Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác đã đến thăm dự án xây dựng Trụ sở chi nhánh Ngân hàng TMCP Bắc Á, văn phòng cho thuê, cụm siêu thị dịch vụ tổng hợp và khôi phục làng quê ven sông Khuôn tại xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á làm Chủ đầu tư.
Dự án được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 27111000086, chứng nhận lần đầu ngày 18/7/2011, được đăng ký điều chỉnh quy mô dự án, tổng vốn đầu tư và tiến độ thực hiện. Tổng diện tích khu đất là 44.169,4m2. Tổng vốn đầu tư là 252,656 tỷ đồng, 100% vốn tự có của nhà đầu tư.
Tiếp đó, đoàn đã đến thăm quan suối nước nóng Giang Sơn tại xã Giang Sơn Đông và xã Giang Sơn Tây. Suối nước nóng Giang Sơn (thể tích 2.050.000m3) nằm cách Quốc lộ 15A khoảng 2 km, cách cột mốc số 0 trên đường mòn Hồ Chí Minh 4km và cách thị trấn Đô Lương 15km. Đây là địa điểm lý tưởng để thưởng ngoạn và nghỉ dưỡng kết hợp du lịch sinh thái về nguồn. Từ lâu, nơi đây được biết đến là vùng có trữ lượng nước khoáng nóng khá lớn.
Để thực hiện thu hút đầu tư, khai thác nguồn tài nguyên nước khoáng nóng đặc biệt này, đồng thời xây dựng các khu chức năng phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng, các dịch vụ thương mại khác, Khu du lịch phức hợp, giải trí, nghỉ dưỡng huyện Đô Lương đã được UBND tỉnh cho chủ trương lập quy hoạch chung xây dựng tại Văn bản số 2387/UBND-CN ngày 04/4/2023.
Để có cơ sở thực hiện thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển Khu phức hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và sân golf xã Giang Sơn, UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh cho lập đồng thời song song quy hoạch 02 phân khu xây dựng cùng quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch phức hợp, giải trí, nghỉ dưỡng huyện Đô Lương
Tiếp đó, đoàn công tác đến thăm và kiểm tra thực địa Khu Quy hoạch trung tâm mới của huyện. Khu quy hoạch trung tâm mới của huyện với tổng diện tích khoảng 270 ha, gồm các xã Đà Sơn, Văn Sơn, Lạc Sơn, Yên Sơn và thị trấn Đô Lương; có quy mô dân số khoảng 14.000 người.
Tính chất Khu trung tâm mới đô thị Đô Lương, bao gồm: Đất Trung tâm Hành chính, Quảng trường; Đất Thương mại, Chợ truyền thống, Khu trưng bày sản phẩm làng nghề; Đất nhà ở biệt thự, liền kề, shophouse; Đất Cây xanh, Thể thao; Đất Trường học, Trường mầm non, Trạm y tế, Nhà văn hóa; Đất Bãi để xe, Hạ tầng Kỹ thuật, khu tập kết rác và các đất hiện hữu như Trung tâm đăng kiểm, Cây xăng, bến xe, khu chia lô hiện hữu…
Cũng trong sáng nay, đoàn đến thăm Công ty TNHH KIĐO Vinh, tại Cụm Công nghiệp Lạc Sơn.
Công ty TNHH KIĐO Vinh được UBND tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 26/01/2011 với tổng số vốn đầu tư là 11.600.000 USD. Nhà máy sản xuất các sản phẩm dệt may, các loại trang phục bơi lội, các loại sản phẩm làm từ da, các trang phục phụ kiện dùng cho quần áo, bao gồm cả việc in logo trên trang phục.
Công ty bắt đầu xây dựng và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 01/06/2012 với tổng diện tích đất thuê là 70.223m2. Hiện công ty có 44 dây chuyền sản xuất cho sản lượng bình quân đạt 1,200,000 sản phẩm/năm. Công ty đã giải quyết việc làm cho 3.800-4.300 lao động. Doanh thu năm 2022 đạt 556 tỷ đồng, dự kiến năm 2023 đạt 610 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 14,3 tỷ đồng; dự kiến năm 2023 tăng lên 15,5 tỷ đồng. Mức lương bình quân của người lao động là 6.000.000 đồng/tháng. Nộp BHXH, BHYT, BHTN năm 2022 đạt 60 tỷ đồng; dự kiến năm 2023 tăng lên 66 tỷ đồng.
Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Công ty TNHH KIĐO Vinh đạt được sau hơn 10 năm thành lập và đi vào hoạt động tại huyện Đô Lương, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, Công ty đã góp phần giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Đây cũng là doanh nghiệp FDI có thành lập tổ chức Đảng.
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, khi đơn hàng xuất khẩu giảm, lao động dịch chuyển gây thiếu hụt nguồn lao động, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chính quyền địa phương sát cánh, đồng hành, hỗ trợ cho nhà đầu tư trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; ngành Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm phối hợp giải quyết, tìm kiếm nguồn lao động bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của Công ty.
Theo Kim Oanh - nghean.gov.vn