"Lều" tư vấn nhà đất mọc như nấm

Thời gian qua, giá đất "sốt" ảo, nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng trên có nguyên nhân không nhỏ từ môi giới, "cò" đất.

Với nhiều hình thức hưởng hoa hồng khác nhau như: Hưởng phần trăm hoa hồng trên giá bán, hưởng lãi chênh tự do nếu bán được giá cao hơn giá chủ nhà bán ra... chính vì thế, những "cò" đất này đã sử dụng nhiều chiêu trò khác nhau để "tâng giá", kiếm lời dẫn đến giá đất tăng thiếu cơ sở.

img-bgt-2021-dat-binh-phuoc-1650021684-width1280height720-1650110217.jpg
"Lều" tư vấn bất động sản "mọc" như nấm ở nhiều địa phương

Theo ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ước tính hiện nay có khoảng 300.000 người tham gia hành nghề môi giới địa ốc, thực tế có thể nhiều hơn do hàng năm cả nước có trên 100.000 giao dịch diễn ra.

Theo ông Lâm, nghề môi giới đòi hỏi nghiệp vụ cao. Tuy nhiên, ông Lâm thừa nhận, thị trường còn những đơn vị môi giới quy mô nhỏ chưa đảm bảo chuyên môn, chỉ có chiến lược ngắn hạn và chỉ nhìn cái lợi trước mắt.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng cho biết, trên cả nước đã có khoảng 1.600 sàn giao dịch BĐS được thành lập và đa phần các sàn giao dịch bất động sản có quy mô nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao, năng lực tài chính thấp, điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân sự còn yếu, chưa chú trọng xây dựng tiêu chuẩn, quy trình quản lý và cung cấp dịch vụ chất lượng.

Hầu hết các sàn bất động sản (BĐS) chỉ làm chức năng quảng cáo cho các chủ đầu tư và làm môi giới BĐS, chứ chưa thực hiện hết chức năng của mình như: Báo cáo thông tin về tình hình hình giao dịch BĐS, kiểm tra tính pháp lý của các sản phẩm BĐS trước khi đưa vào giao dịch…

“Đội ngũ môi giới BĐS hoạt động thiếu chuyên nghiệp, kiến thức pháp luật căn bản trong lĩnh vực này còn thấp, nặng tính “chụp giật”, kiếm lời, chưa tôn trọng khách hàng, gây thiệt hại cho khách hàng dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Mặt khác, do một số quy định pháp luật về quản lý hoạt động môi giới hiện nay còn khá lỏng lẻo dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân môi giới có cơ hội “lách luật” trốn thuế”, Bộ Xây dựng cho biết.

Cần gắn với trách nhiệm địa phương

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc khối Kinh doanh tiếp thị Công ty cổ phần đầu tư Nam Long nhận định, môi giới bất động sản phục vụ một cộng đồng lớn, nhưng các chuẩn mực, chế tài chưa tương xứng.

Một công ty môi giới bất động sản nhỏ lẻ được lập ra trong 7 ngày, lực lượng nhân sự chỉ một vài người, lại có thể làm tất cả các nghiệp vụ liên quan. Từ thực tế lỏng lẻo này, ông Quang kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước nên nhanh chóng ban hành các quy chuẩn, điều kiện yêu cầu đối với những cá nhân và công ty môi giới bất động sản.

Trước đó, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng đồng tình các đề xuất cần đặt ra quy chuẩn cho nghề môi giới địa ốc để chấn chỉnh thị trường.

Theo ông Khởi, tình trạng lực lượng môi giới tiếp tay thao túng giá đất thời gian qua khiến nhà làm luật cần đánh giá lại việc học, cấp chứng chỉ hành nghề, tăng cường quản lý và số hóa nghề môi giới bất động sản cho phù hợp với giai đoạn mới.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hoà cho hay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16, quy định xử phạt hành chính về xây dựng. Nghị định này bổ sung hàng loạt hành vi vi phạm của môi giới bất động sản sẽ bị xử phạt hành chính.

Nhưng trên thực tế hiện nay, những người tham gia môi giới cũng không giới hạn về đối tượng, ngành nghề hay quy chuẩn. Chính vì vậy, ngoài những môi giới làm việc trong các doanh nghiệp tư vấn, kinh doanh bất động sản thì có không nhỏ bộ phận người dân làm nghề tự do "nhảy" vào dẫn khách kiếm lời, vô tình tạo sự xáo trộn thị trường với những thông tin thất thiệt, phần lớn có lợi cho bên bán và môi giới.

Do đó, Luật sư Tùng cho rằng, để nghị định đi vào thực tiễn cần phải có sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là uỷ ban nhân dân cấp xã. Cần phải gắn việc quản lý môi giới, "cò" đất thổi giá với trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Địa phương cần tăng cường kiểm soát đối tượng môi giới, đảm bảo có đủ năng lực, điều kiện, kỹ năng, thẻ hành nghề... theo quy định. Kịp thời xử lý những cá nhân phao tin đồn, tin thất thiệt, không đúng sự thật nhằm thổi giá đất. Đồng thời cơ quan chức năng nhà nước cũng cần số hoá, xây dựng hệ thống quản lý môi giới 4.0, truy xuất vi phạm trong hoạt động nghề môi giới, xử phạt, thu rút thẻ nếu cần thiết. Làm được như vậy chắc chắn thị trường sẽ dần đi vào ổn định./.