Ngày 6/11/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hoàn thành việc đấu giá quyền khai thác ba mỏ cát với tổng số tiền thu được là gần 1.700 tỷ đồng.
Trong đó, mỏ Châu Sơn có trữ lượng hơn 700.000m3, tiền đặt cọc hơn 400 triệu đồng, giá khởi điểm 2,8 tỷ đồng nhưng “giá chốt” là hơn 396 tỷ đồng – cao gấp 141 lần.
Mỏ Liên Mạc có trữ lượng gần 500.000m3 cát, tiền đặt cọc hơn 300 triệu đồng, giá khởi điểm 2 tỷ đồng nhưng “giá chốt” là 408 tỷ đồng - cao gấp 204 lần.
Mỏ Tây Đằng - Minh Châu có trữ lượng 4,9 triệu m3 cát, tiền cọc 2,8 tỷ đồng, giá khởi điểm hơn 19 tỷ đồng nhưng “giá chốt” là hơn 880 tỷ đồng, gấp 46 lần.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc đấu giá mỏ cát cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có yếu tố bất thường, có thể tạo ra hiệu ứng đối với thị trường vật liệu xây dựng. Chưa kể, trong trường hợp bỏ cọc sẽ gây tác động xấu, lãng phí thời gian, tiền bạc và cả cơ hội đầu tư của rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tham gia đấu giá thật.
Mới đây, ngày 15/9/2023, có 11 biển số ô tô gồm: 19A-555.55; 30K-555.55; 15K-188.88; 99A-666.66; 36A-999.99; 43A- 799.99; 47A-599.99; 51K-888.88; 98A-666.66; 65A-399.99 và 30K-567.89 đã được đưa ra đấu giá và đã xác định được chủ nhân. Tuy nhiên, đến ngày 3/10 là hết thời hạn nộp tiền trúng đấu giá thì có tới 6 người “chạy làng”. Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) buộc phải ban hành quyết định hủy kết quả đấu giá đối với 6 biển số xe vừa trở thành “vô chủ”.
Hay như năm 2022, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh, lập kỷ lục đấu giá đất Thủ Thiêm với 2,45 tỷ đồng/m2 nhưng sau đó phía Tân Hoàng Minh bất ngờ bỏ cọc khiến thị trường bất động sản nhiễu loạn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những nhà đầu tư khác cùng tham gia đấu giá.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, trong tình hình phát triển chung của đất nước, hoạt động đấu giá tài sản đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về trình tự, thủ tục đấu giá.
Một số quy định chưa phù hợp thực tiễn (thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ, quy định về tiền đặt trước); chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung chưa hiệu quả, còn tồn tại tình trạng thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá; cơ chế kiểm soát việc đấu giá bộc lộ một số vướng mắc,...
Đại biểu Yến thông tin: “Thời gian qua, trong đấu giá tài sản đã xuất hiện hiện tượng thao túng giá khởi điểm, bỏ giá rất cao rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo nhằm thu lợi, tạo nên cơn sốt đất ảo…”.
Vì vậy, Luật Đấu giá tài sản đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy kết quả đấu giá theo hướng quy định rõ chủ thể, căn cứ hủy kết quả đấu giá đảm bảo khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự, hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xác định rõ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm dẫn đến việc hủy kết quả đấu giá.
Đại biểu Dương Ngọc Hải (TP HCM) cho rằng việc nâng mức đặt cọc cụ thể ở mức nào sẽ tùy vào loại tài sản được đưa ra đấu giá. Trong đó với bất động sản, mức đặt cọc cần tối thiểu 10% so với mức giá đã được định giá.
“Mức đặt cọc phải đủ để người tham gia đấu giá cân nhắc về số tiền sẽ mất nếu bỏ cọc”, ông Hải nói và cho rằng mức đặt cọc cũng không nên tạo ra rào cản nhằm hạn chế sự tham gia của các tổ chức, cá nhân.
Ông Hải cũng đề xuất để hạn chế việc bỏ cọc cần có quy định về thẩm định năng lực của các cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá, đặc biệt là trước khi đấu giá các tài sản có giá trị lớn.
Với từng loại tài sản nên quy định về bước giá tối thiểu và tối đa cho mỗi lần trả giá, để hạn chế những người tham gia trả giá vượt quá năng lực tài chính của mình, trả giá không với mục đích mua được tài sản mà vì mục đích khác.
Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng không nên nâng thêm mức đặt cọc quá cao, bởi sẽ tạo rào cản kỹ thuật cũng như không thu hút được các cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá.
“Quan trọng là phải xác định được mức giá sát với giá thị trường, nhu cầu của cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá nhằm giúp thu được lợi ích lớn nhất về ngân sách nhà nước…”, ông Cường nói.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, nếu quy định mức đặt cọc cao quá sẽ khó thu hút nhiều người tham gia.
Nhưng nếu quy định thấp sẽ xảy ra nhiều trường hợp như vừa qua là người tham gia trả giá cao bất thường rồi bỏ cọc, có dấu hiệu thao túng, qua đó không đạt được mục tiêu đấu giá.
Việc nâng tỉ lệ đặt cọc lên 10% hay cao hơn nữa, cơ quan soạn thảo luật cần có số liệu thống kê, đánh giá.
Luật Đấu giá tài sản là chính sách tác động đến số đông nên cần có tính toán về tác động của từng mức tiền đặt trước.
Tiền đặt trước phải phù hợp, đảm bảo nguyên tắc của đấu giá là khách quan, công bằng, đảm bảo quyền lợi cho Nhà nước nhưng cũng cần để tài sản đến đúng bên có nhu cầu sử dụng thật. Do đó cần tăng chế tài xử phạt với người tham gia đấu giá bất thường rồi bỏ cọc, làm không đạt được mục tiêu của cuộc đấu giá.
Luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty luật ANVI bày tỏ quan điểm: “Không cần tăng mức đặt cọc”.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, mức đặt cọc đấu giá tài sản hiện nay là hợp lý, không cần tăng thêm nữa. Còn mức đặt cọc tối thiểu bao nhiêu nên giao cho địa phương tự quyết định đối với từng tài sản cụ thể nhưng không vượt giới hạn 5 – 20% theo quy định.
Ngay cả mức đặt cọc tối thiểu 5%, với những tài sản có giá trị lớn như đất đai hay nhà cửa, số tiền đặt cọc thực tế rất lớn.
Nếu nhà trúng đấu giá bỏ cọc, chúng ta có thể đấu giá lại với giá bằng, cao hơn hoặc thấp hơn. Điều quan trọng là đấu giá thật, Nhà nước thu được giá trị tài sản cao nhất. Muốn vậy phải có nhiều người tham gia, cạnh tranh giá.