Sau 3 năm chinh chiến và quan sát, cuối cùng chúng tôi cũng có thể tự tin ngồi đây trình bày với các bạn về các trường hợp… ngáo bóng, từ nặng đến nhẹ.
 
Nếu nhìn ở ngoài, T. là một cô gái có tất cả những điều mọi người khao khát. Xinh đẹp, hoạt bát, sành điệu, con của một gia đình khá giả, vừa đi du học ở Mỹ về ít lâu, đang trong thời gian ở nhà chờ tìm việc. Trên MXH và trong mắt những người mới gặp, cuộc sống của T. gần như hoàn hảo.
 
Tại sao lại là gần như? Bởi tất cả những người thân quen của T. đều biết, từ lâu nay T. có một vấn đề lớn không thể nào giải quyết được. Không thể, không muốn và cũng không có ý thức giải quyết. T. là một dân chơi nghiện bóng. 
 
Nghe thấy… sai sai nhỉ? Nghiện ma túy, nghiện đá, nghiện rượu, chứ trần đời chưa thấy ai nói nghiện bóng. Quả bóng hút vào phê pha được có chút ít, xong là tỉnh mà - người mới chơi bóng vẫn tin vào cái lý thuyết suông đấy. Nhưng phải đi vào từng trường hợp cụ thể, mà điển hình là cô T. đây, mới thấy cái cơn nghiện bóng là có thật, và thật một cách tàn khốc luôn chứ chẳng đùa. 
 
Mở mắt ra là thổi dăm quả, đi vệ sinh trên tay cũng 1 quả
 
Bạn bè thân vẫn thường kháo nhau chuyện từ hồi về nước, T. đóng họ cho mấy quán cafe thổi bóng hàng ngày như thế nào. Bắt đầu một ngày mới vào khoảng giữa trưa, check công việc nhẹ nhàng, đánh răng rửa mặt ăn sáng như bao bạn bè đồng trang lứa, rồi T. trang điểm nhẹ nhàng vận một bộ quần áo đơn giản năng động và phi thẳng đến… cafe hút bóng.
 
Thường thường, nàng sẽ ngồi cắm rễ ở hàng bóng đến khuya, hôm nào bận quá thì tối về, tối muộn lại quay lại. Ban đầu, T. còn gọi bạn bè ra ngồi cùng, người này về thì người kia tới. Lâu dần, bạn bè kháo nhau, ai cũng dần mệt với những buổi thổi bóng liên miên không biết thời gian của cô nàng, vậy là cũng vãn dần. Nhưng mà cũng chẳng sao, bạn bè không tới thì… thổi một mình vậy. T. vẫn kiên cường, bất khuất ngồi ở hàng bóng với cái thời gian biểu trăm ngày như một ấy của mình. Nhân viên quen như người nhà. 
 
Cho đến một ngày, bạn bè bắt đầu nhận ra những biểu hiện "hâm hâm" của T. Một tối nọ, T. rủ được 2-3 người bạn lên hút bóng với mình. Ngồi một lúc, T. bắt đầu… ngáo ngơ, nói chuyện nọ xọ chuyện kia. Trong ánh đèn mờ ảo và tiếng nhạc chát chúa của quán, T. nhìn chòng chọc vào một người bạn, mặt đến là hoang mang hoảng sợ, đưa quả bóng lên miệng hít một hơi thật sâu, nói đoạn T. thì thầm: “Này, khu nhà anh ở đất dữ lắm đúng không? Em thấy em bé đi cùng anh bảo vậy…”.


Ảnh minh họa
 
Thế nhưng vẫn chưa hết, sau một tràng nói chuyện đầy hoang mang với bạn bè. T. đứng bật dậy gọi thêm bóng để thổi. Quán lúc này cũng muộn quá rồi, nhân viên nhẹ nhàng ra mời chị đứng dậy quán em đóng cửa. Nhưng không, cô nàng nhất quyết không rời vị trí, hai tay hai quả bóng, mắt vẫn nhìn nhân viên van lơn lấy chị thêm một quả đi mà. Trước cái nhìn ngán ngẩm của bạn bè, T. vẫn không cảm thấy mình đang cư xử kỳ quặc. Nàng tiểu thư bình thường nhìn sang chảnh xinh đẹp là thế, bây giờ lại khúm núm nhỏ bé đến lạ kỳ chỉ để xin thêm một lượt bóng. 
 
