Ngày 22.3, thông tin từ UBND huyện Nam Đàn cho biết, vừa có báo cáo tổng hợp số liệu thu chi tiền công đức năm 2023 của các di tích trên trên địa bàn huyện.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Nam Đàn có 173 di tích, trong đó 4 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia và 28 di tích cấp tỉnh.
Về công tác quản lý, có 2 di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, 90 di tích do ban quản lý kiêm nhiệm quản lý, 9 di tích do người đại diện cơ sở tôn giáo quản lý.
- Công an Nghệ An: Khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc
- Di chuyển 41 sắc phong ra khỏi Chùa Am có dấu hiệu trái với Luật di sản: Vậy mà Trưởng phòng quản lý văn hoá ở Hà Tĩnh nói “Việc nhỏ xíu báo chí cứ làm to lên”?
- Cục Di sản Văn hóa đề nghị xác minh tính xác thực thông tin bán đấu giá sắc phong có nguồn gốc Việt Nam
Năm 2023, tổng số tiền công đức, tài trợ tại các di tích hơn 3,2 tỉ đồng (không bao gồm các khoản công đức tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng và tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo), tổng số chi hơn 2,3 tỉ đồng.
Bên cạnh hầu hết di tích đã chấp hành việc báo cáo thu chi tiền công đức, có 4 chùa trên địa bàn đặt hòm công đức nhưng không có báo cáo quỹ công đức hàng năm, gồm: chùa Viên Quang xã Nam Thanh, chùa Đại Tuệ xã Nam Anh, chùa Hà xã Hùng Tiến, chùa Yên Lạc xã Nam Lĩnh.
Trong đó, chùa Đại Tuệ là một trong những ngôi chùa lớn nhất Nghệ An, hàng năm thu hút rất đông phật tử và du khách tới tham quan.
Chùa Đại Tuệ nằm trên núi Đại Huệ, ở độ cao gần 500m so với mực nước biển. Công trình tôn giáo này được xây dựng trong khuôn viên rộng khoảng 6.000m2 và hiện nắm giữ bốn kỷ lục Việt Nam.
Ông Vương Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn - cho biết, trước tình trạng nhiều chùa trên địa bàn không báo cáo thu chi tiền công đức, vừa qua, huyện đã có văn bản yêu cầu ban quản lý các di tích này thực hiện việc báo cáo thu chi tiền công đức theo quy định.
Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư số 04/2023 Hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội có hiệu lực từ ngày 19.3.2024.
Theo đó, tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội và tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích theo quy định tại Thông tư này có trách nhiệm công khai việc thu, chi các khoản công đức, tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho tổ chức, cá nhân đã có đóng góp tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích nếu tổ chức, cá nhân này có yêu cầu; Cung cấp kịp thời thông tin khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.