Chiều 11/10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023.
Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn số liệu từ báo cáo của Ủy ban Pháp luật về việc chấp hành quy định trực tiếp tiếp công dân của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đạt 79%, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đạt 45%.
Như vậy, đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo Luật quy định phải trực tiếp công dân hàng tháng mới đạt chưa đầy 80%, tức còn 21%. Đặc biệt đáng lưu ý đối với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạt 45%, nghĩa là còn 55% chưa trực tiếp tiếp công dân, bà Nga nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị công khai thông tin những đơn vị nào người đứng đầu không trực tiếp công dân, kể cả cấp tỉnh, kể cả bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, ngành, báo cáo trước Quốc hội để Quốc hội rõ.
“Nếu chúng ta công khai như thế thì tình hình năm sau sẽ chuyển biến tích cực”, bà Nga nhận định.
Đồng tình với ý kiến của Chủ nhiệm Lê Thị Nga, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đi tiếp xúc cử tri cũng đã có những địa phương phản ánh, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có nơi chưa thực sự quan tâm đến việc tiếp dân.
“Theo quy định của Đảng là mỗi tháng người đứng đầu cấp ủy phải tiếp công dân một lần nhưng không nhiều địa phương làm được việc này, chủ tịch Ủy ban nhân dân cũng vậy, chủ yếu là cấp phó và các bộ phận khác làm thay”, ông Cường nói.
“Như chị Nga nói là nếu có được danh tại danh sách ở đây thì rất là tốt nhưng việc đó tôi cho là cũng rất nhạy cảm, tế nhị, chỉ cần có giải trình chẳng hạn thì cũng buộc những nơi chưa làm tốt phải có thay đổi”, ông Cường nêu quan điểm.
Cũng về công tác tiếp dân, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nói, theo báo cáo của Chính phủ, so với năm 2022 tình hình công dân trực tiếp đến cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng về số lượt, số người, vụ việc và đoàn đông người. Cụ thể, số lượt tăng 3,5%; số người tăng 41,8% và số vụ việc tăng 33,2%; đặc biệt số đoàn đông người tăng 268,6%.
“Thường trực Ủy ban chúng tôi đề nghị Chính phủ làm rõ hơn là ngoài nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế thì nguyên nhân chủ yếu nào làm cho tình hình công dân trực tiếp đến cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng lên rất đáng kể như vậy”, bà Thúy Anh phát biểu.
Ngoài ra, theo bà Thúy Anh, báo cáo của Chính phủ mới chỉ thể hiện về số lượt, số vụ tiếp công dân mà chưa đánh giá về kết quả giải quyết những vấn đề của người dân, bà đề nghị Chính phủ đánh giá thêm về nội dung này.
Phát biểu sau đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2023 tăng so với năm 2022 do năm 2022 có thời gian thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên số người dân đến trụ sở các cơ quan hành chính để khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh ít hơn so với năm 2023.
Lý do nữa là năm 2023 khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát thì Chính phủ đã ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy có nhiều dự án đầu tư tăng hơn so với trước và để thực hiện các dự án đầu tư này, nhất là đầu tư công thì phải thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng nên dẫn đến việc phát sinh thêm khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng lên.
Cạnh đó, theo ông Phong, từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023 cho đến nay tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên một số lĩnh vực như về chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm, đầu tư bất động sản, môi trường… gặp nhiều khó khăn, bất cập, thậm chí có tình trạng đổ vỡ, nên phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo tăng hơn so với trước đây.
“Chúng tôi được biết ngay việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hiện nay có rất nhiều tập đoàn lớn phát hành, khả năng đến hạn để thanh toán trái phiếu này là không thanh toán được, bắt đầu đã có những khiếu nại, tố cáo và đặc biệt gửi cả những cơ quan như cơ quan điều tra, kể cả thanh tra”, ông Phong thông tin thêm./.