch Đỗ Quang Hiển, Phó Chủ tịch Võ Đức Tiến và 2 thành viên Nguyễn Văn Lê, Thái Quốc Minh. 3 người rời Hội đồng quản trị SHB là ông Phạm Công Đoàn, bà Nguyễn Thị Hoạt và ông Trịnh Thanh Hải. Thay thế cho 3 người rời HĐQT là 3 người thay thế là ông Đỗ Quang Vinh, bà Nguyễn Thị Mai Sương và ông Đỗ Văn Sinh.
Đáng chú ý, trong 3 người này có ông Đỗ Quang Vinh là con trai của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển (hay còn được gọi là bầu Hiển). Ông Vinh sinh năm 1989, trình độ Thạc sĩ Tài chính - Quản trị. SHB cho biết, ông Vinh có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đảm nhiệm chức vụ Giám đốc đầu tư tài chính quốc tế tại Tập đoàn T&T từ tháng 12/2013 tới nay. Ngoài ra, ông Vinh cũng giữ chức Phó Tổng Giám đốc SHB từ tháng 10/2021.
Ông Vinh hiện còn giữ các chức vụ như Giám đốc khối Ngân hàng số kiêm Phó Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ SHB, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội.
Trong nhiệm kỳ mới này, ông Đỗ Quang Hiển cũng sẽ phải đưa ra quyết định chọn vị trí Chủ tịch tại SHB hoặc Tập đoàn T&T và các công ty khác. Theo Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Ngoài ra, SHB dự kiến ghi nhận tối thiểu 11.686 tỷ đồng lãi trước thuế năm nay, tăng tới 87% so với năm 2021. Kỳ vọng này được đưa ra dựa trên tăng trưởng tổng tài sản của ngân hàng ở mức trên 12% và vốn điều lệ tăng 36% so với năm 2021.
Nếu hoàn thành kế hoạch này, SHB sẽ có năm đầu tiên gia nhập nhóm ngân hàng lợi nhuận chục nghìn tỷ đồng, đồng thời ghi nhận mức lãi cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp nhà băng này đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao (gần gấp đôi). Trong năm 2021 trước đó, nhà băng này đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế gần 92%.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán bởi KPM, đến cuối năm 2021, nhà băng này có tổng tài sản đạt 506.600 tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm liền trước. Vốn tự có theo tiêu chuẩn Basel II đạt khoảng 53.231 tỷ đồng. Hai chỉ tiêu quan trọng nhất của ngân hàng bao gồm huy động vốn thị trường 1 đạt 379.000 tỷ và dư nợ cấp tín dụng đạt 369.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 12 và 16% so với cuối năm 2020. Nếu hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay, tổng tài sản đến cuối năm 2022 của SHB sẽ đạt tối thiểu 567.400 tỷ đồng./.