Giá vé máy bay đang “cao nhất mọi thời đại”
Thông tin từ tờ The New York Times cho biết, chỉ số giá vé máy bay của tất cả các hãng hàng không Mỹ đã tăng vọt lên 33,3% trong tháng 4/2022 - mức tăng lớn nhất so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 12/1980.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, trong tháng 4, giá vé máy bay trong nước đã tăng 18,6% so với tháng trước, mức tăng theo tháng mạnh nhất kể từ khi giá vé máy bay được đưa vào rổ tính toán chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Mức tăng này cũng là một trong những yếu tố chính đẩy chỉ số CPI hàng năm của Mỹ tăng đến 8,3%.
Đáng chú ý, số liệu của Công ty nghiên cứu Adobe Digital Insights cho thấy, giá vé của các hãng hàng không đã tăng 47% kể từ tháng 1/2022 và đã cao hơn so với trước đại dịch.
Giá các chuyến bay đến Hoa Kỳ trong tháng 5 cao hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 5 cũng là tháng thứ tư liên tiếp chứng kiến giá vé tăng so với mức trước đại dịch - giá đã tăng 5% vào tháng 2, 20% vào tháng 3 và 27% vào tháng 4.
Hãng tin Bloomberg cũng cho hay, tình trạng tăng giá vé máy may đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tại Hong Kong, giá vé bay đi London của hãng Cathay Pacific Airway trong tháng 6/2022 đã lên đến 42.051 Dollar Hong Kong (HKD), tương đương 5.360 USD, cao gấp 5 lần so với thời điểm trước đại dịch.
Tương tự, giá vé máy bay thẳng từ New York đi London cũng tăng tới hơn 2.000 USD.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của Viện Mastercard Economics, chi phí hàng không tại Singapore đã tăng bình quân 27% trong tháng 4/2022 so với cùng kỳ năm 2019. Con số này tại Australia là hơn 20%.
Sức ép lớn từ tăng giá nhiên liệu
Các hãng tin lớn của thế giới cho rằng, có ba lý do chính khiến giá máy bay liên tục tăng mạnh.
Thứ nhất là do giá nhiên liệu xăng dầu tăng cao. Giá xăng dầu hiện đã tăng vọt kể từ khi bắt đầu cuộc chiến giữa Nga và Ukraine hồi đầu năm 2022. Giá xăng dầu đang giao dịch ở mức cao chưa từng thấy trong gần 14 năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục biến động tăng do tình hình chiến sự còn nhiều phức tạp.
“Tất cả chúng ta đều phải trả nhiều tiền hơn để đổ đầy bình xăng của mình và máy bay cũng vậy. Giá nhiên liệu là một nguồn chi phí lớn của hàng không, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi việc chuyển điều này khiến giá vé máy bay tăng mạnh”, IATA nhận định và cho rằng, giá nhiên liệu máy bay là chi phí lớn thứ hai đối với các hãng hàng không sau nhân công (chi phí nhiên liệu bay thường chiếm 30-40% tổng chi phí của hãng bay).
Hiện giá nhiên liệu máy bay tăng gần 150% từ năm ngoái đến nay và tăng gấp đôi so với năm 2019. Tại New York, giá xăng máy bay đã tăng hơn 80% tính từ đầu năm 2022. Bối cảnh này đã buộc nhiều hãng hàng không trên toàn thế giới phải nâng giá vé để bù đắp chi phí.
Đơn cử tại Air New Zealand, hãng hàng không này cho biết, chi phí nhiên liệu cho một chiếc máy bay Dreamliner cho chuyến đi từ Auckland (New Zealand) đến Los Angeles hiện cao gấp đôi so với năm 2020. Điều này đã dẫn đến một "cơn bão” về giá vé.
