Theo dữ liệu ung thư toàn cầu mới nhất năm 2020, ung thư vú đã vượt qua ung thư phổi, trở thành bệnh ung thư với nhiều ca mới nhất, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe của phụ nữ.

Cô Vương Lệ, 28 tuổi ở Trung Quốc, là nhân viên của một công ty công nghệ. Vì khối lượng công việc lớn, cô thường làm thêm giờ đến khoảng 22 giờ và hầu hết các bữa ăn hàng ngày của cô đều được đặt trên mạng.

Sau khi trở về nhà, vì mệt mỏi, cô Vương Lệ thích thư giãn bằng cách đặt một số loại nước ngọt để uống và lướt mạng đến khuya. Cứ nằm như vậy, cô Vương Lệ phải thức đến 1 - 2 giờ sáng, mệt quá mới đi ngủ.

co-gai-tre-ung-thu-vu-vi-thoi-quen-xau-nay-1666767672.png
Ảnh minh hoạ. 

Hai tháng trước, cô Vương Lệ sờ thấy một khối u ở ngực trái khi đang tắm nên ra hiệu thuốc mua một số loại thuốc chống viêm về uống, kết quả là cục u không những không biến mất mà còn tiếp tục phát triển, rất đau khi chạm vào.

Cuối cùng, đau đớn không thể chịu nổi, Vương Lệ đến Trung tâm Ung thư vú của Bệnh viện Ung thư trực thuộc Đại học Trùng Khánh để thăm khám và được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn đầu. Dưới sự tư vấn của bác sĩ, Vương Lệ đã trải qua cuộc phẫu thuật triệt để bảo tồn vú và hiện đang dùng biện pháp xạ trị và hóa trị.

Qua câu chuyện của Vương Lệ, bác sĩ Tăng Hiểu Hoa - Giám đốc Trung tâm Ung thư vú của Bệnh viện Ung thư trực thuộc Đại học Trùng Khánh nhấn mạnh, chế độ ăn uống không đều đặn, thức khuya, lười vận động và các thói quen sinh hoạt xấu khác là những yếu tố có nguy cơ cao dẫn đến ung thư vú.

Phải hiểu rằng, sự xuất hiện của bệnh ung thư vú là hậu quả của sự tác động toàn diện và đa yếu tố, chưa tìm ra yếu tố ảnh hưởng đơn lẻ nào nhưng thói quen sinh hoạt kém có thể dẫn đến rối loạn nội tiết ở phụ nữ, giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ ung thư vú.

Ung thư vú là khối u ác tính xuất hiện ở biểu mô tuyến của vú, chiếm tỷ lệ 99% ở nữ giới và 1% ở nam giới. Tế bào ung thư vú có thể lây lan và di căn khắp cơ thể thông qua bạch huyết hoặc máu, phổ biến nhất là di căn đến các cơ quan quan trọng như xương, phổi, gan và não.

So với các khối u ác tính phổ biến như ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày và ung thư thực quản, bệnh nhân ung thư vú có thời gian sống dự kiến lâu hơn và tỷ lệ chữa khỏi cao hơn.

Đối với những người được chẩn đoán sớm và được điều trị thường xuyên, tỷ lệ sống sót sau 5 năm có thể lên tới hơn 95%. Nhưng đối với những bệnh nhân ung thư vú đã di căn xa ở thời điểm điều trị ban đầu thì thời gian sống thêm trung bình chỉ là 2 năm. Do đó, điều trị càng sớm thì tiên lượng càng tốt./.