Bạn bè biết chuyện, người thì chép miệng lắc đầu vì một biểu tượng sắc đẹp và tính hay một thời giờ đã… bị hâm, người thì đặt câu hỏi: Tại sao không gọi bình về thổi cho đỡ tốn tiền nhỉ? Thôi thì đây cũng là câu trả lời: Nàng cũng đã từng có thời trường kỳ gọi bóng về nhà. Mở mắt ra là thổi dăm quả, đi vệ sinh trên tay cũng 1 quả (ngày xưa ta ôm truyện tranh vào nhà vệ sinh thế nào thì T. ôm chặt quả bóng như thế), cả ngày chỉ gọi điện cho shipper giao bóng đến rồi lại lấy bình đi. Cứ thế suốt một thời gian dài cho đến lúc bố mẹ cô nàng mới tá hỏa khi một ngày nọ đến thăm và phát hiện ra căn nhà mua cho con gái rượu ở riêng ngập trong xác bóng. Và thế là một lệnh tịch thu nhà riêng được đưa ra, T. phải về nhà ở với bố mẹ. Nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng. Quan trọng nhất là chị đây có tiền, có thời gian, và có rất nhiều hàng cafe bán bóng ngoài kia để khám phá. 
 
Từ tê tay chân đến hoang tưởng, trầm cảm...
 
Lại nói về tác hại của bóng, nhất định không thể không nhắc đến cái hội bị tê tay, tê chân, co rút chân tay vì thổi bóng nhiều quá mất luôn cả cảm giác. 
 
Dân thổi bóng nhiều, cứ đến một giai đoạn sẽ bàng hoàng nhận ra tay mình bắt đầu… tê, chân mình bắt đầu mất cảm giác. Ban đầu, cảm giác tê chỉ xuất hiện ở đầu ngón tay, sau dần nó lan rộng, lên cổ tay, rồi cẳng tay, rồi tương tự từ bàn chân lên đến đầu gối, có người bị cơn tê lan lên đến bẹn. Đi lại khó khăn, nặng hơn thì mất cảm giác.
 

 
Ảnh minh họa
 
Thế là các dân chơi cuống cuồng tìm đến bác sĩ. Có người, vì hít nhiều cái khí bóng lạnh buốt thì bị rối loạn cảm giác, rối loạn nóng lạnh, các bàn tay đau rát. Bác sĩ gọi đây là bệnh viêm rễ dây thần kinh. Khí bóng cười tác động thẳng đến dây thần kinh, thế nên khi xuất hiện triệu chứng nhẹ, hệ thống dây thần kinh toàn bộ cơ thể sẽ ảnh hưởng theo nếu không có sự điều trị và kiêng cữ kịp thời. Người ta có thể châm cứu hoặc uống thuốc để chữa, cỡ đâu là 1-2 tháng tùy cơ địa sẽ hết tê, nhưng có người thì lâu hơn, thậm chí nửa năm vẫn đang nằm liệt vì hệ thống dây thần kinh bị tàn phá nặng nề. 
 
Có nhiều câu chuyện theo dạng chưa thấy quan tài chưa đổ lệ như thế này. Mãi đến lúc thấy tay mình tê rần, đau rát, đến lúc thấy chân mình không duỗi được bình thường… mới thấy hoang mang sợ hãi tột độ. Lại thề thốt không bao giờ đụng vào quả bóng nữa, ngấy lắm rồi, sợ lắm rồi. Thế xong đến lúc chữa khỏi, tự dưng lại thấy nhớ nhớ cái cảm giác phê pha chốc lát ấy, lại tự nhủ thôi thổi 1 quả chắc không sao.
 
Các dân chơi sau khi kinh qua rất nhiều loại chất kích thích đều phải quay ra nhìn nhau lắc đầu: Thôi thôi, bỏ bóng đi mà làm người.
 
Tại sao thế nhỉ? Quả bóng bé tí, có gì đâu mà sợ vậy. Dân chơi trả lời: Chơi kẹo, chơi ke có thể sảng. Nhưng ngáo bóng thì là cái ngáo đi đầu xuống đất, ngáo muốn quên luôn mình là ai.
 
