Sáng mãi “lửa" nghề
Đến Trạm Y tế xã Châu Thuận, ấn tượng đầu tiên là cơ sở vật chất nơi đây tuy đơn sơ nhưng hết sức gọn gàng và xanh, sạch, đẹp. Bản thân nữ trạm Trưởng - bác sĩ Lê Thị Quỳnh Giang thì tỏ phong thái hết sức nghiêm cẩn nhưng thật ân cần, nhiệt tình trong vthăm khám và điều trị, tư vấn sức khoẻ cho người dân.
Chia sẻ về công việc của cán bộ y tế cơ sở, của một trưởng trạm y tế xã , bác sĩ Lê Thị Quỳnh Giang cho hay: “Thực tế hiện nay, công việc của cán bộ trạm y tế xã là rất lớn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, mỗi cán bộ y tế phải không ngừng cố gắng, nỗ lực trong công tác cũng như học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Ngoài kiến thức chuyên môn, bản thân mỗi cán bộ phải có lòng yêu nghề, có yêu nghề mới yêu người dân và coi người bệnh như người thân của mình mà chăm sóc điều trị. Yêu cầu riêng với một người trạm trưởng trạm y tế thì phải xác định rõ nhiệm vụ để chủ động lên kế hoạch thực hiện; có sự phân công, sắp xếp nhân lực khoa học, hài hòa. Bản thân tôi luôn ý thức phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong mọi công việc để mọi người noi theo”.
4 năm “dự bị” và 21 năm trong nghề y, bác sĩ Giang đã sống và làm việc theo đúng tinh thần đó. Tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2008, Lê Thị Quỳnh Giang không nghe định hướng của bố mẹ theo nghề sư phạm mà thi vào Trường Trung cấp Y tế Nghệ An, theo học chuyên ngành y sĩ Sản khoa. Ngày ấy, do nhà ở gần phòng khám đa khoa khu vực Châu Tiến - Trạm Y tế xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu) và được tiếp xúc với nhiều cán bộ y tế ở đây, được thấy, được nghe về những câu chuyện cán bộ y tế cứu người bệnh hết sức ý nghĩa, thế nên Quỳnh Giang đã mến mộ ngành y từ lúc nào không hay.
Năm 2001, chị Lê Thị Quỳnh Giang tốt nghiệp Trung cấp Y tế Nghệ An, trở về quê nhưng không xin được việc. Lúc bấy giờ, ngành Y tế huyện Quỳ Châu nói riêng và Nghệ An nói chung không có chủ trương tuyển dụng. Vừa sợ quên nghề, lại muốn trau nghề để chờ cơ hội việc làm, chị Giang đã xin vào học việc, làm nhiệm vụ của một y sĩ nhưng không nhận lương, phụ cấp ở Phòng khám đa khoa khu vực Châu Tiến trong suốt 4 năm trời. Mãi đến tháng 12/2005, chị mới được thoả nguyện chính thức trở thành cán bộ y tế, khi ngành Y tế huyện Quỳ Châu có chủ trương tuyển dụng. Sau khi trúng tuyển, y sĩ Lê Thị Quỳnh Giang chính thức được phân công về Trạm Y tế xã Châu Tiến, phụ trách mảng chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho người dân và làm các công tác y tế dự phòng khác.
Không “an phận”, trong thâm tâm nữ y sĩ này vẫn luôn khao khát được học cao hơn, biết nhiều kiến thức hơn để làm tốt nhiệm vụ. Năm 2007, được sự ủng hộ của Trung tâm Y tế huyện và gia đình, y sĩ Lê Thị Quỳnh Giang thi vào Trường Đại học Y Thái Bình, học lên bác sĩ đa khoa. 4 năm trời, chị đã vượt qua nhiều khó khăn vất vả, nỗi nhớ nhà, nhớ thương con cũng như cố gắng sắp xếp công việc để học tập tốt…
Tháng 6/2011, tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Bình, bác sĩ Lê Thị Quỳnh Giang tiếp tục về công tác tại Trạm Y tế xã Châu Tiến. Đến tháng 1/2013, nữ bác sĩ chuyển về Trạm Y tế xã Châu Bình làm công tác điều trị và được bổ nhiệm chức vụ phó trạm. Đến tháng 1/2018, bác sĩ Giang chuyển công tác về Trạm Y tế xã Châu Phong (cách nhà 40 km), giữ cương vị trạm trưởng. Từ tháng 5/2019 đến nay, bác sĩ Giang là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Châu Thuận.
Ở bất kỳ vị trí nào, y sĩ - bác sĩ Lê Thị Quỳnh Giang đều giữ được “ngọn lửa nghề”, không ngừng nỗ lực học tập, hết mình với công việc. Chính nhờ vậy, bản thân chị đã vượt qua nhiều khó khăn, vất vả và nhận được sự tín nhiệm của cơ quan, tổ chức, cán bộ nơi công tác và nhân dân ở địa phương.
