Chiều 21/9, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội chủ trì giao ban trực tuyến quý III-2023 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về một số nội dung quan trọng liên quan đến kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, quận đã thành lập 18 tổ kiểm tra để tổng kiểm tra, rà soát chung cư mini, các nhà cho thuê trọ nhiều căn hộ.

Qua rà soát sơ bộ, địa bàn quận có khoảng 1.900 chung cư mini, nhà cho thuê trọ; trong đó, có khoảng gần 90 chung cư mini… Đến nay, quận đã kiểm tra 180 chung cư mini, nhà thuê trọ có mức độ như chung cư mini.

p-1695353311.PNG
Quang cảnh hội nghị.

Đáng chú ý, các đoàn kiểm tra đã yêu cầu di chuyển toàn bộ xe máy, xe đạp điện tại tầng 1 khỏi chung cư mini, nhà thuê trọ.

Đồng thời đặt mục tiêu nếu không di chuyển được toàn bộ phương tiện phải di chuyển được 70-80% phương tiện xe máy, xe đạp điện, để nếu xảy ra sự cố thì mức độ ảnh hưởng sẽ giảm. Bởi qua thống kê, khoảng 90% vụ cháy đều xuất phát từ tầng 1.

Kiến nghị với thành phố, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng đề nghị nghiên cứu có giải pháp tổng thể với các cơ sở nhà trọ, nhà cho thuê đang có vi phạm về PCCC để xử lý triệt để về vấn đề PCCC.

Đại diện lãnh đạo UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) cho biết, bên cạnh các chung cư, nhà trọ cho thuê, nguy cơ xảy cháy tại các chợ cũng rất cao, trong đó đáng chú ý trên địa bàn quận có khu chợ Nhà Xanh, chuyên kinh doanh quần áo, vải, đồ nhựa gia dụng.

Đại diện phường Dịch Vọng Hậu kiến nghị thành phố có phương án di dời chợ Nhà Xanh, mở rộng đường Phan Văn Trường để bảo đảm an toàn PCCC và vệ sinh môi trường trên địa bàn.

pp-1695353338.PNG
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng kiến nghị việc xây ngăn khu để xe với khu nhà ở; thường xuyên kiểm tra xe máy, xe điện nhất là hệ thống sạc điện theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất; đồng thời trang bị đầy đủ phương án, phương tiện cứu nạn cứu hộ, đáp ứng yêu cầu PCCC và xử lý sự cố.

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn liên quan cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt là vụ cháy xảy ra đối với nhà ở nhiều căn hộ tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, gây hậu quả, thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống của người dân.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, yếu kém, song, nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ đô thị hóa, tăng dân số nhanh, nhưng hạ tầng, trang thiết bị về PCCC lại chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế.

Đáng chú ý, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý nhà nước của chính quyền địa phương ở một số nơi về PCCC&CNCH có lúc, có nơi còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ, đồng bộ; công tác quản lý trật tự xây dựng có nơi chưa tốt, vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép còn xảy ra…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, cùng với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 25 của Ban Thường vụ Thành ủy; Kế hoạch số 234 của UBND thành phố về tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên toàn địa bàn thành phố.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần coi công tác PCCC&CNCH là vấn đề quan trọng; nghiêm túc nhìn nhận ngay từ khâu tổ chức thực hiện, tránh hình thức “đầu voi, đuôi chuột”. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm phải được triển khai thật nghiêm khắc để phòng ngừa.

Đồng thời, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chỉ rõ, cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân nào không làm tốt công tác quản lý, cấp phép xây dựng, PCCC theo chức năng, nhiệm vụ được giao, để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản nghiêm trọng thì thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy và trước pháp luật...