PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngày 12/4 cho biết, cách đây 10 ngày, bệnh viện tiếp nhận bà N.T.B., 47 tuổi, trú huyện Chương Mỹ, Hà Nội trong tình trạng biến chứng sau tiêm filler làm đẹp.

Bà B. kể lại, khoảng 10h sáng 2/4 đến một spa của người quen để tiêm filler nâng mũi. Sau tiêm 10-15 phút, bà bị nóng đầu, chóng mặt, co giật, mắt trái mất dần thị lực.

Nhân viên spa dừng nắn mũi, truyền thuốc giải và chuyển người bệnh đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau 4 tiếng. Các bác sĩ nhận định đây là ca cấp cứu nghiêm trọng, vì bệnh nhân đã mất thị lực toàn bộ mắt trái và xung huyết, có dấu hiệu đau đầu và co giật.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho hay, co giật là phản ứng gây co mạch để bảo vệ cơ thể. Rất may, bệnh nhân không bị liệt và não không bị tổn thương nặng.

"Mắt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây liệt toàn bộ và sụp mí, có hiện tượng tím đen dọc vùng trán và mũi", bác sĩ Hà nói.

a-1649814630.jpg
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
b-1649814641.jpg
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà đánh giá phim chụp não và mắt của bệnh nhân

Để cấp cứu tối khẩn cấp, bệnh viện đã huy động đội ngũ bác sĩ tạo hình, bác sĩ chuyên chống đột quỵ, bác sĩ thông tắc mạnh, mời bác sĩ từ Bệnh viện Mắt Trung ương sang hỗ trợ điều trị, chuẩn bị phương tiện hồi sức cấp cứu để thông mạch sớm nhất.

Sau khi làm các xét nghiệm rà soát tổng thể, người bệnh được xác định liệt toàn bộ vùng mắt trái, mất hoàn toàn thị lực. Bác sĩ đã tiêm ngay thuốc giải vào vùng hậu nhãn cầu, song song cho bệnh nhân thở oxy dòng cao, tiêm thuốc giảm áp suất trong não và mắt, truyền các chất giảm áp vào mắt.

Sau khi loại trừ được các rối loạn đông máu, tổn thương não, bệnh nhân được can thiệp mạch để tiêm chính xác thuốc giải vào động mạch tắc, dùng thuốc chống huyết khối xen kẽ, tránh tái tắc mạch, đồng thời dò liều rất tỉ mỉ.

Sau cấp cứu, bệnh nhân được chuyển về khoa lâm sàng, thở oxy dòng cao kết hợp kháng sinh liều cao, tiếp tục theo dõi và điều trị chống phù nề não, tắc mạch.

Đến ngày 12/4, bệnh nhân tỉnh táo, giao tiếp được, thi thoảng đau đầu. Da vùng trán từ tím và thâm đen bắt đầu chuyển trắng, chỉ còn các chấm vùng nhỏ. Mắt giảm phù nề, dấu hiệu hoại tử đã dừng lại, không lan rộng.

"Mắt trái đã bắt đầu cảm nhận được ánh sáng. Đây là một trong những ca bệnh hiếm hoi được điều trị kịp thời", bác sĩ Hà thông tin.

c-1649814685.jpg
Bác sĩ Hà khám thị lực cho bệnh nhân sáng 12/4
d-1-1649814756.jpg
Sau 10 ngày, mắt trái của bệnh nhân đã bắt đầu cảm nhận được ánh sáng

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo, người dân nên tiêm filler (chất làm đầy) tại các bệnh viện, cơ sở thẩm mỹ uy tín, được cấp phép, với đội ngũ y bác sĩ được đào tạo, có kinh nghiệm.

Người không được đào tạo thường cố gắng "tống" cả một xilanh filler vào thật nhanh. Do không học giải phẫu, họ dễ tiêm luôn chất này vào lòng động mạch ở mũi. Do bị tiêm nhanh và mạnh quá mức, chất filler theo mạch máu thông từ mũi trào ngược vào trong sọ, rồi bị đẩy lên động mạch mắt và làm tắc động mạch mắt.

Nếu không được can thiệp thông tắc mạch nhanh chóng và đúng cách, bệnh nhân bị mù vĩnh viễn, thậm chí liệt nửa người, không còn tỉnh táo. Các biện pháp can thiệp trước đây chỉ là tiêm thuốc giải vào vùng da hoặc tổ chức ngoại vi xung quanh ổ mắt, kết quả rất hạn chế.

Theo bác sĩ Hà, thời gian này, bệnh viện thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân tai biến do tiêm filler, nhiễm trùng sau mổ hoặc chảy máu phẫu thuật nâng ngực, nâng mông. Nhiều cơ sở "tiêm lậu" có xu hướng "nở rộ". Bệnh nhân già hóa (độ tuổi 45 - 50) tin lời quảng cáo và tìm đến các spa, tiệm cắt tóc để "tiêm dạo".

Bác sĩ Hà cũng khuyến cáo trong trường hợp không may xảy ra tai biến khi làm đẹp, cần cố gắng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên khoa phối hợp để được cấp cứu đa chuyên khoa trong thời gian sớm nhất có thể./.