Ngày 7/6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao về Dự thảo Đề án: "Đổi mới tổ chức bộ máy TAND tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII của Đảng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”.
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình. Dự buổi làm việc còn có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương.
Đề án: "Đổi mới tổ chức bộ máy TAND tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII của Đảng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới” là bước đầu tiên để xây dựng lộ trình cải cách tư pháp mới 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị ban hành năm 2005. Theo đó sẽ có 2 giai đoạn, từ nay đến 2022 tập trung cải cách nội bộ, sơ bộ, thí điểm. Sau năm 2022, tiến hành xác định lại địa vị pháp lý, hoạt động, nội dung, tố tụng.
Các ý kiến tại buổi làm việc đồng tình, nhất trí cao với Đề án, và góp ý nhiều nội dung quan trọng về tổ chức Toà án; một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; những yêu cầu mới đặt ra trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND trong thời gian tới.
Sau khi các bộ, ngành nêu ý kiến, kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị là hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp; trong đó trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao.
Theo đó, tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm 4 cấp là tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện; tòa án phúc thẩm có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một sô vụ án; tòa thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm và Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
Chủ tịch nước nêu rõ, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) giao Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Đề án: Đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới để sớm trình Bộ Chính trị sau khi lấy ý kiến của các cơ quan chức năng.
Chủ tịch nước đánh giá cao Bán cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu, xây dựng Đề án công phu, nghiêm túc, khoa học, đã nêu rõ được thực trạng tổ chức và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ như công tác xét xử, giải quyết các loại án; giám đốc việc xét xử; công tác xây dựng pháp luật, tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử và phát triên án lệ... Cùng với đó là đánh giá được những ưu điểm, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề ra nhiệm vụ, giải pháp và việc tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở ý kiến của các ban, bộ, ngành, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, về cơ bản, mục tiêu, quan điểm và cơ sở để xây dựng Đề án là phù hợp với yêu cầu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nêu trong Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và chủ trương tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính như nêu trong Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị. Do đó, đã có sự thống nhất về việc cần thiết phải sớm ban hành Đề án này.
Tuy nhiên Chủ tịch nước lưu ý, cần làm rõ việc đổi mới tổ chức, đổi mới hoạt động của Tòa án nhân dân có ảnh hưởng, tác động gì đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát cũng như quá trình tố tụng của các cơ quan tố tụng theo quy định hiện hành; làm rõ quan hệ giữa Đề án này và Đề án về Chiến lược xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta...
Chủ tịch nước lưu ý, việc thí điểm tiếp tục xây dựng tòa án khu vực có ý nghĩa rất quan trọng, đây cũng chính là việc tiếp tục thực hiện xây dựng lộ trình cải cách tư pháp mới 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.
Đặc biệt, các Tòa án khu vực phải đảm bảo dưới sự giám sát của của HĐND, Quốc hội, MTTQ Việt Nam, đặc biệt là người dân đối với cơ quan xét xử. Đi liền với đó là đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt động xét xử và tiếp thu ý kiến đóng góp, phản hồi của người dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các đề xuất mới mang tính đột phá, góp phần hoàn thiện Dự thảo Đề án. Đi liền với đó là khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua về tổ chức, hoạt động của bộ máy TAND, góp phần xây dựng một nền tư pháp “trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Qua đó, đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.