66-1706664891.jpg
Không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, khi nhận tin báo các chiến sỹ cứu hộ trên sông sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Những giọt nước mắt lăn…

Từ khi được đưa vào hoạt động, cầu Bến Thủy và Bến Thủy 2 bắc qua sông Lam, nối hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh đã tạo động lực để liên kết khu vực Bắc Trung Bộ. Nhưng thời gian qua, hai chiếc cầu này cũng trở thành “điểm hẹn” khi nhiều người chọn đây là nơi kết thúc sinh mạng. Điều đáng buồn, theo thống kê của cơ quan chức năng, đa phần là người trẻ chọn cách quyên sinh tiêu cực.

Đại úy Lê Quốc Phúc - Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) trên sông, Phòng PCCC&CNCH Công an tỉnh Nghệ An thống kê, chỉ tính từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thực hiện gần 20 vụ cứu hộ, cứu nạn trên sông. Trong số những vụ nhảy cầu ấy, có 2 trường hợp được cứu sống mà theo Đại úy Phúc có thể do yếu tố cơ địa và may mắn không bị thương, cơ thể trôi nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, nếu không được hỗ trợ kịp thời, nạn nhân dễ bị mất sức và chìm dần.

Người phụ nữ gần 50 tuổi (quê Hà Tĩnh) là trường hợp hiếm hoi trôi nổi trên sông Lam gần 1 tiếng đồng hồ sau khi nhảy xuống từ cầu Bến Thủy. Khi lực lượng cứu hộ tìm thấy thì chị này đã kiệt sức. Dù vậy, người phụ nữ này liên tục thều thào “để chị chết”. Thậm chí, dù đã đưa lên bờ an toàn nhưng người này không cung cấp thông tin cá nhân, cũng không chia sẻ gì về bản thân. Cán bộ cứu hộ phải làm công tác tâm lý, động viên chị mới đồng ý cung cấp số điện thoại người thân.

8-1706664924.PNG
Đại úy Lê Quốc Phúc - Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông chia sẻ về chuyện nghề.

Một trường hợp khác khiến đội cứu hộ ám ảnh là hình ảnh người mẹ già đau đớn khi nghe tin con mình làm việc dại dột tại cầu Bến Thủy 2. Nỗi đau quá lớn khiến người mẹ ấy bấu chặt vào thành cầu, đôi mắt đờ đẫn, nhìn trân trân xuống dòng nước đang chảy xiết. Cùng với sự cố gắng tìm kiếm nhanh nhất có thể của đồng đội dưới sông, thì ở trên bờ một đồng chí khác không ngừng động viên tinh thần và an ủi bà. Chứng kiến những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt người mẹ khắc khổ, các chiến sỹ cứu nạn không khỏi ám ảnh…

Với mong muốn nhanh hết sức có thể nhằm cứu sống, mỗi khi nhận được tin, dù đêm hay ngày, trời nắng hay mưa… đội cứu hộ trên sông liền cấp tốc đến hiện trường. Đối với những trường hợp không qua khỏi, các cán bộ, chiến sỹ phải thực hiện công tác cứu hộ nhanh nhất để giảm bớt nỗi đau cho gia đình.

Không chỉ là nhiệm vụ

Tìm kiếm người bị nạn chỉ là một trong những nhiệm vụ của Đội PCCC&CNCH trên sông. Với nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ những sự vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra trên sông nước, phạm vi hoạt động của đơn vị trải rộng khi tham gia chi viện, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo Đại úy Phúc, khi xảy ra các vụ tai nạn trên sông nước, do đặc thù của địa hình, mực nước, dòng chảy… thời gian tính bằng giây, bằng phút nên tỷ lệ thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân cao hơn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sỹ của đơn vị phải trải qua những tình huống khó lường, nhiều rủi ro như mưa, bão hay trong điều kiện đêm tối, nước chảy xiết, đá ngầm, mảnh kính, chai vỡ, vật cản... Bởi vậy, cường độ luyện tập của cán bộ, chiến sỹ trong đội rất cao, để bảo đảm các thao tác thuần thục, chuẩn xác và quan trọng nhất là trang bị những kỹ năng cần thiết bảo đảm an toàn tuyệt đối trong từng điều kiện cụ thể ở trên sông, trên biển.

Đại úy Đậu Khắc Hà vẫn nhớ như in vụ cứu hộ một trường hợp đuối nước xảy ra ở một cống nước thuộc xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Thông tin chuyển đến trung tâm chỉ huy cho hay, trong quá trình tắm ở đây, một nam sinh 17 tuổi bị cuốn vào cống. Khi nhận được nhiệm vụ, xác định khu vực xảy ra vụ việc là gần cửa xả đáy của cống ngăn mặn nên khả năng sống sót của nạn nhân là gần như không còn.

76-1706664957.PNG
Đại úy Đậu Khắc Hà chia sẻ về kỷ niệm khó quên khi làm nhiệm vụ cứu hộ trên sông.

Trong khi một tổ cứu hộ tìm kiếm khu vực hạ nguồn của cống xả thì một cán bộ được phân công lặn xuống, đi sâu vào lòng cống. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nạn nhân lại gặp rất nhiều khó khăn do lòng cống đen kịt không có ánh sáng, thành lởm chởm, cộng với thời tiết lạnh, áp suất lớn nên chỉ đi đến nửa cống nước, cán bộ phải đưa ra tín hiệu cho đồng đội kéo lên. Sau khi phân tích kỹ địa hình, phương án thứ 2 được đưa ra là hai cán bộ cùng xuống một lúc để hỗ trợ nhau. Vượt qua những khó khăn và nỗi sợ, các chiến sỹ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ càng sớm càng tốt để giúp gia đình nạn nhân vơi bớt nỗi đau.

Là thành viên trẻ nhất đội, chiến sỹ nghĩa vụ Hoàng Ngọc Hiếu (quê Đô Lương, Nghệ An) mới về đội hơn 5 tháng nhưng đã trực tiếp tham gia 13 vụ cứu nạn, cứu hộ trên sông. Hiếu vẫn nhớ như in lần cứu hộ đầu tiên bản thân bị ám ảnh đến mức không ăn được cơm, ngủ toàn gặp ác mộng. Ám ảnh của Hiếu là điều mà hầu như các thành viên trong đội đều từng trải qua bởi nhiều trường hợp nạn nhân phải 3, 4 ngày, thậm chí là lâu hơn mới được tìm thấy. Có những lần cứu hộ, cứu nạn trở về, họ mất nhiều thời gian tắm rửa, giặt giũ để “gột” hết mùi. Thậm chí có người, sau mỗi lần trục vớt người đuối nước phải ở lại đơn vị, ngày hôm sau mới trở về nhà.

Còn với Đại úy Lê Quốc Phúc, do đặc thù công việc nên việc các cán bộ, chiến sỹ phải “thông” cả mấy Tết để tìm kiếm người gặp nạn trên sông, hay những ngày đông môi thâm tím vì giá rét là điều khó tránh khỏi. Với họ, đó không chỉ là nhiệm vụ của người lính cứu hộ mà thông qua việc tìm kiếm các nạn nhân, họ muốn chia sẻ với gia đình người bị nạn, giúp họ vơi bớt nỗi đau.

Mùa mưa bão đã cận kề, cán bộ, chiến sỹ Đội PCCC&CNCH trên sông lại tất bật chuẩn bị cho “mùa cao điểm” cứu hộ, cứu nạn. Với họ, không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ đặc thù của người lính mà trên hết là việc nghĩa, việc tình với người đã khuất và người ở lại.