Những ai thổi bóng nhiều, riết sẽ tự nhận ra: Ơ hay tự dưng mình nổi nóng thế, ơ hay sao buồn thế, ôi nỗi buồn này sâu lắng thế, ôi sao mãi không hết buồn thế. Cái sợ ở đây này. Chúng ta tưởng rằng thổi bóng chỉ phê thôi, chỉ tê tê thôi, nhưng hóa ra cùng lúc ấy, nó khiến ta nghĩ ngợi quẩn quanh, khiến ta hoài nghi và tiêu cực đi. Một chuyện nhỏ thôi cũng tắc mãi trong đầu, cảm giác như cả thế giới sụp đổ trước mắt đến nơi… 
 
Cái nỗi buồn của cơn quẩn quanh ngáo bóng, nó thê lương và ám ảnh khó mà diễn tả bằng lời. Người khi chìm trong nỗi buồn của trái bóng, thấy mọi thứ nhân 10 lần tồi tệ. Nằm mãi một chỗ, nghĩ chuyện gì cũng không ra, nhưng nghĩ đến chuyện gì cũng thấy ôi thế là hết… cuộc đời mình cắm đầu xuống đất rồi. Cứ thế mà nhiều trường hợp trầm cảm, rồi rối loạn lo âu xuất hiện, trầm trọng hơn cũng chỉ vì quả bóng là tác nhân. 
 
Qua bao nhiêu mùa trăng, ta vẫn lại ngồi đây nói với nhau những tác hại của bóng. Cái đáng sợ nhất của bóng, đó chính là tạo cho ta cảm giác ta có thể kiểm soát được nó. Cơn phê bóng trôi qua chỉ trong vài giây phút, nhưng hãy nhớ rằng chúng ta không chỉ có một cơn phê trong mỗi cuộc chơi. 10 quả, 20 quả, 30 quả. Thậm chí cả bình bóng. Nhiều bình trong nhiều ngày. Những tác động của bóng tới thần kinh, tới tâm tính của con người cứ thế dai dẳng, bền bỉ. Người viết từng ngồi trong không biết bao nhiêu quán rượu, mà ngồi đối diện là những chàng trai, cô gái ngồi một mình cả chiều, cả tối để thổi bóng. Họ cứ lầm lũi, hết lại thổi, hết lại thổi. Nhân viên quán ra đứng bên cạnh chỉ để bơm bóng, thỉnh thoảng lại đưa bill để chị tính tiền dần cho khỏi shock. Có trường hợp cá biệt tôi từng thấy, còn cố nhắn với nhân viên: "Bao giờ chị định về, em lại dúi vào tay chị quả bóng nữa nhé… "
 
Nhìn những cảnh tượng như thế mà thấy bi hài. Nhưng hình như chính những người trong cuộc cứ từ chối tin rằng mình đang bị quả bóng hành cho ra bã, mà chỉ nghĩ: Thổi nốt quả này là hết phê. Thôi lại bơm quả khác ta lại phê hơn…. 
 
Là người trực tiếp chữa trị cho gần 10 bệnh nhân liên quan đến bóng cười, bác sĩ chuyên khoa 2 Chu Tiến Nam - Phó khoa khám bệnh Viện y học cổ truyền trung ương cho hay, đây là loại khí độc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh của con người.
 

 
Bác sĩ Chu Tiến Nam.
 
Bác sĩ Nam khuyên giới trẻ tuyệt đối không được lạm dụng bóng cười, bởi bóng cười cũng như ma túy, gây nghiện nên rất khó bỏ.
 
Theo bác sĩ Nam, bóng cười hay còn gọi là khí cười không còn xa lạ với nhiều người, thực chất là quả bóng bay được bơm một loại khí có công thức hóa học là N2O (Dinitơ oxit hay nitrous oxide).
 
Sử dụng quá nhiều bóng cười sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân. Theo lời kể của vị bác sĩ, những người nhập viện vì bóng cười có triệu chứng như người nghiện ma túy, nếu nhìn kĩ có thể phát hiện được triệu chứng./.