khan-ha-noi-yeu-cau-nhung-nguoi-da-den-da-nang-tu-ngay-1-5-phai-cach-ly-tai-nha-600x400-1637137352.jpg
Hà Nội không phải thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà 

Sáng 16/11, Trần T.L. Q (trú tại một chung cư trên quận Thanh Xuân) hài hước than thở “Đen Vâu đã gọi tên em”. Bạn bè hối hả điện thoại hỏi thăm, cô cho biết đã thành F1.

Nguyên nhân là do Q. vô tình đi chung cầu thang máy với F0 ở nơi cô sinh sống. Sự việc được phát hiện sau khi BQT toà nhà trích camera.

“Sau đó cả buổi sáng em ngồi yên trong nhà, vì các bác ở chung cư nói chuẩn bị đưa đi cách ly. Nhưng những người rơi vào tình cảnh như em trong chung cư đã kiên quyết đề nghị được tự cách ly ở nhà. Vì thực tế, thì em cũng như mọi người đã tiêm đủ 2 mũi, trong quá trình di chuyển đều đeo khẩu trang”, Q kể lại.

Chiều cùng ngày, cô thở phào thông báo đã được cách ly tại nhà mà không phải đi cách ly tập trung. “Mất gần một ngày em lo lắng. Em ở nhà có phòng riêng, nhà vệ sinh riêng. Trời lạnh có nước nóng để tắm. Ăn thì có chồng nấu nướng những món hợp khẩu vị. Thế mà phải đi cách ly thì… chết. Sợ nhất là lây chéo trong khu ấy khi dùng chung nhà vệ sinh”, Q. nói.

Tâm trạng của Q. tương tự cho rất nhiều người dân Thủ đô hiện nay khi mà các ca F0 trong cộng đồng những ngày qua có chiều hướng gia tăng. Nhiều người cho biết chưa khi nào dễ va phải F0 như bây giờ. 

Tuy nhiên hiện Hà Nội vẫn chỉ đang thực hiện thí điểm cho 4 nhóm đối tượng nguy cơ cao gồm trẻ em, người già, người mắc bệnh nền và phụ nữ có thai theo quy định của Bộ Y tế.

Trong khi đó, theo thống kê, Hà Nội đến nay đã tiêm được tổng cộng 11.234.510 mũi vắc xin cho người dân. Và 82,44% người trên 18 tuổi sống tại Hà Nội đã hoàn thành 2 mũi vắc xin phòng Covid-19.

Trao đổi với phóng viên Infonet về việc này, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Hà Nội không nên khoanh vùng trong 4 nhóm đối tượng nguy cơ cao mới được cách ly tại nhà.

Thay vào đó, bây giờ "cứ ai đủ điều kiện cách ly tại nhà được thì cho họ được cách ly. Bởi vì Hà Nội đã có kinh nghiệm cách ly F2 rồi".

Theo chuyên gia, quan trọng nhất đối với những trường hợp này là xác định có đủ điều kiện các quy định về cách ly tại nhà theo quy định của Bộ Y tế như: phòng riêng, nhà vệ sinh riêng… hay không?.

Nếu những gia đình có F1 đảm bảo những tiêu chí này thì để họ được cách ly tại nhà. Riêng với những F1 không đủ điều kiện thì vẫn cho đi cách ly tập trung.

“Không cần thiết trong nhóm đối tượng, cũng như không cần thiết phải thí điểm nữa”, ông Phu nhấn mạnh.

Chung quan điểm này, trao đổi với phóng viên PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng không có căn cứ nào để không cho những F1 là người lớn khoẻ mạnh được cách ly tại nhà. Cái quan trọng là người đó - F1 có đủ điều kiện cách ly tại nhà hay không mà không cần phải không phân biệt tuổi tác, già trẻ hay có bệnh nền.

“Hà Nội quy định 4 nhóm như vậy là thiếu căn cứ khoa học”, PGS. TS Việt Hùng bày tỏ.

Chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong khu cách ly thời gian qua là họ đã nhiễm vi rút từ trước nhưng chưa được phát hiện thông qua xét nghiệm lần đầu tiên. Chỉ tới khi được lấy mẫu các lần sau đó tại khu cách ly, những người này mới cho kết quả dương tính.

Tuy nhiên, theo PGS. TS Việt Hùng, “tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly là rất rõ ràng và đã xảy ra”.

“Nguyên nhân dễ thấy nhất là chúng ta không đủ điều kiện để đảm bảo an toàn trong khu cách ly tập trung. Tình trạng 4-5 người cách ly trong cùng một phòng vẫn rất phổ biến. Khi đó, một người nhiễm nCoV có thể nhanh chóng lây cho những thành viên còn lại trong phòng”, vị chuyên gia này giải thích.

Ngoài ra, một vấn đề khác cũng mang đến nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly tập trung là khu vực tắm rửa, vệ sinh được các phòng sử dụng chung tại nhiều nơi.

Việc lo ngại lây nhiễm chéo trong khu cách ly theo PGS. TS Việt Hùng chính là một trong những lý do khiến nhiều người là F1 ngại đi cách ly tập trung, thậm chí có hành vi chống đối, không khai báo y tế.

Đưa ra giả thiết, một trường hợp phát hiện Covid-19. Trước đó, F0 này qua nhà bạn chơi. Nhưng F0 này sẽ có suy nghĩ nếu khai báo y tế, cả gia đình của người bạn kia sẽ phải đi cách ly tập trung. Trong khi đó, gia đình nhà bạn cũng có thể gây áp lực lên F0 để người này không khai báo.

“Nếu xảy ra tình huống như thế thì mang đến mối nguy lớn cho cộng đồng”, PGS. TS Việt Hùng cảnh báo.

Do đó, vị chuyên gia này cho rằng giải pháp cách ly tập trung chưa thực sự tối ưu, nhất là trong bối cảnh chúng ta cần phát huy tối đa vai trò của người dân trong phòng, chống dịch.

“Hà Nội cần thực hiện trên diện rộng các F1 được cách ly tại nhà nếu họ đảm bảo đủ điều kiện”, PGS. TS Việt Hùng nhấn mạnh. 

Nhìn nhận về số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng vọt trong những ngày qua, PGS. TS Trần Đắc cho rằng phải “chấp nhận” vì "đi lại nhiều, giao lưu nhiều" thì "số ca sẽ tăng".

Hơn nữa nếu người đến, về Hà Nội đi đường sắt, hàng không thì còn kiểm soát được nhưng giờ nhiều người đi từ Miền Nam ra bằng đường bộ, không khai báo y tế, vẫn tiếp xúc, không tự cách ly tại nhà thì dịch lây lan ra.

Hà Nội tỷ lệ tiêm vắc xin đã tương đối cao nhưng vẫn cần phải tiếp tục đánh giá số tiêm vắc xin mắc Covid-19 có trở nặng hay không để có tham mưu cho chính xác.  Đồng thời vẫn cần phải kiểm soát kỹ tránh để  dịch bùng lên thì nguy hiểm./.