Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Thị Kim Chi – Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành.
Sở Công thương hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo ngành Công thương cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Công thương đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng 2023 ước tăng 1,62% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 36.539 tỷ đồng, tăng 9,63% so với cùng kỳ 2022, đạt 42,98%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 892,3 triệu USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ, đạt 35,7%/KH. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 589 triệu USD, giảm 1,27% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 39,27%/KH.
Dự ước năm 2023, giá trị tăng thêm công nghiệp trong tổng sản phẩm GRDP ước hoàn thành KH đạt 19.926 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt khoảng 93.600 tỷ đồng, tăng 14,42% so với năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 87.000 tỷ đồng tăng 2,3% KH. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.870 triệu USD, tăng 13,03% so với năm 2022.
Sở đã chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan hoàn thiện xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 27 cụm công nghiệp. Các cụm công nghiệp đã thu hút được 367 doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân vào thuê đất, với tổng mức đầu tư là 2.401 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 30.166 lao động địa phương.
Hệ thống lưới điện truyền tải, phân phối được đầu tư đáp ứng nhu cầu phụ tải của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 22 nhà máy đã phát điện với tổng công suất 934,9MW; 790 hệ thống điện mặt trời mái nhà phát điện với tổng công suất lắp đặt 91,93MWp (73,54MW)...
Sở Công thương đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành, địa phương, đơn vị liên quan kịp thời xây dựng các phương án phát triển lĩnh vực công nghiệp, thương mại để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp với các sở ngành, địa phương kịp thời nắm bắt, tham mưu tháo gỡ kịp thời những vướng mắc của các doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, phát triển sản xuất – kinh doanh, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu công nghiệp – thương mại ở mức khá trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn,...
Đồng thời, rà soát, đánh giá, nghiên cứu tham mưu sửa đổi, ban hành và chủ trì triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển lĩnh vực, ngành phụ trách. Chủ động tích cực phối hợp trong các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại. Tăng cường, linh hoạt phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chủ thể sản xuất – kinh doanh quảng bá, kết nối cung cầu phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn đã xuất khẩu hàng hóa tới hơn 160 nước và vùng lãnh thổ (tăng 8,8% so với năm 2020).
Công tác cải cách hành chính được chú trọng, triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch đổi mới phương thức hoạt động từ “hành chính sang hành động” của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương giai đoạn 2023-2025...
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu dự ước thực hiện 5 tháng đầu năm như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa chưa đảm bảo tiến độ kế hoạch và kịch bản tăng trưởng năm 2023. Chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp dự ước không hoàn thành kế hoạch 2023 và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Xuất khẩu tăng trưởng khá và đã vượt mức mục tiêu đề ra nhưng chưa thực sự vững chắc, còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc; nguồn hàng còn phải phụ thuộc vào khai thác ngoại tỉnh …
Lãnh đạo ngành Công thương đề nghị UBND tỉnh cho tổ chức lại Phòng trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các sản phẩm OCOP và Phòng trưng bày sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí tăng nguồn kinh phí phục vụ Chương trình xúc tiến thương mại hàng năm để nâng cao về số lượng, quy mô về chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa địa phương. Đề nghị UBND tỉnh xem xét đồng ý chủ trương để tiếp tục lập Dự án cắm mốc tuyến đường dây, trạm biến áp 110kV, 220kV, 500kV đối với các công trình điện thuộc Quy hoạch điện VIII; phương án phát triển mạng lưới cấp điện thuộc Quy hoạch tỉnh sau khi các quy hoạch được phê duyệt...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Sở, ngành đề nghị Sở Công thương tăng cường công tác cải cách hành chính; quan tâm đến công tác chuyển đổi số trong các doanh nghiệp; tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP Nghệ An. Sở Công thương cần phối hợp với các huyện để xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung, quản lý tốt vật liệu nổ và thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư tại các cụm công nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, bố trí nguồn vốn để nâng cấp cửa khẩu Thông Thụ đáp ứng yêu cầu của thương mại biên giới; rà soát các sản phẩm công nghiệp còn dư địa để đưa ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp...
Theo đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi – Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, trước đây công nghiệp và thương mại không phải là thế mạnh của tỉnh, nhưng thời gian qua, ngành Công thương đã rất tích cực, chủ động tham mưu cho tỉnh nhiều cơ chế, giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại, công nghiệp và thương mại đã trở thành thế mạnh của tỉnh.
Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi đề nghị ngành Công thương tích cực chủ động tham mưu các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Ngay sau khi Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về tỉnh Nghệ An và Quy hoạch tỉnh được thông qua, ngành Công thương khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai cụ thể thực hiện Nghị quyết và Quy hoạch. Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện công tác cải cách hành chính; triển khai thực hiện Thông báo của Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị đối thoại với lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên trong Khối Các cơ quan tỉnh năm 2023.
Tiếp tục tham mưu các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, thương mại
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá cao và ghi nhận những thành tích ngành Công thương đã đạt được trong thời gian vừa qua. “Ngành Công thương có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sở Công thương đã rất chủ động, quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ được giao; bám sát chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh” – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Công thương bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra; tập trung thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021 - 2025. Triển khai quản lý và thực hiện tốt các quy hoạch thuộc quản lý của ngành Công thương, đặc biệt là quy hoạch điện VIII. Chủ động rà soát, đánh giá để tham mưu sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách phát triển ngành công nghiệp, thương mại tạo sự đồng bộ với quy hoạch và thực tiễn yêu cầu.
Bên cạnh đó, cần bám sát kịch bản tăng trưởng năm 2023 để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện các lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực công thương để đạt được mục tiêu cao nhất. Chủ động nắm bắt và kịp thời tham mưu UBND tỉnh để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Rà soát tìm dư địa cho những sản phẩm công nghiệp có thể tăng trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sáng nay UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vấn đề rất nóng hiện nay đó là việc cung ứng điện thời điểm này rất khó khăn. Vì vậy cần phải bám sát tinh thần chỉ đạo trong việc thực hiện tiết kiệm điện, điều chỉnh điện phù hợp với thực tế trên địa bàn, vừa đảm bảo duy trí tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân, vừa đảm bảo tiết kiệm điện.
Trên cơ sở các nội dung đã triển khai thời gian vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Công thương tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng thương mại – công nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công thương và phát triển tỉnh; trong đó lưu ý, tập trung phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng thương mại.
Đồng thời phối hợp với các ngành để thực hiện xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, kết nối tiêu thụ sản phẩm; chủ động phối hợp với các ngành và địa phương trong công tác quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực ngành phụ trách. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đổi mới phương thức quản lý nhà nước, thực hiện chuyển đổi số, đào tạo bồi dưỡng cán bộ… Phối hợp với Sở Nội vụ sớm xây dựng Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ thay thế Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ đã ban hành trước đây…
Theo PT - nghean.gov.vn