Ám ảnh, đau xót… thiệt hại khôn lường

13h00 ngày 1/8, vụ cháy bùng phát phát từ khu vực tầng 6 karaoke ISIS (Cầu Giấy, Hà Nội) do hàn xì sửa chữa quán. Hàng chục xe chữa cháy và hàng chục chiến sĩ được điều động đến hiện trường dập lửa. Không may, 3 cán bộ, chiến sĩ gồm Trung tá Đặng Anh Quân - Đội trưởng, Trung uý Đỗ Đức Việt và chiến sỹ nghĩa vụ Nguyễn Đình Phúc thuộc Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Cầu Giấy hi sinh khi tiến lên tầng 4 tìm kiếm nguời còn mắc kẹt trong đám cháy. Bất ngờ, cầu thang bị sập, ngăn đứt đường vòi chữa cháy, trần nhà đổ ập xuống xuống, đè lên người 3 chiến sĩ PCCC…

a-1663897332.jpg
Karaoke ISIS (Cầu Giấy, Hà Nội) bốc cháy, sập cầu thang, trần nhà khiến 3 chiến sĩ PCCC hi sinh

Vài ngày sau, chiều 7/8, một vụ cháy khác xảy ra tại ngôi nhà đang khóa trái cửa nằm trên đường Trưng Nữ Vương (TP Đà Nẵng) khiến ba mẹ con bà N.T.H.L (49 tuổi) và 2 con trai là Đ.Q.P (14 tuổi) và Đ.Q.T (11 tuổi) tử vong khi đang ngủ ở trong nhà.

Chưa hết bàng hoàng thì mới đây, cả nước lại chứng kiến vụ hỏa hoạn thảm khốc xảy ra tại quán karaoke An Phú (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) vào đêm 6/9/2022 khiến 32 nạn nhân tử vong. Theo đánh giá của Công an tỉnh Bình Dương, đây là vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người sau vụ cháy tòa nhà ITC ở TPHCM năm 2002 làm 60 người tử vong.

Nhiều vụ cháy khác đã xảy ra tại các doanh nghiệp gây thiệt hại lớn về hàng hóa, thiết bị, nhà xưởng và còn nguy cơ gây tái thất nghiệp cho hàng trăm công nhân vừa đi làm lại sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 như: vụ cháy tại Công ty TNHH Woochang Việt Nam (TX.Điện Bàn, Quảng Nam) lúc13h30 ngày 25/5/2022; Vụ cháy tại trong tổng kho vật tư thiết bị (sơn và nhiều vật tư dễ cháy) của Nhà máy biến áp Đà Nẵng (Công ty CP Vật tư vận tải xây lắp Điện lực Miền Trung) xảy ra hôm 25/7/2022; Vụ cháy nhà xưởng sản xuất áo mưa tiện lợi và kho chứa hàng gồm giày dép, áo quần... của gia đình ông Hồ Duy Khánh (Duy Xuyên, Quảng Nam) hôm 26/8/2022...

Chế tài PCCC còn lỏng… hay thiếu ý thức, vô trách nhiệm?

Hơn một tháng, 2 vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke khiến 35 người chết. Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bức xúc phải thốt lên: việc quản lý, hoạt động của cơ sở kinh doanh karaoke đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Cần phải có giải pháp để ngăn ngừa những vụ việc tương tự có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với loại hình dịch vụ kinh doanh này. Trước hết cần xử lý thật nghiêm để cảnh tỉnh, răn đe, để họ không dám, không làm những hành vi vi phạm pháp luật, không đảm bảo an toàn PCCC.

b-1663897369.jpg
Vụ cháy tại quán karaoke An Phú (Bình Dương) khiến 32 người tử vong

Trên thực tế, hầu như các quán karaoke đều cải tạo nhà ở thành tụ điểm kinh doanh, vi phạm về lắp đặt hệ thống điện, lối thoát hiểm chưa đủ tiêu chuẩn, hoạt động khi chưa có thẩm duyệt về PCCC của cơ quan chức năng chuyên ngành…Ngoài ra, mặt trước các cơ sở kinh doanh karaoke bị che chắn bởi các biển quảng cáo, điều kiện thông gió gần như không có nên khi xảy ra cháy sẽ gây ra hiện tượng tụ khói... khiến cho việc này việc tổ chức cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy vô cùng khó khăn đe dọa tính mạng không chỉ với người dân mà cả lính cứu hỏa

