Bước vào phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10, sắc đỏ bao trùm với gần 800 mã giảm, áp đảo hoàn toàn so với 176 mã tăng. Thậm chí, toàn sàn có đến 188 mã cổ phiếu nằm sàn (riêng nhóm VN30 đã có đến 11 mã).

VN-Index đóng cửa giảm 45,67 điểm (-4,03%) xuống mức 1.086,44 điểm - mức thấp nhất trong vòng gần 20 tháng kể từ ngày 8/2/2021. Lần gần nhất thị trường giảm mạnh hơn con số này là vào ngày 13/6/2022 khi đó VN-Index giảm hơn 57 điểm (-4,44%).

Diễn biến này khá tiêu cực khi chỉ phiên giao dịch trước đó, VN-Index may mắn hồi mạnh 34 điểm tại vùng đáy và tăng hơn 6 điểm ở mức 1.132,11 điểm vào cuối tháng 9.

Theo thống kê, VN-Index giảm đến 11,55% trong tháng 9, vốn hoá tại thời điểm này là 4.533.142 tỷ đồng, bốc hơi hơn 592.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 26 tỷ USD) so với thời điểm cuối tháng 8.

Chỉ số HNX-Index cũng mất đến 14,27% còn UPCoM-Index sụt giảm 8%, đây là những mức giảm khá mạnh và đánh mất nhiều thành quả của nhà đầu tư vỏn vẹn 1 tháng giao dịch.

chung-khoan-lien-tuc-cam-dau-nha-dau-tu-ban-cat-lo-1665049504.jpg
 Chứng khoán liên tục giảm thời gian gần đây.

Khối ngoại, tự doanh, nhà đầu tư đều tháo chạy…

Trong diễn biến kém sắc của thị trường chứng khoán Việt Nam, khối ngoại và bộ phận tự doanh đều đảo chiều bán ròng.

Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng hơn 3.056 tỷ đồng trên sàn HoSE trong tháng 9, giá trị chỉ xếp sau tháng 3 nếu xét từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, khối ngoại chỉ bán ròng hơn 7 tỷ đồng trên sàn HNX, đây là tháng bán ròng có giá trị thấp nhất kể từ đầu năm 2022.

Nếu xét về cổ phiếu thì nhóm bất động sản là nhóm bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất khi có đến 5 cổ phiếu thuộc nhóm này nằm trong top 10 cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất. Trong đó, KDH dẫn đầu nhóm cũng như sàn HoSE về giá trị bán ròng với gần 587 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số cái tên khác cũng đáng chú ý không kém là DXG với giá trị đạt hơn 188 tỷ đồng.

Tương tự, khối tự doanh công ty chứng khoán cũng bán ròng 679 tỷ đồng cổ phiếu toàn thị trường sau khi mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng ba tháng trước đó. Việc khối này mua ròng gần 1.700 tỷ đồng tuần cổ phiếu tuần cuối tháng 9 giúp thu hẹp giá trị rút ròng.

Trên sàn HoSE, khối tự doanh bán ròng gần 417 tỷ đồng sau ba tháng mua liên tiếp. Trong ba tuần đầu của tháng 9, khối tự doanh bán ròng gần 2.100 tỷ đồng.

Còn trên sàn HNX, khối tự doanh trở lại bán ròng mạnh hơn 220 tỷ đồng sau khi mua nhẹ hơn 30 tỷ đồng trong tháng 8. Cùng xu hướng, bộ phận tự doanh bán ròng 42 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.

Đối với những nhà đầu tư cá nhân, đa số tài khoản đều đã thua lỗ ít nhiều 20-30% trong hai tuần trở lại đây. Và tình thế hiện tại, nhiều nhà đầu tư có tâm lý buông bỏ và bất chấp bán cắt lỗ khi vượt quá sức kỳ vọng của bản thân.