"Chúng tôi cố gắng hết sức để giữ giá vé thấp nhất có thể. Chúng tôi chỉ có hơn 100.000 giá vé dưới 100 đô la trên các chuyến bay nội địa của mình trong ba tháng tới. Và chúng tôi sẽ bổ sung thêm 40.000 chỗ mỗi tuần trên các chuyến bay quốc tế của mình vào tháng Bảy”, Giám đốc điều hành Greg Foran chia sẻ.
Yếu tố thứ hai khiến giá máy bay tăng mạnh là sự thiếu hụt lao động. Ngoài lý do chi phí xăng dầu, việc ngành hàng không thiếu nhân viên cũng là một yếu tố khiến giá vé đắt đỏ.
Sau 2 năm giãn cách và phải giảm công suất, hàng trăm nghìn phi công, tiếp viên, chuyên viên kỹ thuật... đã mất việc làm và phải chuyển sang ngành nghề khác. Và khi nhu cầu bật tăng trở lại, các hãng hàng không khó có thể tuyển dụng ồ ạt để lấp chỗ trống nhân sự.
Các hãng hàng không đang phải đối mặt với thực trạng không đủ phi công và tiếp viên để điều hành các chuyến bay, cũng như chi phí nhân công cao hơn. Các dự báo về chi phí nhân công tăng cao có khả năng sẽ là mức tăng chi phí vĩnh viễn đối với nhiều hãng hàng không trong thời gian tới.
Tại Châu Âu, các sân bay lớn đều đang phải đối mặt rủi ro hoãn hoặc hủy chuyến do thiếu chuyên viên mặt đất. Tại Anh, hàng trăm nghìn chuyến bay đã bị hủy, trì hoãn do thiếu phi công hoặc máy bay.
Tại Mỹ, các hãng hàng không Hoa Kỳ cũng đang buộc phải hạn chế công suất vào mùa hè do thiếu lao động và các vấn đề khác. Ở các hãng hàng không nhỏ lẻ, tình hình còn thê thảm hơn khi không thể chạy hết công suất do các phi công đã bị những hãng lớn thuê hết.
Trong khi các hãng hàng không đang “chật vật” trở lại thị trường do thiếu nhân sự thì yếu tố thứ ba khiến giá vẽ máy bay tăng mạnh là nhu cầu của thị trường lại đang gia tăng mạnh mẽ.
Sau 2 năm dịch bệnh, các hoạt động đi lại, du lịch bị hạn chế, nhu cầu được di chuyển của người dân sau một thời gian dài bị dồn nén là rất lớn.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng đã mở cửa du lịch trở lại nhờ yếu tố dịch bệnh được kiểm soát. Điều này càng tạo điều kiện cho ngành du lịch và hàng không phục hồi.
Nhiều hãng hàng không cho biết, không chỉ có nhu cầu cao mà hành khách còn sẵn sàng chấp nhận mức giá vé cao để thỏa mãn mong muốn được đi du lịch của mình, qua đó càng đẩy giá vé lên cao hơn nữa.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, dù một số người tiêu dùng có thể hài lòng với giá vé cao hơn, đặc biệt là đối với những người trì hoãn kế hoạch du lịch trong thời kỳ đại dịch, nhưng việc giá vé máy bay tăng quá cao cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số và sự hồi phục của các hãng hàng không.
Minh chứng là doanh số bán vé nội địa của Mỹ đang giảm sau khi tăng giá đáng kể. Nhà phân tích chính của Adobe Digital Insights, Vivek Pandya, nhận xét rằng: “Việc giảm lượng đặt chỗ cho thấy phần lớn khách hàng đều đang suy nghĩ lại về kế hoạch đi máy bay của họ”.
Công ty nghiên cứu Adobe Digital Insights cho biết, lượng đặt chỗ cho các chuyến bay trong nước Mỹ đã giảm 2,3% trong tháng 5 so với tháng 4. Bên cạnh đó, giá vé máy bay tăng cao cũng là một trong những yếu tố góp phần vào tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục của quốc gia này.