Cổ phiếu bất động sản "bay màu" trước hàng loạt thông tin xấu
Mở cửa phiên giao dịch ngày 6/4, chỉ số VN-Index ngay sau khi mở cửa đã giảm hơn 10 điểm, lùi về 1.510 điểm; VN30-Index giảm 7,4 điểm, còn 1.531,8 điểm; HNX-Index giảm hơn 5 điểm, còn 450,78 điểm.
Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng giảm khá mạnh. Một số mã bất động sản đã giảm kịch sàn do tâm lý lo ngại của giới đầu tư sau vụ việc ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cùng 6 đồng phạm bị bắt, khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Toàn thị trường, nhóm ngành bất động sản chỉ có 9 mã tăng giá, trong khi hàng loạt cổ phiếu giảm giá.
Cổ phiếu VIC sụt 2,55%, giữa bối cảnh mã này bị đưa vào danh sách không được giao dịch ký quỹ vì doanh nghiệp thua lỗ trong năm 2021.
Tính đến hết phiên sáng, 5 mã ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index đều thuộc ngành bất động sản và ngân hàng, bao gồm VIC, VCB, NVL, VHM, BID.
Bước sang phiên chiều, nhóm ngân hàng đổi chiều trong những phút cuối phiên. Các mã cổ phiếu ngân hàng đã đổi từ màu đỏ sang xanh, nhiều mã trở về mức tham chiếu. Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn duy nhất KLB giảm giá. Các mã ngân hàng tăng mạnh có thể kể đến như: VPB tăng 4,3%, PGB tăng 2,2%, MBB tăng 2,1%, VCB tăng 1,9%, TCB và STB đều tăng 1,7%...
"Tính bầy đàn theo kiểu bất chấp như trước hiện nay không còn nữa, nhà đầu tư bây giờ thông minh và chọn lọc kỹ.
Trong đó, với những mã cổ phiếu dạng đầu cơ thì chắc chắn sau lưng sẽ có một đội nào đó, mà hiện nay cơ quan chức năng đang xử lý mạnh tay để minh bạch thị trường thì có thể những mã cổ phiếu này sẽ giảm.
Còn những mã cổ phiếu tốt, có giá trị thực và được nhà đầu tư quan tâm thực sự thì sẽ tăng, kể cả những mã này là mã BĐS…" – ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam.
Trong khi đó, nhóm bất động sản vẫn chìm trong sắc đỏ. Thống kê cho thấy, ở nhóm bất động sản trên toàn thị trường, có 5 mã tăng giá, 8 mã đứng giá, trong khi có tới 63 mã giảm giá, 6 mã giảm sàn.
Chốt phiên giao dịch ngày 6/4, VN-Index tăng 2,87 điểm lên 1.522,9 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 994 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 30.016,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 173 mã tăng giá, 279 mã giảm giá và 42 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 9,27 điểm xuống 446,83 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 117 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 3.794,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 76 mã tăng giá, 162 mã giảm giá và 47 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,86 điểm xuống 116,84 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 67,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.806,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 129 mã tăng giá, 208 mã giảm giá và 84 mã đứng giá.
Thị trường các phiên sắp tới sẽ ra sao?
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, thực ra vấn đề liên quan đến Tân Hoàng Minh đã bắt đầu manh nha từ khi đơn vị này bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm. Thêm vào đó, vấn đề của Tân Hoàng Minh cũng đã được báo chí mổ xẻ dần dần từ lâu nay, nên nội tình của đơn vị này với dân chứng khoán đã khá rõ ràng.
"Nói chung là thị trường đã biết, đã thẩm thấu được các thông tin liên quan đến Tân Hoàng Minh, thông tin cũng minh bạch, sáng suốt nên nhà đầu tư cũng không còn bị dẫn dắt thông tin nữa, ai làm người đó chịu", ông Phương nói.
Dẫn chứng cho lập luận này, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam cho hay, ví dụ như vụ việc Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt cũng lớn, nhưng sau đó là thị trường tăng điểm liền cho tới nay.
"Thị trường nếu có điều chỉnh thì cũng mang tính kỹ thuật thôi, chứ không phải là bán tháo hay xả hàng, bán chạy. Vụ việc Tân Hoàng Minh cũng vậy, thị trường chứng khoán cũng râm ran mấy hôm rồi thì báo chí chính thống mới đăng thông tin, nên thị trường cũng có phản ứng nhưng phản ứng không mạnh", ông Phương bình luận.
Dự báo về các phiên giao dịch sắp tới, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, dòng tiền sẽ dịch chuyển về nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng, có thông tin hấp dẫn trong việc sắp chia cổ tức trong kỳ đại hội cổ đông sắp tới. Hoặc sẽ chuyển dịch sang nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt trong quý 1.
"Nói chung giá cổ phiếu sẽ tăng, điểm chung có thể là không tăng mạnh nhưng mặt bằng chung là cổ phiếu tốt vẫn sẽ tăng điểm", ông Phương đúc kết.
Riêng với nhóm bất động sản, những mã cổ phiếu nào bị đẩy lên quá giá trị thật, không còn hợp lý thì có thể sẽ bị điều chỉnh trong vài phiên tới, tại vì nhà đầu tư cũng hơi e ngại. Còn những mã đang có kết quả kinh doanh tốt, đang có tiềm năng phát triển, hoặc những dự án sắp tới có thể mở ra nhiều cơ hội thì có thể sẽ còn tăng nữa.
Riêng với nhóm cổ phiếu "họ" FLC", trong phiên giao dịch hôm nay nhóm này đã đồng loạt giảm trở lại sau 1-2 phiên khởi sắc.
Theo đó, FLC giảm hết biên độ xuống giá sàn, khối lượng khớp lệnh tới hơn 53 triệu đơn vị. ROS cũng giảm tới 7% xuống giá sàn. Các mã trong họ FLC như: AMD và HAi đều giảm 6,6%, KLF giảm 7%, ART giảm 7,9%. Riêng GAB không có giao dịch.
Nguyên nhân được cho là nhiều nhà đầu tư chốt lời sau khi bắt giá sàn vào cuối tuần trước; một phần nữa đến từ việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán gửi báo cáo dư nợ cho vay ký quỹ (vay margin - sử dụng đòn bẫy tài chính) đối với cổ phiếu FLC để thực hiện công tác quản lý, giám sát tình hình hoạt động trên thị trường chứng khoán./.