Sự việc Chủ tịch UBND xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa được cho là "tòm tem" với cấp dưới đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Theo đó, chiều 12/6, ông Trương Văn Gương, Chủ tịch UBND xã Thành Mỹ bị người nhà của bà T.T.H. - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã bắt quả tang khi đang ở cùng nhau tại một căn phòng thuộc hội trường văn hóa xã trong tình trạng không mảnh vải che thân.
Sau khi sự việc xảy ra, ông Trương Văn Gương và bà T.T.H. đã bị đình chỉ công tác 15 ngày. Chồng của bà H. sau đó cũng đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng kèm theo những bằng chứng về vụ việc.
Dư luận đang rất quan tâm, với hành vi này, ông Trương Văn Gương và bà H. sẽ bị xử lý như thế nào? Qua theo dõi sự việc, luật sư Lê Thị Phượng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Phượng Hoàng tại Thanh Hóa đánh giá, hành vi của hai cán bộ xã là vi phạm về đạo đức, lối sống trong lĩnh vực hôn nhân gia đình.
"Trong trường hợp kết luận là hai người này có quan hệ bất chính với nhau, nhưng chỉ là quan hệ ngoài luồng và bắt được một lần đó thôi, không có hành vi chung sống với nhau như vợ chồng thì có vi phạm về luật hôn nhân gia đình. Trường hợp này chưa đủ dấu hiệu để xử lý về mặt hành chính và hình sự", luật sư Lê Thị Phượng đánh giá.
Điều 182 Bộ Luật hình sự năm 2015 về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng quy định, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp: "Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm", thì sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tại không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm.
Đồng thời, trong trường hợp kết luận 2 người này có quan hệ bất chính với nhau, về việc vi phạm đạo đức, lối sống, luật sư Phượng nhận định 2 cán bộ này có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Khoản 1, Điều 6, Nghị định 112 quy định, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.
Tùy vào mức độ, hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 6, Nghị định 112, Hội đồng kỷ luật sẽ xác định áp dụng biện pháp kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc buộc thôi việc đối với cán bộ vi phạm./.