1-1653898662.jpg

HOÀNG ĐỨC HÃY XUẤT NGOẠI!

"Ở tuổi 24, Hoàng Đức nên học theo Quang Hải. Cậu ấy hãy sang thử sức ở châu Âu. Một lựa chọn đúng đắn sẽ giúp sự nghiệp của Hoàng Đức thăng tiến", chuyên gia Jernej Kamensek nhận định với chúng tôi.

Nhà môi giới bóng đá có hơn 10 năm làm việc tại V.League đưa ra ví dụ: "Giải vô địch quốc gia Slovenia có thể là một lựa chọn để cân nhắc. Nếu thể hiện được ở đó, Hoàng Đức sẽ có cơ hội lớn để thăng tiến sự nghiệp.

Tôi lấy ví dụ trường hợp của Josip Ilicic. Tiền đạo này chơi cho Maribor (giải VĐQG Slovenia) trong 3 tháng rồi được Palermo (Serie A) mua lại với giá 2 triệu USD. Và phần còn lại là lịch sử.

Sau này, Josip Ilicic đã trở thành trụ cột của Atalanta (Serie A), trong khi trước đó cậu ấy thậm chí đã nghĩ đến việc từ bỏ bóng đá vì CLB của mình bị rớt xuống hạng 2 Slovenia. Câu chuyện của Josip Ilicic mang tới bài học thiết thực về việc lựa chọn đúng điểm đến cho mình".

2-1653898446.jpg
Hoàng Đức liệu có rời Viettel để xuất ngoại trong mùa hè này? (Ảnh: Như Đạt)

Những ngày qua, câu chuyện của Hoàng Đức nhận được nhiều sự chú ý khi HLV Park Hang-seo bày tỏ mong muốn cậu học trò cưng của mình có cơ hội xuất ngoại càng sớm càng tốt. Ông Park kỳ vọng ở tuổi 24, Hoàng Đức có thể rời V.League để tới những giải đấu tầm cỡ hơn tại Nhật Bản, Hàn Quốc để phát triển bản thân.

Trong khi đó, ông Jernej Kamensek cho rằng việc Hoàng Đức xuất ngoại còn mang đến thêm nhiều lợi ích khác cho bóng đá Việt Nam. Chuyên gia người Slovenia nói:

"Tôi nghĩ Hoàng Đức nên ra nước ngoài. Điều này không chỉ tốt cho mình cậu ấy đâu. Bóng đá Việt Nam nên hướng tới việc xuất khẩu cầu thủ nhiều hơn và ở độ tuổi trẻ hơn. Chúng ta có thể thấy Brazil và nhiều quốc gia đã biến việc này trở thành một ngành kinh doanh và thu về những khoản không nhỏ cho nền kinh tế.

Bóng đá Việt Nam cần đổi mới để phát triển. Và ta chỉ có thể đạt được điều đó bằng cách đưa các cầu thủ ra nước ngoài để học hỏi và tích lũy. Khi họ trở về, những kiến thức có được sẽ giúp ích rất nhiều.

Đó cũng là lý do V.League cần thay đổi để có thể thu hút được nhiều ngoại binh chất lượng hơn. Ngày trước Thanh Hóa FC từng có Nastja Ceh, Hà Nội FC có Cristiano, Hải Phòng FC có Leandro… Đó đều là những ngoại binh mà các cầu thủ nội yêu quý và thần tượng.

Nhưng thật buồn vì bây giờ những cầu thủ ở đẳng cấp như vậy không mặn mà với việc tới Việt Nam thi đấu nữa. Rõ ràng bóng đá Việt Nam còn rất nhiều điều phải làm để phát triển. Việc xuất ngoại của Hoàng Đức chỉ là một việc nhỏ trong số đó, tuy nhiên nó lại có ý nghĩa rất quan trọng".

3-1653898591.jpg

LÀM SAO ĐỂ CÓ THÊM NHIỀU HOÀNG ĐỨC, QUANG HẢI NỮA?

Tiếp tục cuộc trò chuyện với chúng tôi, chuyên gia Jernej Kamensek đưa ra một góc nhìn khác về lợi ích thu được nếu những ngôi sao như Hoàng Đức được xuất ngoại:

"Việc xuất ngoại dĩ nhiên là một chặng đường dài. Tôi nghĩ người hâm mộ bóng đá Việt Nam nên thực tế hơn, thay vì quá mơ mộng. Hoàng Đức là một cầu thủ giỏi, nhưng sẽ không dễ để cạnh tranh khi ra nước ngoài.

Tuy nhiên không có việc gì đi một bước là thành công ngay cả. Chúng ta cần kiên nhẫn và có người mở đường. Miễn là các đội bóng quan tâm đến Hoàng Đức vì lý do chuyên môn, thì dù đó là châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc thì cũng đều tốt cho cậu ấy cả.

Còn với V.League, tôi nghĩ quy định về việc thi đấu cho CLB đến năm 25 tuổi nên được xem xét lại. Việc xuất ngoại cầu thủ nên được tiến hành ở độ tuổi sớm hơn. Như thế thì mới có cơ hội phát triển được, bởi sẽ chẳng có đội bóng nước ngoài nào mặn mà với việc chiêu mộ một cầu thủ Việt Nam đã lớn tuổi cả. Việc này giống như một chiếc xe ô tô cũ đã chạy được hơn 10 năm, nhìn thì vẫn tốt nhưng không mấy ai mặn mà với nó nữa".

4-1653898620.jpg

Ông Kamensek nói thêm: "Ví dụ như CLB Viettel, với tiềm lực của mình, mỗi năm họ có thể trình làng từ 2 đến 5 cầu thủ mới. Những người này đủ sức để chơi cho đội U23 và ĐTQG, với điều kiện họ được ra sân thi đấu thường xuyên ở CLB.

Tuy nhiên thay vì mỗi năm sản xuất ra một cầu thủ như Hoàng Đức, đội bóng lại đang giữ Hoàng Đức ở lại, và như thế sẽ khó để cầu thủ trẻ có cơ hội để thể hiện. Hãy nhìn sang bóng đá Trung Quốc, họ cũng có nhiều ngôi sao nhưng chỉ quanh quẩn ở trong nước. Điều đó khiến bóng đá Trung Quốc ngày càng đi xuống, dù cho họ đã tiêu tốn hàng tỷ USD.

Cầu thủ không phải sản phẩm được tạo ra từ những nhà máy và cứ dập khuôn theo một lối mòn. Họ cần được dẫn dắt bởi những người có kinh nghiệm, giúp họ đi những bước đi đúng đắn trong sự nghiệp. Hãy cứ nhìn trường hợp của Đặng Văn Lâm, chúng ta sẽ thấy minh chứng rõ nhất cho vai trò của người đại diện trong sự phát triển của một cầu thủ"./.