Các chuyên gia về lĩnh vực PCCC đánh giá, hiểm họa cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ này luôn tiềm ẩn và lơ lửng, chực chờ. Quán karaoke An Phú là một ví dụ về thiết kế bịt bùng, khó khăn khi triển khai cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy mặc dù đã bị lực lượng chức năng 5 lần kiểm tra và ra quyết định xử phạt gần 35 triệu đồng. Nhưng các lỗi chủ yếu của karaoke An Phú là hoạt động karaoke quá giờ, không giao kết hợp đồng với nhân viên, không cung cấp bảng tên nhân viên…

Còn quán karaoke ISIS, trước khi xảy ra vụ cháy đã dừng hoạt động do chưa cấp đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016. Tuy nhiên, Công an Hà Nội cho biết, dù đã có các đợt phối hợp kiểm tra, nhưng vẫn có rất nhiều trường hợp chưa chấp hành nghiêm chỉnh công tác PCCC, vẫn hoạt động lén lút, dẫn đến tình trạng cháy như vụ việc xảy ra tại quán karaoke số 231 phố Quan Hoa vừa qua.

c-1663897407.jpg
Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Đà Nẵng và Công an Quảng Nam phối hợp chữa cháy tại Công ty TNHH Woochang Việt Nam

Không chỉ cơ sở kinh doanh, nhiều cơ sở sản xuất và hộ gia đình cũng còn chủ quan trong công tác PCCC. Theo Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Đà Nẵng, mặc dù đã có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện công tác PCCC nhưng vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, cá nhân và nhất là các hộ gia đình trong khu dân cư còn chủ quan, sơ xài trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp chỉ làm chiếu lệ, qua loa, mang tính đối phó; Các hộ gia đình chưa quan tâm đến việc mở lối thoát nạn thứ 2 và tháo dỡ “chuồng cọp” để có lối thoát hiểm khẩn cấp khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Mạnh tay với những vi phạm

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, cơ quan chức năng về PCCC&CNCH các địa phương trong cả nước đã ra quân, tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Thực hiện những biện pháp mạnh, xử lý nghiêm những cơ sở, cá nhân còn chủ quan, xem nhẹ công tác PCCC.

Ngày 7 và 8/9, Công an tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra 135 lượt cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó phát hiện gần 50 cơ sở vi phạm các quy định về PCCC. Ngày 9/9, Công an Bình Dương tạm đình chỉ hoạt động 8 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC đối với 70 cơ sở kinh doanh karaoke.

Tại Hà Nội, trong đêm 18 và rạng sáng 19/9, lực lượng Công an quận phối hợp cùng UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đã tổng kiểm tra hoạt động phòng, chống cháy, nổ tại các quán karaoke trên địa bàn; yêu cầu đóng cửa 40 phòng hát karaoke chưa được cấp phép.

d-1663897435.jpg
Công an Thanh Khê kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke

Công an Thanh Khê, TP Đà Nẵng tổng kiểm tra và đình chỉ hoạt động đối với cơ sở karaoke Chợt Nhớ do cơ sở này đã đưa công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn vào hoạt động, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC. Đây là lần thứ 2, karaoke Chợt Nhớ bị tạm đình chỉ. Trước đó, cơ sở này cũng không thực hiện đầy đủ các nội dung quy định tại Thông tư 47/BCA của Bộ Công an về lĩnh vực PCCC.

Thượng tá Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Đà Nẵng cho biết, trong thời gian đến sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn việc đảm bảo an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm, các nguy cơ có thể gây cháy, nổ tại cơ sở, qua đó kiến nghị khắc phục hoặc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC, trong đó chú trọng việc phối hợp, hướng dẫn Công an các quận, huyện xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn thành phố.

Tuyên truyền thực hiện Quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp SXKD trên địa bàn; Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và công tác tham mưu PCCC và CNCH cho các lực lượng, nhất là lực lượng Công an các xã, phường; Xây dựng lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành đủ bản lĩnh để thực hiện tốt công tác phòng ngừa và chữa cháy, CNCH tại cơ sở.../.