Chị Phạm Thị Ngọc - cử nhân điều dưỡng Trạm Y tế xã Châu Thuận cho hay: “Chính chị Giang là niềm cảm hứng cho bản thân tôi không ngừng nỗ lực, vươn lên. Chị đã động viên tôi học lên đại học để hoàn thiện mình, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ công tác”.
Theo bác sĩ Đặng Tân Minh – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu: “Nhiều năm qua, với cương vị là trạm trưởng trạm y tế, bác sĩ Lê Thị Quỳnh Giang luôn sâu sát và tâm huyết với công tác y tế cơ sở, lãnh đạo trạm y tế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, từ phòng chống dịch bệnh cho đến khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân”…
Đau đáu nỗi niềm, trăn trở
Theo bác sĩ Lê Thị Quỳnh Giang, y tế cơ sở là đơn vị y tế phát hiện bệnh sớm nhất và giải quyết hầu hết những chứng bệnh đơn giản (gần 80% bệnh tật). Nếu các đơn vị y tế cơ sở phát triển và cung cấp được các dịch vụ có chất lượng cho nhân dân thì tiết kiệm rất lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe; tránh tình trạng quá tải cho tuyến trên…
Tuy nhiên, ở thời điểm này, hoạt động ở các trạm y tế còn nhiều khó khăn. Đơn cử là khó khăn về nhân lực, với Trạm Y tế xã Châu Thuận, theo quy định là có 6 cán bộ công tác, tuy nhiên thực tế chỉ có 4 người làm việc. Ở nhiều trạm y tế khu vực miền núi, cơ sở vật chất nhà trạm xuống cấp; thiếu trang thiết bị y tế cần thiết, gây khó khăn cho công tác khám và điều trị, rất cần sự quan tâm đầu tư của ngành Y tế và các địa phương.
Tương tự là câu chuyện nhiều hệ thống phát thanh nội xã, nội bản cũng bị hư hỏng nhiều, ảnh hưởng lớn đến công tác tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ. Công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ cho người dân ở khu vực miền núi cũng rất vất vả, nhiều trở ngại. Người dân ở các bản làng vùng sâu, vùng xa có trình độ không đồng đều; việc tiếp nhận, trao đổi thông tin hai chiều hạn chế, đặc biệt là những người cao tuổi, không thạo tiếng Việt. Trong khi đó, những người trẻ tuổi hơn (từ 18-45 tuổi) thường đi làm ăn xa và nếu có ở nhà thì thiếu sự quan tâm, nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khoẻ. Vậy nên, để làm tốt công tác này, bản thân cán bộ y tế phải nói được tiếng địa phương; đi sâu, đi sát vào thôn bản; tận dụng tất cả các hình thức, phương tiện truyền thông, cũng như có sự phối hợp sâu sát với các ban, ngành, thôn bản để thực hiện lồng ghép nhiệm vụ.
Ngần ấy năm trong nghề, bác sĩ Giang ngổn ngang bao chuyện buồn, lo. Như chuyện một thai phụ đến khám ở Trạm Y tế xã Châu Bính vào năm 2018 mà không biết mình mang căn bệnh tan máu bẩm sinh. Dẫu bác sĩ đã khám, tư vấn cho sản phụ nên xuống bệnh viện để đảm bảo an toàn trong quá trình sinh sản, nhưng thai phụ này không ý thức được về căn bệnh nguy hiểm này, cũng có thể do điều kiện kinh tế hạn chế, thai phụ đã quyết định tự sinh ở nhà. Mãi cho đến khi trở dạ khó khăn, sản phụ mới được đưa đến trạm y tế trong tình trạng nguy kịch. Cán bộ trạm đã đưa sản phụ xuống Trung tâm Y tế, rồi xuống bệnh viện tuyến tỉnh để cấp cứu. Các bác sĩ đã cố hết sức nhưng chỉ giữ được người mẹ…
Bác sĩ Giang chia sẻ: Khu vực miền núi còn rất nhiều khó khăn. Nhiệm vụ của cán bộ y tế nơi đây là nâng cao toàn diện chất lượng y tế. Để làm được điều này, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, bản thân mỗi cán bộ y tế cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ. Học không những về y thuật mà còn phải là y đức, tinh thần phục vụ. Chúng ta cần nhớ rằng tinh thần người bệnh chiếm tới 70% hiệu quả điều trị. Có tri thức, có sự tỉ mỉ, có tinh thần hết lòng với người bệnh thì mới động viên được họ vững vàng chiến đấu với bệnh tật; cũng như nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khoẻ cho người dân, từ đó hướng dẫn họ thực hành lối sống khoa học, phòng chống dịch bệnh./.
Theo Thành Chung - Đình Tuyên - Báo Nghệ An