Tham dự chương trình có các đồng chí: Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Sinh Hùng – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Quốc hội; Trương Tấn Sang – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, Báo Nhân dân; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các Sở ban, ngành.
Truông Bồn là một đoạn đèo dốc có chiều dài 5km, độ cao gần 70m trên dãy núi Thung Nưa có đỉnh cao nhất là 450m so với mực nước biển, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Cung đường độc đạo Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, nơi đây được xem là tuyến lửa khốc liệt nhất.
Giữa mảnh đất bom cày đạn xới, khi mà cái chết luôn cận kề, hàng vạn con người nơi đây đã sống và chiến đấu, đã vượt lên bom đạn hiểm nguy, vất vả thiếu thốn, ngày đêm bám trận địa. Với quyết tâm sắt đá “Sống bám cầu, bám đường – chết kiên cường dũng cảm”, “tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”, chúng ta đã giữ vững mạch máu giao thông, đào đắp hàng triệu mét khối đất đá, giúp hơn 94 nghìn lượt xe cơ giới lưu thông, vận chuyển và giải tỏa hơn 1 triệu tấn hàng vượt qua Truông Bồn, theo sát các đoàn quân vào chiến trường miền Nam.
Có lẽ trong tất cả các cuộc chiến tranh ở thế kỷ 20 trên thế giới, hiếm có một chiến trường nào mà với không gian và thời gian eo hẹp như mảnh đất vỏn vẹn 6.000 m2 của Truông Bồn, bình quân 1 phút rưỡi lại phải hứng chịu sức công phá của 1 quả bom tấn - cường độ hủy diệt khủng khiếp có một không hai trong lịch sử nhân loại.
Trong cuộc chiến sinh tử này, 1.240 cán bộ, chiến sỹ đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh, tiêu biểu là sự hy sinh của 13 chiến sỹ thanh niên xung phong Đại đội 317 vào ngày 31/10/1968.
Nơi đây không chỉ là vùng đất thiêng liêng, là biểu tượng về sự hi sinh anh dũng của lực lượng thanh niên xung phong, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mà còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước, niềm tự hào của các thế hệ người dân Việt Nam hôm nay và mai sau.
Phát biểu tại Chương trình Nghệ thuật, đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Chúng ta có mặt ở đây để một lần nữa vinh danh các Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống ở Truông Bồn vì độc lập tự do của Tổ quốc.
“Những tấm thân làm cọc tiêu cho xe qua ngày ấy; những tấm thân đã ngã xuống trong loạt bom tọa độ ác nghiệt trong ngày cuối của chiến tranh, chỉ trước vài giờ thời điểm ngừng bắn có hiệu lực, mãi mãi trở thành cọc tiêu cho đất nước, quê hương biết đi về đúng hướng; cho thế hệ mai sau biết đứng thẳng làm người” – đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Những người anh hùng đã ở lại với lòng đất mẹ, nhưng tinh thần của họ vẫn luôn sống mãi. Mỗi dịp kỷ niệm về Truông Bồn, là một dịp tỏ lòng biết ơn đối với những người anh hùng đã hiến dâng máu xương mình cho Tổ quốc. Lòng biết ơn ấy cần phải được biến thành lẽ sống cao đẹp trong các thế hệ mai sau, thành những hành động cách mạng cụ thể, làm cho lý tưởng của Đảng, khát vọng của nhân dân được hiện thực hóa trên khắp mọi miền quê hương, đất nước.
Chương trình nghệ thuật “Truông Bồn - Bản hùng ca huyền thoại” là hoạt động nhằm tôn vinh truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; bày tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc đến các Anh hùng Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, cựu thanh nhiên xung phong, thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng; trong đó có 13 liệt sĩ là những thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội Thép, Đại đội 317 đã ngã xuống.
Tại chương trình nghệ thuật, thông qua những hình ảnh, câu chuyện, tiết mục nghệ thuật, các nghệ sĩ đã mang đến cho thế hệ hôm nay cảm xúc tự hào, xúc động, biết ơn trước những hi sinh của một thời hoa lửa. Chương trình nhắc nhớ, tri ân những chiến sĩ đã dành tuổi đôi mươi đẹp đẽ nhất của cuộc đời cho lý tưởng cao đẹp của toàn dân tộc, của khát vọng độc lập, hòa bình đất nước; qua đó thôi thúc người dân, thế hệ trẻ hôm nay dốc lòng dốc sức phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước. Thông qua đó, khán giả cả nước cũng sẽ có cái nhìn mới về một Truông Bồn, Nghệ An hôm nay, một mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, giàu tiềm năng phát triển, đang vươn lên mạnh mẽ trong thời hội nhập cùng với cả nước.
Chương trình sử dụng các tiết mục trình diễn nghệ thuật kết hợp đa dạng giữa âm nhạc, múa nghệ thuật, thơ, kịch hát. Các ca khúc ca ngợi quê hương đất nước, các ca khúc về Nghệ An, Truông Bồn được các nghệ sĩ gắn bó với mảnh đất miền Trung như: NSƯT Phạm Phương Thảo, Bùi Lê Mận, Anh Thơ… biểu diễn.
Điểm nhấn đặc biệt của chương trình lần này là phần kịch hát mang tên "Bình minh đỏ". Các nghệ sĩ, diễn viên đã tái hiện câu chuyện của những người chiến sĩ Truông Bồn năm xưa trước giờ phút hi sinh. Những nghĩ suy, lý tưởng của tuổi trẻ, những khát khao bình dị mà vĩ đại của những con người nơi cửa tử Truông Bồn, hằng ngày hằng giờ đối mặt với hiểm nguy, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Vở kịch “Bình minh đỏ” đã mang đến những khoảnh khắc xúc động cho người xem, những ước mơ, khát vọng của thế hệ Truông Bồn năm xưa. Tại chương trình, Báo Nhân dân đã phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm trao tặng nhà tình nghĩa và các sổ tiết kiệm cho các gia đình thân nhân liệt sĩ, nhân chứng lịch sử và một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An./.