Theo thống kê trong phiên mốc 1.100 điểm gặp nguy hiểm, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh 1.457 tỷ đồng, trong đó bán ròng khớp lệnh là 1.389 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 4/18 ngành, chủ yếu là ngành hàng & dịch vụ công nghiệp. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã: HAH, NLG, KDH, VND, PLX, VHM, CTR, DIG, HCM, TCB.

Phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 14/18 ngành chủ yếu là nhóm ngành ngân hàng, bất động sản. Top bán ròng có: DGC, DPM, STB, VNM, KBC, FPT, VIC, DXG, MWG.

Dư địa giảm giá không còn nhiều, thị trường sẽ lập đáy ngắn hạn đi lên

Trước tình cảnh ảm đạm của thị trường, nhiều nhà đầu tư băn khoăn vì sao kinh tế vĩ mô trong nước vẫn tốt, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, doanh nghiệp niêm yết vẫn hoạt động tốt… nhưng thị trường chứng khoán cũng như giá cổ phiếu liên tục giảm sâu, thậm chí giảm về mức đáy của đợt lao dốc đầu năm?

Tại buổi Hội thảo giữa tháng 9, ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập FIDT cho rằng thị trường chứng khoán là thị trường của sự kỳ vọng và thường phản ánh kỳ vọng của nền kinh tế trước khoảng nửa năm. Do đó, hiện tại thị trường có thể phản ánh bức tranh kinh tế những tháng tới nên rơi vào trạng thái lình xình. "Lãi suất điều hành, lãi suất huy động và chi phí lãi vay tăng lên… chứng khoán không thể tăng được" - ông Tuấn phân tích.

Ông Huỳnh Minh Tuấn cũng cho rằng đối diện nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, triển vọng vĩ mô nói chung vẫn là bức tranh xám màu. Tuy nhiên, ở cương vị là người đầu tư và quản lý tài sản cũng như phân bổ tài sản cho khách hàng, ông Tuấn cho biết ông đặc biệt ưa thích giai đoạn này. Đây là giai đoạn lựa chọn hàng tốt, lợi thế thuộc về người mua. Đây là giai đoạn có thể giúp nhà đầu tư đổi đời nếu tìm đúng nguồn cổ phiếu.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta), tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn còn bi quan với diễn biến hiện tại. Các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 30-35% danh mục và chưa nên mua mới ở giai đoạn hiện tại.

Đối với nhà đầu tư theo chiến lược lướt sóng có thể thực hiện giao dịch với tỷ trọng thấp, ưu tiên các cổ phiếu có sẵn trong tài khoản, trường hợp thị trường tiếp tục điều chỉnh thì cần quản trị rủi ro chặt chẽ, chờ nhịp phục hồi tiếp theo.

Diễn biến của thị trường chứng khoán trong tháng 10 hàng năm thường phản ánh thông tin công bố kết quả kinh doanh quý 3 của doanh nghiệp qua đó dự báo khả năng thực hiện kế hoạch cả năm.

Công ty Chứng khoán ACBS dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 17,5% nhờ các lĩnh vực chính như ngân hàng, khu công nghiệp cũng như sự phục hồi của tiêu dùng nội địa sau đại dịch.

Do vậy, nếu chỉ xét trên yếu tố này, nhà đầu tư có thể lạc quan với thị trường trong tháng 10 tới. Tuy nhiên, nhiều yếu tố trái chiều vẫn có khả năng xuất hiện và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trong thời gian này.

Dư âm về sự mạnh tay của Fed trong chính sách thắt chặt tiền tệ và động thái quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước vẫn có khả năng gây áp lực cho thị trường trong thời gian tới.

Mặt khác, chất xúc tác T+2 được chờ đợi sẽ tạo ra những tác động tích cực lên thanh khoản thị trường lại đang chưa phát huy tác dụng. Giá trị giao dịch không những không cải thiện mà còn heo hút hơn trong bối cảnh cả nhà đầu tư và doanh nghiệp đều lo ngại thị trường còn nhiều sóng gió trước áp lực đến từ xu hướng tăng lãi suất./.